Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Câu chuyện của những hùng binh

Thứ Ba, 29/03/2022, 20:20

Trong cơn sóng gió chập chùng từ hơn 300 năm trước, những hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã giong thuyền, cưỡi sóng vượt biển khơi muôn trùng xây khát vọng lớn. Có những người trở về trong vinh quang, nhưng cũng có những người hoang hoải trong mộ gió nơi đất đảo.

Chuyện kể về những hùng binh

Ngược sóng, ngược gió ra đảo Lý Sơn vào đúng ngày 18-3-2022 (nhằm ngày 16-2 âm lịch Nhâm Dần), thoảng trong tiếng gió và sóng ào ạt thổi vào xứ đảo này là tiếng ốc u như gọi người hướng về Đình làng An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Nơi đó, Ban Khánh tiết Đình làng An Hải cùng các tộc họ đảo Lý Sơn đang tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

3.jpg -0
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra tại Đình làng An Hải hôm 18-3 (16-2 âm lịch)

Hơn 300 năm qua, mà nhiều người xứ đảo này vẫn chắc chắn rằng có lẽ cũng gần 400 năm, Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (gọi tắt Đội Hoàng Sa) năm xưa đã vượt sóng ra Biển Đông cắm mốc, xác lập chủ quyền biển đảo đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam thực lục; Quốc triều chính biên toát yếu; Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú;… là những trang lịch sử cổ nước nhà đều có ghi chép về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải này.

Ông Bùi Minh Cảnh, Trưởng Ban Khánh tiết Đình làng An Hải của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo những ghi chép trong các thư tịch cổ Việt Nam và các dòng họ sinh sống lâu đời trên đảo Lý Sơn, hằng năm, vua chúa nhà Nguyễn đều tuyển chọn 70 dân đinh khỏe mạnh, cường tráng, giỏi tài thao lược đi biển để thành lập một đội quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để cưỡi sóng ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ cao cả là bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt.

8.jpg -0
Năm 2013, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hành trang họ mang theo trên 5 chiếc ghe câu ra biển là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu để vâng lệnh vua giong thuyền, cưỡi sóng biển muôn trùng ra cắm mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng chừng ấy năm, biết bao người con Lý Sơn đã ra đi không hẹn ngày về. Họ vĩnh viễn nằm lại với biển trời Hoàng Sa thân yêu. Bù lại đó, triều đình sẽ ưu ái cho những gia đình binh phu đi lính Hoàng Sa được miễn thuế hàng năm, được trợ cấp lương thực như gạo, muối, nước uống..., kèm theo đó còn được làng cấp cho quỹ đất trồng hành tỏi.

Một tục lệ đặc biệt thời đó, đó là trước khi xuất binh, mỗi người lính Hoàng Sa đều được “nặn” bằng hình nộm, hình nhân thế mạng tượng trưng. Sau đó, làng sẽ cử một vị có chức sắc, có uy tín, có uy quyền trong làng để làm lễ tế thần. Người dân gọi người này là thầy “phù thủy” (hay thầy pháp). Thầy sẽ làm chủ lễ cúng bái, truyền đạt thông tin, gửi gắm những thông diệp của người dân đến thần linh, đến mẹ biển cả thông qua cái “tù và” (bằng ốc biển) để “thổi linh hồn vào các hình nhân, dẫn dắt, tiễn đưa các hình nhân đi ra ngoài biển khơi để chịu những cơn thịnh nộ, giận dữ của biển. Tiếp đó, những người thân và dòng họ sẽ mời thầy pháp đến làm hình nhân cho từng người lính Hoàng Sa, lấy hình nhân đem chôn xuống đất rồi đắp những ụ đất cát cao xung quanh đảo. Theo người dân xứ đảo quan niệm, có như vậy thì linh hồn những người lính Hoàng Sa tử nạn sẽ trở về với người thân.

