Khủng hoảng kép và bài toán khó cho ứng viên Tổng thống Mỹ 2020

Thứ Năm, 04/06/2020, 09:18
Bất chấp lệnh giới nghiêm, hàng chục ngàn người trên khắp nước Mỹ đã xuống đường ở những thành phố lớn trong đêm 2-6, đêm thứ 8 liên tiếp của các cuộc biểu tình phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị cảnh sát khống chế hôm 25-5.


Trong bối cảnh biểu tình ở một số nơi biến tướng thành bạo lực, cướp bóc, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-6 tuyên bố ông sẽ triển khai quân đội để chấm dứt tình hình bất ổn hiện nay, đồng thời, khuyến khích thống đốc các bang huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia để “dẹp loạn”.

Người biểu tình tại Minneapolis đòi công bằng cho George Floyd. Ảnh Getty Images.

Thậm chí, ông còn nhấn mạnh rằng, nếu một thành phố hoặc tiểu bang từ chối thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của cư dân, ông sẽ triển khai quân đội Mỹ và “nhanh chóng giúp họ giải quyết vấn đề”.

Trước đó, ông Trump đe dọa sẽ kích hoạt Đạo luật chống bạo loạn (có từ năm 1807), cho phép Tổng thống huy động quân đội trên lãnh thổ Mỹ trong những tình huống đặc biệt như để đối phó với những đối tượng được cho là “côn đồ”, các phong trào chống chính quyền hay để đảm bảo luật pháp liên bang được thực thi, khi các cơ quan nhà nước không sẵn sàng hoặc không thể làm như vậy. Phát biểu này của ông Trump dường như thêm dầu vào lửa sự tức giận của người biểu tình và làn sóng chỉ trích mới lại đổ dồn nơi ông.

Dù ông Trump cho rằng việc triển khai quân đội sẽ giúp khống chế Antifa, tổ chức gồm nhiều nhóm nhỏ mang khuynh hướng chính trị thiên tả hoặc cực tả mà ông cáo buộc đã tổ chức biểu tình bạo loạn những ngày qua trên khắp nước Mỹ, nhưng nhiều người cũng lo ngại hành động này sẽ gây khó cho những cuộc biểu tình ôn hòa đòi công lý cho cái chết của Floyd.

Hai cuộc khủng hoảng diễn ra cùng thời điểm, đại dịch COVID-19 và biểu tình lan rộng ở nhiều nơi, đang đặt ra những thách thức cho cả ông Trump và đối thủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ngày 2-6, cử tri Mỹ đã tham gia bầu cử sơ bộ trong bối cảnh lệnh giới nghiêm được áp đặt tại nhiều địa phương và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh Đặc khu Columbia, 9 bang khác tổ chức bầu cử bao gồm: Idaho, Indiana, Iowa, Maryland, Montana, New Mexico, Pennsylvania, Rhode Island và Nam Dakota. Dù các đối thủ của ông Biden đều đã từ bỏ cuộc đua, nhưng ông vẫn cần 89% tổng số đại biểu trong lần bầu cử này để chính thức giành được suất đề cử cuối cùng bên phía đảng Dân chủ.

Nếu không đạt được số đại biểu đó, ông Biden vẫn có cơ hội để hoàn thành mục tiêu ở các cuộc bầu cử khác trong tháng này. Ngày 3-6, kết quả sơ bộ tại một số bang cho thấy ông Biden giành những chiến thắng liên tiếp, như tại: Montana và Indiana, trước Thượng nghị sỹ độc lập Bernie Sanders, giúp ứng cử viên này tiếp tục tiến gần tới việc giành được đề cử tổng thống của đảng này.

Kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt trong Thế chiến II, gần như chưa có Tổng thống Mỹ nào đối mặt với một nhiệm kỳ có nhiều người Mỹ tử vong vì một nguyên nhân như ông Trump. Có ý kiến cho rằng việc huy động quân đội vào lúc này có thể là một bước đi rủi ro trước thềm cuộc bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, trái với nhận định của một số nhà quan sát, dù các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy Tổng thống Mỹ đang bị ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước, COVID-19 và vụ George Floyd có lẽ không khiến ông Trump mất đi ưu thế so với các ứng viên tranh cử khác.

Đặc biệt, sự ủng hộ của những cử tri đảng Cộng hòa dành cho ông gần như không thay đổi, bất chấp những quyết định của ông trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng. Nhà lãnh đạo Mỹ vẫn duy trì được 80% sự ủng hộ của các cử tri đảng Cộng hòa trong suốt đại dịch COVID-19. Điều đó giúp tỷ lệ tất cả thành phần cử tri ủng hộ ông Trump luôn ở mức ổn định, từ 40 - 50%, dù không phải là quá an toàn nhưng cũng không quá tệ.

Các cuộc khảo sát cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn được đánh giá cao hơn ông Joe Biden về năng lực dẫn dắt nền kinh tế Mỹ, thậm chí cả trong bối cảnh 40 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế Mỹ trì trệ do đại dịch.

Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos tuần trước cũng cho thấy ông Trump nhận được 42% sự ủng hộ của cử tri trong khi ông Biden nhận được 34% về lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua khủng hoảng.

Đối với ông Joe Biden, đây là thời điểm để ông đưa ra những lời cam kết chính sách và tận dụng cơ hội để làm rõ hơn quan điểm của mình để chiếm lấy lá phiếu của các cử tri còn đang do dự. Theo khảo sát của Washington Post và ABC News, mặc dù cựu Phó Tổng thống dẫn trước đương kim Tổng thống đến 10 điểm nhưng ông Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ của những cử tri trung thành.

Trong số những người tham gia nghiêng về bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, 87% cho biết rằng họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Trong khi chỉ 68% cử tri nghiêng về phía ông Biden được hỏi cho biết chắc chắn sẽ bầu cho ông. Thêm một bất lợi khác đối với ông Biden, nội bộ đảng Dân chủ vẫn tồn tại nhiều bất hòa trong khi ông Biden chưa thể hiện được ông là người có khả năng giải quyết những vấn đề đó.

Sau những năm 1960, đảng Dân chủ nhìn chung đã thành công trong việc giành được sự ủng hộ của những cử tri người Mỹ gốc Phi với 85 - 90% sự ủng hộ của họ trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Thách thức hiện nay cho ông Biden là làm sao để duy trì sự ủng hộ của người Mỹ gốc Phi với đảng Dân chủ, trong khi dung hòa được bài toán trách nhiệm trước những bước lùi về kinh tế - xã hội trong chính sách của đảng Dân chủ tại những thành phố như Minneapolis, nơi xảy ra vụ George Floyd.

Gia Khoa (Tổng hợp)
.
.
.