Hành khúc Phố Lính

Chủ Nhật, 18/08/2024, 16:35

Đường phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) dài hơn một cây số nhưng chỉ rộng 6m nên chật chội giữa hai hàng cây cổ thụ cao vút. Thi thoảng lại có tiếng còi tàu hỏa hí hởn hắng giọng đi qua. Hai bên đường nhiều cơ quan quân đội có lính gác nghiêm chỉnh.

Một thi nhân lần đầu vào phố thốt lên: "Ngỡ ngàng phố, bóng người lính gác/ Ánh mắt cười bồng súng nghiêm chào/ Đường một chiều tàu xe xôn xao/ Những hò hẹn mai này gặp gỡ" (Nhật Lê). 

Những con mắt phố

Trước thập niên 80 thế kỷ trước, phố Lý Nam Đế vắng hoe. Người dân tập trung ở trong các ngõ phố còn mặt đường chủ yếu là đơn vị quân đội. Bà tổ phó dân phố Chu Ngân Thanh ở ngõ 89 cho biết, hồi trước dân còn thưa thớt, cứ tối đến chẳng mấy ai ra đường. Không đêm nào vắng tiếng kèn đám ma bên tang lễ Phùng Hưng vọng sang buồn não ruột.

Hành khúc Phố Lính -0
Phố Lý Nam Đế - Phan Đình Phùng - nơi có trụ sở Báo Quân đội nhân dân.

Bà Thanh kể, từ xưa phố đã mang tên phố nhà binh vì có đơn vị pháo binh của Pháp đã đóng ở đây. Sau khi đường làm xong (1900) được đặt tên là Phố Đông (Rue L'est) chủ yếu dành cho sĩ quan binh lính Pháp đi cửa phía đông vào thành Hà Nội. Đây là con đường nằm sát phía trong bờ tường thành Hà Nội cũ. Sau khi giặc Pháp phá tường thành để xây đường dẫn tàu hỏa đi lên ga cầu Long Biên, đất phố Đông được mở rộng làm nhà cho gia binh ở. Sau này, dân bốn phương cũng tới mua để cất nhà ở xen lẫn bên đường tàu hỏa. Tới năm 1919, tên phố đổi thành Rue Maréchal Joffre (Thống chế Joffre). Mãi đến năm 1951, thị trưởng Thẩm Hoàng Tín mới đặt lại tên phố là Lý Nam Đế.

Bao ký ức con phố dội về tâm tưởng bà Chu Ngân Thanh. Ở tuổi 70, bà Thanh nhớ như in câu chuyện về những người ở số nhà 34 ngày ấy. Đó là nơi gia đình cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) ở. Bà còn cho hay bên dãy nhà số chẵn chỉ có tới số 40, phần lớn là dãy tường bao khu doanh trại. Mãi sau 1985, mới có nhiều cửa hàng bán thiết bị công nghệ thông tin, máy tính mở ra ồ ạt. Riêng bên số lẻ cũng chỉ tới số nhà 97H là hết, còn chủ yếu là các cơ quan quân đội chiếm diện tích khá rộng. Nhà bà Ngân Thanh ở kế bên Thư viện Quân đội, còn lại là trụ sở của báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Truyền hình, Nhà xuất bản, Tạp chí Quân đội, Tập san Quốc phòng, Tòa án Quân sự… Nên ngay từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Lý Nam Đế được mọi người đặt cái tên "Phố Lính" là vậy.

Sau này, tôi còn được một số văn nhân cho biết thêm, ngoài số nhà 34 quen thuộc thì nhà số 10 là nơi ở của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông là tác giả của bài thơ "Nhớ Bắc" nổi tiếng với câu thơ: "Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long". Bên cạnh đó, khu tập thể trong các ngõ số 4, 8, 12 và 23… là nơi nhiều nhà văn, nhà thơ Quân đội sinh sống. Cổng vào cơ quan Bộ Quốc phòng (phía đông) nhìn thẳng ra phố Cửa Đông rộng rãi thênh thang. Nhịp phố rung động mỗi sớm mai: "Ai rao thơm bánh khúc mỗi ngày/ Phố bừng tỉnh ồn ào nắng sớm/ Còi tàu trôi nhịp đời bận rộn/ Tà áo em vờn đường hoa bay". (Phố Lý Nam Đế - Nhật Lê).

Ngôi nhà số 4

Giới văn nghệ sĩ luôn coi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội là ngôi nhà thứ hai của mình. Ấn tượng về ngôi nhà bấy lâu nay ai cũng nhớ tới những câu thơ: "Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất/ Có ai nhìn ngỡ tóc bạc trên đầu/ Cái thùng thư mấy lần thay ổ khóa/ Bác thường trực già năm cũ giờ đâu?". (Nguyễn Đức Mậu). Hai cây đại cổ này được coi là nét trang điểm cho ngôi biệt thự số 4 với nét pha trộn đông tây độc đáo. Đã có lần tôi rụt rè vấp chân thềm nhà khi tới gặp anh Phạm Ngọc Cảnh để gửi bài (1972). Anh là một trong những biên tập viên lâu năm tại Tạp chí. Hồi đó tôi mới biết đến những cái tên như Dũng Hà, Thanh Tịnh, Hồ Phương, Vũ Cao… Dần dần tôi được làm quen với những nhà thơ nổi tiếng như Anh Ngọc, Thu Bồn cùng với các nhà văn lừng danh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều…

