Cây Sa Mu giữa đại ngàn

Thứ Năm, 07/09/2023, 10:32

Là những cánh chim đầu đàn ở mỗi bản làng vùng cao, thời gian qua những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phát huy khả năng, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Họ - những "cánh tay nối dài" của lực lượng CAND trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, "hạt nhân kết đoàn" góp phần xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc, vươn lên xóa đói, giảm nghèo ở những vùng đất còn muôn vàn khó khăn.

1. Đến xã Co Mạ, không ai không biết ông Vì Khua Nua ở bản Nong Vai, trưởng dòng họ "Vì", luôn gương mẫu trong mọi công việc. Dân bản nơi đây gọi ông với cái tên thân thương "Già Nua". Hơn 70 tuổi, ông chắc khỏe như cây Sa Mu nơi đại ngàn Copia hùng vĩ.

Cây Sa Mu giữa đại ngàn -0
Công tác tuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số được lực lượng Công an Sơn La tổ chức thường xuyên, liên tục.

Nhớ lại những ngày tháng cũ, khi làn sóng tuyên truyền về cái gọi là "Nhà nước Mông" tràn về bản Nong Vai, ông chính là người luôn gương mẫu đi đầu, tích cực vận động người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu tham gia thành lập "Nhà nước Mông". Và với ông, chẳng có cái nào gọi là "Nhà nước Mông".

Cây Sa Mu giữa đại ngàn -1
Ông Vì Khua Nua (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền cho gia đình, dòng tộc tránh xa tà đạo.

Hít một hơi thuốc lào, Ông Vì Khua Nua cho biết: Với cương vị, trách nhiệm của người trưởng dòng họ và có uy tín trong bản, trước hết mình động viên, vận động người thân, người nhà của mình xong mới đến các dòng họ khác. Bản thân phải thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành của bản tham mưu cho đồng chí Bí thư chi bộ về công tác nắm tình hình, an ninh trật tự trên địa bàn. "Bản Nong Vai có một số trường hợp nghiện, tôi đã phối hợp với chính quyền bản tuyên truyền vận động họ từ bỏ ma tuý, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong bản" - Ông Nua nói.

Ông Vừ Xuân Hờ, Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ chia sẻ: Những năm trước khi có một số đối tượng xấu đến tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia vào hoạt động thành lập "Nhà nước Mông" ông Nua đã tích cực cùng với Ban quản lý bản, cán bộ xã đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con cảnh giác, tránh xa các đối tượng này, không tham gia, tiếp tay để các đối tượng hoạt động.

Còn tại bản Pưa Lai, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, trong trí nhớ của tôi đường vào Pưa Lai chỉ là đường mòn, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi đỏ. Với phương châm "Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền", ông Vì Văn Chắn - người có uy tín của bản Pưa Lai vận động bà con dân bản hiến hàng trăm mét đất làm đường giao thông nội bản, xây dựng nông thôn mới, đường vào bản đã rộng đẹp hơn rất nhiều. Ngày hôm nay khi nhìn vào những thành quả đó, bản thân ông cũng như bà con dân bản vô cùng tự hào.

Cây Sa Mu giữa đại ngàn -0
Lực lượng Công an luôn sâu sát, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở Lóng Luông, địa bàn có trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đây từng được mệnh danh là "chảo lửa" ma túy. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, những người có uy tín ở bản, ở xã, đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Lóng Luông đã cơ bản ổn định. Bà con nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, luôn cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, không trồng cây thuốc phiện, không vượt biên trái phép, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.

Ông Mùa A Chia (70 tuổi, dân tộc Mông) nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, là người chứng kiến tận mắt những trận đánh "sinh tử" nơi vùng đất này, ngày hôm nay khi nhìn lại cũng không khỏi xúc động trước những thay da đổi thịt của vùng đất mà ông sinh ra lớn lên. Ông Chia đã cùng các tổ công tác 279 và lực lượng Công an xã, chính quyền địa phương kiên trì đến từng gia đình, gặp gỡ trưởng các dòng họ, các tổ chức đoàn thể lồng ghép các hội nghị tuyên truyền tác hại của ma túy. ""Mưa dầm thấm lâu", sau khi những trùm sỏ ma túy bị bắt, nhiều người dân đã hiểu, dừng lại. Mừng nhất là tôi đã góp phần vận động được nhiều người dân từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời" - ông Chia tâm sự.