5.jpg -0
Trong nhiều gia đình vẫn thờ tự binh phu ra Hoàng Sa năm xưa

Ông Nguyễn Nai, 58 tuổi, làng An Vĩnh, cho biết, hành trang của người lính Hải đội Hoàng Sa năm xưa tuy giản đơn nhưng lại nặng tình với quê hương và thể hiện ý thức trách nhiệm với Tổ quốc. Họ biết, khi được tuyển chọn làm lính đi Hoàng Sa thì một đi không hẹn ngày về. Bởi vậy, hành trang của họ nhằm đề phòng khi trên đường giong thuyền ra Hoàng Sa nếu lỡ có người nào không may mất sẽ dùng để bó xác thả xuống biển và nhờ sóng biển đưa trôi dạt về lại đất mẹ Lý Sơn chôn cất và thờ cúng họ. Ông Nguyễn Nai cho biết thêm, lúc ông còn bé, được nghe ông bà kể lại, mỗi năm người dân Lý Sơn đi lính nhiều nhưng số người trở về không bao nhiêu, có khi không có. Bù lại, trước khi đi, gia đình có lương thực và khao bữa ăn no nê như bánh ú, bánh ít gói bằng lá bàng vuông, cơm đùm cơm nắm gói lá chuối, bẹ cau khô và những sản vật chỉ có ở đất liền. Thời hạn đi lính Hoàng Sa thông thường chỉ cầm cự được 6 tháng vì lương thực triều đình cấp cho chỉ đủ ăn cho 6 tháng.

Những nhánh dâu xanh còn in hình mộ gió

Hơn 300 năm đã qua đi, người dân huyện đảo Lý Sơn - vùng đất phên giậu của Tổ quốc Việt Nam anh hùng vẫn không thể nào quên được những ngày tháng oai hùng của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã giong thuyền, cưỡi sóng vượt biển khơi muôn trùng xây khát vọng lớn, gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại với sóng nước Hoàng Sa thiêng liêng và để lại nỗi thương nhớ, day dứt khôn nguôi cho người ở lại với những nấm mồ, ngôi mộ gió không tên, không người.

11.jpg -0
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tôn vinh những Hùng binh Hoàng Sa năm xưa

Những hùng binh can trường của biết bao thế hệ xứ đảo này vẫn quyết tâm ra đi từ ngày xưa dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập nơi biển khơi. Có lẽ với họ, vị mặn mòi của biển là một phần của máu thịt không thể cách xa, và những con sóng vỗ ầm ào nơi mạn thuyền là một phần của bao hy vọng lấp lánh. Rồi thế nên dù nhiều thế hệ đã vĩnh viễn nằm lại với đại dương nhưng người dân vẫn một lòng hướng ra biển thẳm. Những ngôi mộ gió với biết bao nhiêu hình nhân thế mạng được nặn bằng đất sét, bông gòn và cây dâu để thay thế hình hài người đã nằm lại dưới lòng đại dương. Trong hàng trăm, hàng nghìn ngôi mộ không hài cốt ấy, có nhiều lắm những ngôi mộ không có cả một tấm bia khắc ghi tên tuổi nhưng đời đời người dân xứ đảo vẫn nhớ về họ bằng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa như hôm nay.

Chuyện kể về quá trình lập nên những mộ gió âm binh này cũng khá kì bí. Theo quan niệm của người dân xứ đảo, những người lính Hoàng Sa chết ngoài biển mà không tìm thấy xác thì “hồn bay phách lạc” nên linh hồn cứ mãi lẩn quẫn ngoài biển, không được trở về đoàn tụ với gia đình, tổ tiên. Thấy vậy, người dân thiết nghĩ cần phải lập đàn cúng bái rước hồn về. Ban đầu, người dân trên đảo thống kê danh sách những người đi lính Hoàng Sa không về và lập nên những hình nhân (hình nộm) cúng bái, kèm theo đó là làm những nấm mộ gió để đưa linh hồn người chết về yên nghỉ. Rồi kể từ đó, 13 dòng tộc trên đảo có người đi lính Hoàng Sa tiến hành lập danh sách và mời thầy “phù thủy” về cúng bái chiêu hồn và lập nên những ngôi mộ gió cho người thân như để làm tròn phận sự của người còn sống với người đã mất.

