Báo chí văn nghệ trước thách thức của cơn bão thông tin

Thứ Năm, 23/07/2015, 09:00
Ngày 22/7, tại TP Vũng Tàu, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ban Tuyên giáo TW, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TW tổ chức Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW Hồng Vinh, chủ trì hội nghị.

Đến dự còn có các đại biểu cơ quan báo chí văn nghệ, các cơ quan báo chí có chuyên đề, chuyên trang văn học nghệ thuật; các sở ban ngành của TW và địa phương...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế và sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ với hoạt động báo chí. Số cơ quan báo chí văn nghệ xuất bản được báo hoặc trang tin điện tử đã tăng lên đáng kể. Trên các kênh chương trình phát thanh, truyền hình được phát sóng quảng bá đều có các chương trình, chuyên mục về lĩnh vực văn hóa, sân khấu, điện ảnh, ca nhạc… thu hút sự quan tâm của khán thính giả”.
Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân trình bày tham luận tại hội nghị.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết cả nước hiện có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam; các Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, thành phố... Khác với các lĩnh vực khác, báo chí văn học nghệ thuật ít có biểu hiện giật gân, câu khách.

Các tham luận của đại diện cơ quan báo chí như Báo Văn Nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh...  đã khái quát tình hình hoạt động cũng những khó khăn, vướng mắc của mỗi báo.

Các đại biểu tại hội nghị.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân cho biết: “Chuyên đề Văn nghệ Công an là diễn đàn văn học nghệ thuật của lực lượng Công an, do đó ngoài lực lượng cộng tác viên là văn nghệ sĩ, báo còn dành nhiều dung lượng cho các sáng tác mới của lực lượng Công an. Nội dung các bài viết luôn thể hiện định hướng lành mạnh, có tính xây dựng, nhân văn. Nhiều bài viết đấu tranh thẳng thắn với các luận điệu sai trai, lệch lạc trong giới văn nghệ”.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW Hồng Vinh đánh giá cao những cơ quan báo chí văn nghệ đã có những bài viết kịp thời đấu tranh những luận điệu sai trái, lệch lạc trong giới văn nghệ. Bên cạnh đó, đồng chí chỉ ra những hạn chế chung của các báo là mảng sáng tác và mảng phê bình lý luận vẫn khiêm tốn về lượng và chất. Nhiều báo văn nghệ địa phương chỉ chú tâm đăng tải sáng tác của các tác giả tên tuổi mà bỏ quên việc khai thác tài năng văn nghệ của chính địa  phương.

Một số báo vẫn hoạt động cầm chừng do kinh phí eo hẹp, lượng bạn đọc khu biệt. Các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí văn nghệ như: không ngừng cải tiến, đổi mới cả nội dung lẫn hình thức để thu hút bạn đọc trước cơn bão thông tin.

Công tác bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cần được chú trọng cũng như tăng cường các cuộc hội thảo, giao lưu giữa báo chí văn nghệ TW và địa phương nhằm học hỏi kinh nghiệm, nghiệp vụ...

Quỳnh Nga
.
.
.