2. Những người có uy tín trên địa bàn tỉnh Sơn La, họ không chỉ là những "tuyên truyền viên" trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà họ còn là những tấm gương sáng làm kinh tế giỏi. Như ông Lý Văn Sam, bản Piềng Chà, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, một trong những người được dân bản mệnh danh là "triệu phú" nhờ việc trồng rừng, phát triển kinh tế.

Cây Sa Mu giữa đại ngàn -0
Cán bộ Công an xuống bản thăm hỏi người có uy tín trên địa bàn.

Đến nhà ông Sam trên con đường bê tông, dẫn vào khu rừng tràn ngập cây to, cao sừng sững. Hương rừng thoang thoảng, làm dịu bớt cái nắng oi bức. Gặp ông Sam bên bìa rừng, không ai nghĩ, người đàn ông Dao này đã làm được những việc phi thường. Rừng ôm lấy ngôi nhà của ông Sam, chở che bao mùa mưa nắng. Ba bề, bốn phía nơi nào cũng thấy cây cối dựng thành vách. Đám xoan đã trên 20 tuổi đời, thân cao cứ nối nhau dài tít tắp. Hết rừng xoan đến rừng lát, rừng chò, rừng chẩu. Có những cây lát to hơn một người ôm.

20 năm qua, gia đình ông kiên trì đào hố, trồng cây, phát tán cây. Và rừng đã trả ơn cho gia đình ông xứng đáng. Đi mỏi chân, chùn gối vẫn chưa hết đất của ông Sam. Cánh rừng nối tiếp cánh rừng. Ấy vậy mà ngày nào ông Sam cũng đi kiểm tra và ngắm cây. Khi tỉa đi một cây, ông Sam trồng thêm 10 cây. Nhờ đó mà khu rừng mỗi ngày một giàu đẹp hơn. Khu đồi trọc năm nào có những giọt mồ hôi của ông rơi xuống đã biến thành đồi cây. Sau mỗi năm, diện tích rừng cứ dần mở rộng. Ngày nối ngày, mùa nối mùa qua đi, chẳng mấy chốc vợ chồng ông Sam đã phủ xanh cả trăm hecta đất. Có cây là có rừng, là nguồn động viên gia đình ông vượt qua gian khó.

Trung tá Bùi Ngọc Hoạch, Trưởng Công an xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ chia sẻ: Những người có uy tín trên địa bàn xã Chiềng Yên nói chung và ông Lý Văn Sam nói riêng trong thời gian qua đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, hướng dẫn dân bản học và cùng phát triển kinh tế. Không chỉ có vậy, người có uy tín trên địa bàn xã cũng là những "cánh tay nối dài" của lực lượng Công an trong đảm bảo an ninh trật tự, công tác trồng và giữ rừng, giữ lấy sắc xanh nơi đại ngàn.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La hiện nay có hơn 500 người có uy tín trong cùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 10 năm qua, người có uy tín toàn tỉnh đã tham gia giải quyết ổn định hơn 100 vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy, hình sự; 90 vụ tranh chấp đất đai, 43 vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài trên địa bàn; cung cấp hơn 400 tin liên quan đến hoạt động tuyên truyền lập "nhà nước Mông"… tất cả những gì họ làm đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự nơi mỗi bản làng vùng cao.

Cây Sa Mu giữa đại ngàn -0
Ông Lý Văn Sam, người có uy tín của xã Chiềng Yên phối hợp cùng lực lượng Công an trong đảm bảo ANTT tại địa bàn.

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, nhờ phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, nên các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Sơn La đã huy động được sức mạnh toàn dân, trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm "nóng".

Những người có uy tín ở Sơn La luôn phối hợp với chính quyền để tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về một Nhà nước "không cần làm vẫn có ăn", góp phần thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp cùng lực lượng Công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững bình yên bản, làng. Họ là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, là điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cao Thiên
.
.
.