6.jpg -0
Mô hình ghe câu (điếu thuyền) của những Hùng binh Hoàng Sa năm xưa trưng bày trong bảo tàng Hải đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn

Để làm hoàn thành một ngôi mộ chiêu hồn lính Hoàng Sa an ủi sinh linh những người lính đã khuất phải trải qua nhiều công đoạn. Những hình nhân thế mạng được thầy “phù thủy” làm bằng đất sét đặc biệt tại vùng Giếng Tiền trên đảo. Đó là loại đất sét đặc dẻo quánh và nóng, khô cằn đến nỗi không có bất cứ loài thực vật nào mọc nổi được. Đất đem về trộn với bông gòn rồi giã cho đến khi đặc quánh mới thôi. Mỗi hình nhân được làm theo tỷ lệ ứng với các con số như 1, 5, 7, giống như số lượng hành trang mà người lính mang theo khi “xuất binh”. Ví dụ như thân hình nhân được làm thành từ 7 nẹp từ thân cây dâu. Cũng theo quan niệm rằng, con tằm nhờ ăn lá dâu nhả tơ mà hồi sinh, đổi kiếp. Vì vậy, xương cốt hình nhân được làm bằng thân dâu cũng mang khát vọng về sự chuyển kiếp của con người, những người lính Hoàng Sa. Thành ra, khi nói những ngôi mộ gió Lý Sơn thì người ta lại nghĩ đến những nấm mộ không hài cốt.

Ông Nguyễn Khoa, một người dân Lý Sơn luôn tự hào khi nói đến sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân xứ đảo: “Qua thời gian, những ngôi mộ gió bằng cát này có thể vùi lấp, nhưng những ngôi mộ gió mãi mãi trường tồn trong tâm trí và trái tim mỗi một con người Lý Sơn”, ông Khoa nói.

Hằng năm, nhân dân trên đảo lại long trọng tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao những người lính thuộc đội Hoàng Sa năm xưa đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại với biển cả, nhân dân trên khắp huyện đảo đã đắp nên các nấm mộ gió và lập đền “Âm Linh Tự và Mộ lính đội Hoàng Sa” là nơi phối thờ các chiến sĩ và binh phu Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là “nhân chứng sống”, là cứ liệu lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. So với các lễ hội khác của ngư dân miền biển miền Trung, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở giá trị tín ngưỡng tâm linh mà trên hết là dịp để người con của xứ sở bày tỏ lòng thành với mẹ biển Đông. Sự cuốn hút kì lạ của lễ hội không phải chỉ là những nghi thức, nghi lễ, tập quán, những hội chơi dân gian mà là ý nghĩa và giá trị cộng đồng sâu sắc. Mỗi chuyến giong thuyền ra khơi để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ bờ cõi thiêng liêng trong từng “tấc đất tất vàng” của đất nước, những hùng binh năm xưa đã ký thác tâm niệm, kỳ vọng, ý chí và cả ý thức trách nhiệm của người con “đất Lạc cháu Hùng” với quê hương xứ sở.

Trong Bảo tàng hải đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, bảo tàng nhỏ nhưng chứa rất nhiều tư liệu quý chứng minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tấm bản đồ cũ kỹ, mô hình thuyền của phu lính đi khai thác hải sản, những bài vị khắc tên biết bao người vùi mình dưới lòng biển sâu và vô số mẫu hiện vật khác đều được giữ gìn và trưng bày cẩn thận. Lật quyển sổ lưu bút dành cho du khách, có rất nhiều dòng chữ đầy ý nghĩa: “Biển đảo quê mình đẹp lắm”, “Tôi yêu biển đảo Việt Nam”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” v.v… Có những dòng ghi đã lâu, có những dòng vừa mới được chép hôm qua, tất cả như đều nhắc nhở về thời oai hùng của những hùng binh thuở nào, và nhắc nhở cả về phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghe câu chuyện kể về các hùng binh trong buổi chiều trên triền Thới Lới, như nghe tiếng vọng của biển trong gió lồng lộng bên những ngôi mộ gió hoang hoải, thấy người xứ này trăm đời qua vẫn còn bao kiên cường bất khuất đến vậy.

Minh Ngọc
.
.
.