Nơi nào khó, có chúng tôi

Thứ Năm, 03/06/2021, 10:45
Sáng 27-5, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an đã tổ chức xuất quân, điều động 166 y, bác sĩ, cán bộ y tế của Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, giúp địa phương vượt qua giai đoạn cam go của dịch bệnh, nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19.

 

Trước tình hình dịch COVID-19 tại điểm nóng Bắc Giang vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu công nghiệp (KCN), sáng 27-5, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an đã tổ chức xuất quân, điều động 166 y, bác sĩ, cán bộ y tế của Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, giúp địa phương vượt qua giai đoạn cam go của dịch bệnh, nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Xung phong "ra trận"

Háo hức hòa cùng đoàn cán bộ y tế Công an nhân dân (CAND) tình nguyện lên đường chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang, chia sẻ cùng phóng viên, Thiếu tá Phạm Thị Thanh Huyền, Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện 19-8 cho biết: Khi xung phong lên đường nhận nhiệm vụ tại tâm dịch Bắc Giang, chị cảm thấy rất tự hào. Dù biết rõ nhiệm vụ này sẽ vô cùng nguy nan, vất vả, nhưng chị và các đồng chí, đồng đội sẽ luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để đóng góp vào cuộc chiến ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. 

Thượng úy Nguyễn Thị Bích Thảo, điều dưỡng viên Khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện 19-8, dù con nhỏ mới 4 tuổi, nhưng cũng không nề hà, sẵn sàng xung phong tình nguyện lên đường vào tâm dịch Bắc Giang, con nhỏ gửi về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Thiếu úy Đỗ Danh Thắng, điều dưỡng viên Khoa Phẫu thuật thần kinh cho biết: Vợ anh cũng là bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, rất có thể cũng sẽ tiếp bước chồng xung phong vào trận tuyến chống dịch dù con nhỏ mới tròn hai tuổi.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn động viên các y, bác sĩ Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) tham gia đoàn tình nguyện chi viện chống dịch cho tỉnh Bắc Giang.

Có mặt tiễn chân vợ là chị Đặng Thị Hoa, bác sĩ Khoa Nội tiết, Bệnh viện 19-8 lên đường chi viện Bắc Giang chống dịch, anh Trịnh Vũ Bảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông Xuân Phương chia sẻ: Khi vợ anh xung phong lên đường tình nguyện anh thấy rất lo lắng. Qua theo dõi trên báo chí, cũng như mạng xã hội thấy tình hình dịch căng thẳng, chứng kiến hình ảnh nhiều CBCS Công an, Quân đội cũng như các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc rất vất vả tại tâm dịch nên anh rất lo lắng. Nhưng anh xác định, đây là nhiệm vụ cả nước cùng chung sức phòng chống dịch, cho nên anh cố gạt đi nỗi lo, ủng hộ, động viên vợ tham gia đoàn tình nguyện, còn mình ở nhà sẽ đảm đương mọi nhiệm vụ ở hậu phương, chăm sóc 2 con nhỏ để cho vợ yên tâm lên đường công tác.

Còn Thượng uý Đào Tuấn Anh, Công an quận Cầu Giấy vừa chuyển chiếc balo to cho vợ là chị Lê Thị Xoa, điều dưỡng Khoa Phẫu thuật thần kinh vừa tranh thủ dặn dò cố gắng giữ gìn, đảm bảo an toàn sức khỏe, làm tốt nhiệm vụ được giao để giúp đỡ nhân dân Bắc Giang ngăn chặn dịch. Dù 3 con đang còn nhỏ, trong đó cháu nhỏ nhất mới 5 tuổi nhưng anh không nề hà vất vả, động viên ủng hộ vợ xung phong tình nguyện tham gia đoàn cán bộ y tế CAND chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang. Bản thân anh là cán bộ Công an quận Cầu Giấy, cũng tham gia phòng chống dịch ở cơ sở, nên anh rất thấu hiểu những khó khăn vất vả của người chiến sĩ phòng chống dịch.

Các y, bác sĩ CAND thể hiện quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 ở Bắc Giang.

Là một trong những cán bộ tham gia đoàn y tế CAND tình nguyện vào tâm dịch Bắc Giang chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2, Trung tá Phan Ngọc Lý, Phó trưởng Khoa Ngoại chia sẻ: Ngay từ khi dịch bùng phát, anh và các y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường tình nguyện khi có yêu cầu. Vinh dự tự hào và coi đây là nhiệm vụ cao cả, tất cả cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền đều xác định lấy tinh thần chống dịch là trên hết. Mọi người đã gác lại tất cả việc cá nhân để tham gia vào trận chiến cam go này. Anh rất ngưỡng mộ các bạn trẻ dù có con nhỏ nhưng vẫn sẵn sàng gác việc gia đình, lên đường tình nguyện vào tâm dịch.

