Nhiều phát hiện mới tại khu di tích Luy Lâu

Thứ Ba, 30/12/2014, 17:50
“Hé lộ phạm vi, cấu trúc thành Nội khu di tích Luy Lâu”- đó là một trong những kết quả nghiên cứu khảo cổ học mới nhất được nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam (thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đưa ra tại hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu học thuật quốc tế về di tích Luy Lâu (tỉnh Bắc Ninh) diễn ra sáng 30/12 tại Hà Nội.

Theo các nhà nghiên cứu, di  tích Luy Lâu là trung tâm của quận Giao Chỉ thời Hán. Từ khoảng 2000 năm trước, nơi đây đã là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Lĩnh Nam - Bắc Việt Nam. Trải qua mấy trăm năm từ thời Tam Quốc đến Lục triều và Tùy, Đường, nơi đây đã phát triển rất phồn thịnh và là tòa thành nổi danh với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời của khu vực Đông Á cổ đại.

Thành cổ Luy Lâu gồm tường thành và hào thành bao quanh. Kết cấu chỉnh thể của thành cổ lấy phía bắc làm hướng chính cho việc xây đắp, rất giống với ý tưởng xây dựng các khu đô thành và đô thị quận (huyện) ở Trường An, Lạc Dương thời Hán.

Trong năm 2014, kế tiếp những thành công của những nghiên cứu trước, các nhà khảo cổ học của Nhật Bản và Việt Nam đã bước đầu xác định vị trí và phạm vi thành nội di tích Luy Lâu lệch về phía Đông và phía Nam (chứ không phải là lệch phía Tây gần đền Sĩ Nhiếp như trước đây).
Một trong số các nhóm hiện vật được phát hiện trong lần khảo cổ học mới nhất tại di tích Luy Lâu.

Các nhà nghiên cứu cũng thu thập được khoảng hơn 50 khuôn trống đồng bằng đất nung, gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong, thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân. Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn như: vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, văn bông lúa…

Điều này chứng minh cho tính bản địa của trống Đông Sơn cũng như góp phần giúp chúng ta hình dung rõ hơn về quy trình đúc trống đồng của ông cha ta thời xưa.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện và khảo sát hơn 30 mộ gạch có kết cấu, hình dáng và kĩ thuật cấu tạo mang đậm tính văn hóa bản địa phân bổ khá rộng, trải dọc theo phía Đông sông Dâu thuộc di tích Luy Lâu.

C.V.
.
.
.