"Bữa tiệc" lục bát trong “Ở thế gian” của Đỗ Trọng Khơi

Thứ Tư, 04/05/2016, 19:00
Một cuộc đời gắn chặt với chiếc giường vì căn bệnh bại liệt từ nhỏ, nhưng tài thơ trong Đỗ Trọng Khơi vẫn căng đầy, để ông có tới hơn chục đầu sách, cùng gần 20 giải thưởng về văn học nghệ thuật...


Tuổi không còn trẻ, sức khỏe lại vốn yếu, nhưng tình yêu với thơ chưa bao giờ nguôi cạn trong trái tim người thi sĩ tàn tật, để ông không ngừng sáng tạo và vừa tiếp tục cho ra đời tập thơ “Ở thế gian” (NXB Phụ nữ).

Với hoàn cảnh đặc biệt của Đỗ Trọng Khơi, hiếm khi đi ra khỏi căn nhà ở vùng quê lúa Thái Bình, thơ là nhịp cầu nối ông với cuộc sống ồn ào phía ngoài khoảng sân trước nhà, là nơi cho ông thể hiện những cảm xúc cá nhân, những tâm sự, day dứt, trăn trở. Điều đặc biệt là nội lực biểu đạt qua thơ của ông thật mạnh mẽ, thật độc đáo.

“Ở thế gian” của “nhà thơ nằm” Đỗ Trọng Khơi

Với hơn chục tập thơ , gần hai chục giải thưởng, Đỗ Trọng Khơi là một nghị lực đáng để học tập trong tình yêu dành cho thi ca, bởi hành trình gắn bó với thơ vốn dĩ với những người khỏe mạnh đã vô cùng gian nan, vất vả. Mặc dù ở một hoàn cảnh khá ngặt nghèo mà nếu là người khác, dễ rơi vào bi phẫn, nhưng Đỗ Trọng Khơi thì không.

Không khó nhận ra sự ung dung, tự tại, trầm tĩnh và tự tin của kẻ sĩ: “Ngợ hư vinh cãi phù du/Trong binh bong tiếng chuông chùa hư không/Ta về ở ẩn trong ta/Tấm thân cát bụi như là thế thôi/Ai kia bóng rụng hình rơi/sống vào cõi chết nhẹ rời bước đi/Một mai cát bụi về trời/Nước non ai gặp bóng tôi cất giùm.”

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Và vẫn luôn chìm đắm trong mỗi câu thơ  tình yêu da diết với cuộc đời và đó là điều rất đáng quý ở Đỗ Trọng Khơi. Vẫn gặp ở thơ ông những cảm xúc trinh nguyên, mạnh mẽ và hết sức tinh khiết: “Lòng tôi đã lắm phong rêu/Sao thu còn cũng nói điều non xanh/Sao chiều chẳng đổ ánh nhanh/Sao người mắt cứ long lanh thế người”.

Nằm một chỗ, nhưng Đỗ Trọng Khơi chưa bao giờ chỉ nghĩ cho riêng mình, cho dù chỉ điều đó đã là quá đủ vất vả, nhọc nhằn. Rất nhiều bài thơ của ông mang mối bận tâm về cuộc đời, về con người, với những buồn vui, đau khổ trong khát vọng tìm kiếm bản ngã để khẳng định mình.

Đặc biệt, tâm sự, tư tưởng ấy được Đỗ Trọng Khơi thể hiện qua thứ ngôn ngữ được gọt giũa, chắt lọc tinh tế, từ lao động chữ nghĩa rất nghiêm cẩn, để vừa rất truyền thống mà cũng vẫn rất hiện đại.

Thơ lục bát dễ làm, nhưng không phải ai cũng thành công. Với những tìm tòi sáng tạo độc đáo, Đỗ Trọng Khơi đã có một con đường riêng trong hành trình chinh phục thơ lục bát, để thơ lục bát của ông đã trở thành đề tài của một luận văn thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Nhà thơ nằm” Đỗ Trọng Khơi (ngồi trên xe lăn) và bạn bè, người thân..

Với “Ở thế gian”, Đỗ Trọng Khơi mang đến cho người đọc một “bữa tiệc” lục bát sau những ngược xuôi một đời với những con chữ. Nhà thơ Mai Văn Phấn ngỡ ngàng thán phục:

“Nhìn Đỗ Trọng Khơi trên sợi dây lục bát mỏng manh kia, chắc ai cũng có lúc thót tim, rồi đến nay phải vỗ tay tán thưởng chặng đường diệu nghệ của ông; những bước đi “nhuộm mờ mặt đất tiếng con chim chiều”; trong ánh sáng mơ hồ mà trinh bạch của “nắng đựng trong chiếc áo lờ mờ sương”, hay theo  gót chân mẹ phủ ngập lối ngõ với “gậy tre mẹ chóng bềnh bồng ngõ quê”.

Thơ ông có lúc bảng lảng, mơ hồ mà tinh tế như một bức tranh lụa, mét bút thanh thoát, tài hoa. Thường khi ông giữ cho mình một tâm thế hướng nội lặng lẽ, tuy cô đơn nhưng luôn tự tin đến được đích. Thơ Đỗ Trọng Khơi nhói sáng nét đẹp của nỗi đau thân phận với cách thể hiện ung dung, tự tại, nhiều câu thơ ma mị đến u huyền ngỡ như mang nhịp sinh học, hơi thở của ông”.

“Ở thế gian” của Đỗ Trọng Khơi cũng làm nên những rung cảm với nhà thơ Đàm Khánh Phương: “Sự đan quyện giữa những suy tưởng, chứng nghiệm về cuộc đời và thân phận, về vẻ đẹp và tâm hồn, với những biểu tượng quen thuộc của thiên nhiên nguyên khởi… khiến cho những câu thơ lục bát của Đỗ Trọng Khơi mang dáng vẻ duy mỹ, vừa có độ rộng lớn, kỳ vĩ của không gian hồi tưởng, vừa có sự kín đáo, uyển chuyển, tinh tế của tâm thức riêng tư”.

Không khó để nhận ra lao động của Đỗ Trọng Khơi qua những câu thơ “ý tại ngôn ngoại”, qua những từ ngữ được chọn lọc kỹ càng, giàu âm thanh, hình ảnh và ý nghĩa.

Nhà phê bình Văn Giá: “Nhà thơ sinh ra là để xác quyết sự sống, tôn vinh sự sống. Ngay cả việc làm thơ cũng đồng nghĩa với việc làm nên sự sống, trao truyền sự sống bằng thơ và qua thơ. Qua thơ Đỗ Trọng Khơi, thấy những quầng sống tuy nhỏ nhoi nhưng vô cùng đẹp đẽ thuộc về khung cản lân con người. Đắm vào sự sống là có thơ hay. Tôi dám đoan quyết rằng đây là những câu thơ hay nhất của Đỗ Trọng Khơi và cũng đủ thẩm quyền gia nhập và những câu lục bát hay nhất của thơ ca Việt Nam đương đại”.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi từng giải Nhì cuộc thi thơ trên Báo Văn nghệ, Giải B của Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, giải Nhì và giải Ba của Báo Tài hoa trẻ và đặc biệt, là giải thơ quốc tế dành cho người tàn tật của Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản)...

Thanh Hằng
.
.
.