Những chia sẻ xúc động từ tâm dịch

Đó là tâm sự của Thượng úy Nguyễn Thị Nghiệp Long, cán bộ Phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện 19-8 khi chia sẻ về nỗi nhớ nhà, nhớ con nhỏ trong những ngày cùng đồng đội chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang. Đến hôm nay là đã gần 1 tuần xa con kể từ sáng 27-5 khi tham gia Đoàn cán bộ y tế CAND lên đường thẳng tiến vào tâm dịch Bắc Giang. 

"Đi công tác xa thế này nhớ nhất là con nhỏ. Vợ chồng em hiếm hoi, lấy nhau gần chục năm mới sinh được một bé. Cháu là con gái, tên là Nguyễn Hà Thanh, vừa tròn 2 tuổi và rất quấn mẹ. Chưa bao giờ em phải xa con nhiều ngày đến vậy, dù ở cơ quan, thi thoảng em cũng phải trực bệnh viện, nhưng chưa bao giờ kéo dài quá 2 ngày..."- Nghiệp Long chia sẻ.

Thượng úy Nghiệp Long tâm sự, nhiều lúc nhớ con quay quắt, nhưng Long cố nén lòng. Trong ca trực bận rộn với công việc, hết ca trực mới tranh thủ gọi điện thoại về nhà hỏi thăm con. Cũng may, trước khi xung phong lên đường, Long được chồng là Đại úy Nguyễn Xuân Chủng, cán bộ Phòng Hành chính quản trị Bệnh viện 19-8 ủng hộ, động viên; đồng thời đón ông bà nội ở quê lên giúp trông nhà, chăm sóc con, để vợ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Mấy hôm đầu mẹ vắng nhà, tối nào bé Thanh cũng khóc vì nhớ mẹ. Có hôm nhìn thấy mẹ qua cuộc gọi video call, bé Thanh cứ khóc, nằng nặc đòi mẹ bế. Nghe tiếng con khóc, Long vừa nựng con qua điện thoại, vừa rơm rớm nước mắt.

Không chỉ riêng Nghiệp Long, trong đoàn tình nguyện còn nhiều đồng chí nữ cũng đang nuôi con nhỏ, như chị Lê Thị Xoa là mẹ của 3 cậu con trai. Chị Xoa cho biết: Hai bé đầu sinh đôi năm nay lên lớp 6, còn bé út năm nay tròn 5 tuổi. Dù hằng ngày có bà nội giúp chăm sóc các con, nhưng mỗi khi tan ca trực, chị Xoa đều tranh thủ ít phút gọi điện thoại về nhà hỏi thăm tình hình, đôn đốc bọn trẻ chịu khó học tập, động viên các con ở nhà ngoan ngoãn nghe lời bố và bà nội.

Theo Đại tá Nguyễn Thái Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8 Bộ Công an - trực tiếp phụ trách đoàn cán bộ tình nguyện: Hiện nay bệnh viện đã tiếp nhận các ca mắc COVID-19 sắp ở mức kịch trần công suất thiết kế hiện tại với 620 giường bệnh. Hai hôm nay, trời nóng hầm hập, bất chấp có lúc nhiệt độ lên đến gần 40°C, các y, bác sĩ đảm bảo mặc bộ trang phục bảo hộ phòng ,chống dịch trong khi làm nhiệm vụ khiến càng thêm nóng bức. Do đặc tính virus được khuyến cáo càng dễ lây lan trong môi trường điều hòa cho nên dù nóng bức, bên trong khu điều trị đều không được phép bật điều hoà. Bởi vậy, có hôm 2 đồng chí nữ điều dưỡng bị choáng ngất do ngột ngạt vì nóng và mất nước, kiệt sức bởi cường độ công việc cao cùng môi trường khắc nghiệt, nóng bức.

Đại tá Nguyễn Thái Hưng cũng cho biết: Để giảm bớt nóng nực và thuận lợi khi làm việc, họ đã hy sinh mái tóc của mình, tự cắt trọc tóc cho nhau ngay trong bệnh viện để tiện chăm sóc bệnh nhân và bảo vệ bản thân được tốt hơn. Cũng may, đến nay, khu ăn ở, sinh hoạt cho Đoàn cán bộ y tế CAND cơ bản đã ổn định, đã được trang bị giường nằm, đầy đủ các vật dụng sinh hoạt, không phải trải chiếu trên nền đất để ngủ như hôm đầu tiên mới lên nhận nhiệm vụ.

Xác định dù có vất vả đến mấy cũng không nản, mọi người đều động viên nhau khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giúp nhân dân Bắc Giang nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Tâm Phạm - Đinh Hiền
.
.
.