Ngôi nhà số 4 trở thành "Ngôi đền văn chương" như nhiều người ví von, quả là nơi đào tạo nhiều nhà văn tài hoa sau này. Rồi cũng từ đây tôi có nhiều dan díu với cánh văn chương Quân đội khi bắt đầu tìm tới nhà văn Phùng Quán, Nguyễn Xuân Khánh để viết bài. Tiếp đó tới nhà thơ Thu Bồn, Tạ Hữu Yên, sau là Vương Trọng cùng Khuất Quang Thụy.

Còn nữa, như Chu Lai còn là bạn học cùng trường phổ thông với tôi, anh càng ngày càng vạm vỡ, ngang tàng, gây ấn tượng rất thích thú. Câu chuyện về nhuận bút của Chu Lai và Khuất Quang Thụy gây cho tôi sự khoái chí bất ngờ. Hai anh, một người được trả nhuận bút bằng một xe củi về cho vợ (Khuất Quang Thụy), còn Chu Lai được trả nhuận bút là bộ bàn ghế gỗ tạp trắng nhởn, chân bàn khẳng khiu nom như bộ xương người (chữ của Chu Lai). Đó là kết quả sau những ngày tháng cặm cụi cày ải trên những trang viết để hoàn thành một cuốn sách cho đối tác (trong thời chiến).

Hành khúc Phố Lính -1
Nhà số 4 - trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Lớp sau này tôi cũng đầy thán phục tài năng của các tác giả như Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú hay trong đó còn có nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Hữu Quý. Viết chân dung của các nhà văn Quân đội tôi học tập được nhiều điều trong nghề nghiệp. Mỗi người tôi lại mê mẩn với phong cách văn chương khác nhau. Tôi vẫn còn thuộc những câu thơ gan ruột của Vương Trọng như: "Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang". (Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc). Hoặc đó là hồn thơ đầy day dứt của Nguyễn Hữu Quý: "Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta". (Khát vọng Trường Sơn).

Ngôi đền văn chương số 4 còn ghi dấu nơi nhạc sĩ Hoàng Việt (1928-1967) khởi thảo những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc tráng lệ "Tình ca". Đây là tác phẩm ông viết tặng người vợ thân yêu ở miền Nam khi ra tập kết ngoài Bắc hồi 1954. Cùng chuyến ra Bắc với Hoàng Việt còn có những nhà văn, nhà thơ Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Lưu Trùng Dương…

Sau khi tốt nghiệp nước ngoài trở về (1964) nhạc sĩ xin trở lại mặt trận miền Đông Nam bộ (1966) và đã hy sinh tại quê hương Cái Bè (Tiền Giang) năm 1967. Những lời ca của ông chính là những lời thơ bất tử sống mãi với thời gian: "Giữ lấy đức tin bền vững em ơi/ Giữ lấy trái tim đời sống yêu đời/ Là bản tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người…". Cho tới nay, tôi càng không thể quên những câu thơ của Thanh Tịnh viết tại ngôi nhà số 4 sau bao năm làm việc. Ông thao thức một thuở nỗi mong quê từ căn nhà số 4: "Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân/ Thống nhất sớm về Văn Lâu/ Thống nhất lâu về Văn Điển". 

Con đường xưa em đi

Có lần tôi được gặp nhà văn Nguyễn Võ Lệ Hà (nguyên trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Phụ nữ Việt Nam) ở ngõ số 91 Lý Nam Đế. Bà cho biết đây là nơi gia đình con cháu nhà văn Vũ Tú Nam (1929-2020) đang sinh sống. Nhà văn Vũ Tú Nam cũng đã từng là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội (1957), sau này là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV (1989-1995). Đặc biệt, đây là cái nôi mà siêu mẫu Hà Anh (con gái của nhà văn Lệ Hà) đã trưởng thành và lớn lên cho tới khi sang Anh học tập và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Vũ Nguyễn Hà Anh là cháu nội của nhà văn Vũ Tú Nam và bà nội là nhà văn Thanh Hương (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam). 

Nay siêu mẫu Hà Anh thường về thăm mẹ tại nơi mình đã lớn khôn trong cái ngõ thân thương trên phố Lý Nam Đế. Giờ đây không còn nữa hình ảnh đàn dơi bám cành treo giấc ngủ trên những cây sấu ngày xưa. Tiếng tắc kè khoét rỗng nỗi nhớ khan trong tiếng còi tàu ngái ngủ đã trở thành dĩ vãng. Con đường xưa em vội vã đạp xe ngược chiều về nhà giờ đã tấp nập những đoàn xe. Sự ngỡ ngàng và khác lạ trên con phố rộn ràng mua bán. Một bản nhạc vang lên từ góc phố văng vẳng thân quen: "Ta còn em chuỗi cười vừa dứt/ Chút nắng vàng le lói vườn hoang…". (Phan Vũ).

Vương Tâm
.
.
.