Cần mở rộng 'đất sống' cho biếm họa

Chủ Nhật, 01/03/2015, 23:02
Bằng hình vẽ đả kích sâu cay, biếm họa được xem là công cụ sắc bén, mang tính chiến đấu cao trong đấu tranh chống tiêu cực.

Tại hội thảo “Nâng cao tính chiến đấu của biếm họa trong công tác phòng chống tham nhũng” do Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức ngày 28/2 tại TP HCM, đông đảo các họa sĩ và nhà báo đều bày tỏ băn khoăn về thực trạng khó khăn của biếm họa hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các tác phẩm biếm họa chống tham nhũng, đặc biệt khi các tác phẩm này được đăng tải lên báo chí, tăng cơ hội tiếp cận với đông đảo công chúng. “Đây là một thể loại tác phẩm nghệ thuật có tính hấp dẫn, lan tỏa cao, dễ thu hút sự chú ý của độc giả trong việc chuyển tải một cách uyển chuyển các nội dung vốn rất khô cứng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền…” – ông Hùng đánh giá.

Đồng quan điểm trên, ông Mai Ngọc Phước, Quyền Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngoài việc dành riêng đất in tranh biếm vào các số nhất định trong tuần, chúng tôi còn sử dụng tranh biếm cho các bài điều tra để tăng tính thuyết phục, sức đấu tranh. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi dần cải tiến tờ báo, ưu tiên nhiều hơn cho tranh biếm họa”.

Là họa sĩ nữ duy nhất đoạt giải trong cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí” do MEC và Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2014, Nguyễn Thị Diệp Thanh (bút danh Sói) cho rằng trong một số trường hợp, sức nặng, tầm ảnh hưởng của tranh biếm họa còn lớn hơn cả các con chữ. Chị không ngại chỉ ra khó khăn của những người bước vào cuộc chiến chống tham nhũng bằng cây cọ. Do biếm họa thường chỉ trích cái xấu nên họa sĩ biếm thường bị sự thù ghét, gây khó dễ từ những đối tượng bị chỉ trích. Biếm họa chống tham nhũng càng chông gai, khó khăn hơn vì nhạy cảm, dễ động chạm và rủi ro với họa sĩ, tòa báo là rất lớn. Do đó, rất cần sự tỉnh táo, quyết đoán của Ban biên tập lẫn họa sĩ.

Họa sĩ Trần Thanh Trung (bút danh Cua Con) thẳng thắn: "TP Hồ Chí Minh có hơn 100 tờ báo, tạp chí nhưng chỉ có vài tờ báo là có mục dành cho tranh biếm. Nhiều báo lớn trước đây có mục cho tranh biếm họa thì giờ cũng không còn. Đã vậy, nhuận bút dành cho mỗi tác phẩm biếm họa rất thấp, chỉ khoảng từ 50 ngàn đến 400 ngàn tùy báo, không tương xứng với giá trị của tác phẩm”.

Gắn bó hơn 20 năm với tranh biếm họa và là một trong số họa sĩ biếm hiếm hoi sống được với nghề, họa sĩ Nguyễn Văn Dũng (bút danh Cận) đề xuất: “Muốn nâng cao chất lượng cũng như tính chiến đấu của tranh biếm họa trong công tác phòng chống tham nhũng thì cần phải mở rộng đất sống. Chúng tôi hy vọng các tờ báo đều có mục cho tranh biếm họa. Riêng các cuộc thi  đừng để 2, 3 năm mới tổ chức một lần, mà phải thực hiện thường xuyên hơn, tạo sân chơi cho họa sĩ”.

Quỳnh Nga
.
.
.