Nhà khoa học Việt Nam tham gia báo cáo về biến đổi khí hậu thế giới 2021:

Nếu nhân loại không chung tay hành động, thì...

Chủ Nhật, 14/11/2021, 12:38

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thế giới (COP26) diễn ra tại Scotland với sự góp mặt của hơn 130 nguyên thủ đặt ra những vấn đề rất lớn về không gian sinh tồn của loài người trong tương lai. Nói như Thủ tướng Anh Boris Johnson thì: “Nếu hội nghị này thất bại, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ như đế chế La Mã”.

Ít ai biết rằng, báo cáo quan trọng cung cấp các bằng chứng khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu toàn cầu cho hội nghị được thực hiện bởi hàng trăm nhà khoa học lớn trên thế giới lại có sự góp sức của một nhà khoa học Việt Nam. Anh là PSG.TS Ngô Đức Thành, Trưởng Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh, điều kiện nào để một nhà khoa học được mời tham gia thực hiện báo cáo toàn cầu như thế này?

- PGS.TS Ngô Đức Thành: Cách thứ nhất là thông qua giới thiệu từ các quốc gia và một số tổ chức quốc tế. Tức là các quốc gia, tổ chức đề cử hồ sơ của các nhà khoa học và Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sẽ chọn lựa các tác giả từ các hồ sơ được giới thiệu. Còn tôi tham gia báo cáo theo cách thứ hai, tức là được IPCC mời trực tiếp.

Nếu nhân loại không chung tay hành động, thì... -0
PSG.TS Ngô Đức Thành.

- Lý do nào khiến anh được mời trực tiếp?

- Báo cáo biến đổi khí hậu của IPCC được chuẩn bị bởi nhiều nhà khoa học khí hậu trên toàn thế giới. Mỗi nhà khoa học sẽ phụ trách, tham gia một số mảng nội dung nhất định. Thực tế trong hơn 10 năm vừa qua, tôi cùng các cộng sự đã thực hiện các nghiên cứu về khí hậu Đông Nam Á và hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học về biến đổi khí hậu trong khu vực. Có lẽ, nhờ các hoạt động trong khu vực và các công bố khoa học mà tôi được mời trực tiếp. Báo cáo lần này có 13 chương, mỗi chương có một vấn đề riêng biệt, ở chương do tôi tham gia làm tác giả chính thì tôi là đại diện duy nhất của Đông Nam Á.

- Xin trở lại với nhận định có thể nói là hết sức rúng động của Thủ tướng Anh: “Nếu hội nghị này thất bại, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ như đế chế La Mã”. Là một nhà khoa học, anh nghĩ gì?

- Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu gần đây rất đáng lo ngại nếu so với những gì Trái đất đã trải qua trong khoảng vài trăm nghìn năm gần đây. Anh hãy tưởng tượng, cách đây 20 năm nó tăng hơn 0,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, bây giờ đẩy lên 1,09 và nếu cứ như thế này thì trong vòng 20 năm tới có thể  sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ. Có người còn ví von chúng ta đang làm tăng tốc thời kỳ tuyệt chủng lần thứ 6.

- Nếu tăng trên ngưỡng 1,5 độ thì rất nguy hiểm?

- Không! Phải thấy là bây giờ nó đã là rất nguy hiểm rồi. Bởi vì khi nhiệt độ Trái đất tăng lên thì các hiện tượng cực đoan cũng tăng lên cả về cường độ lẫn tần suất. Ví dụ, cơn bão Hải Yến năm 2013 là siêu bão chết chóc nhất trong lịch sử Philippines hiện đại; những siêu bão như vậy rất hiếm khi xảy ra trước đây. Nhưng, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những sự kiện tương tự sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Chắc bạn vẫn nhớ lúc đầu chúng ta rất sợ cơn bão này đi vào miền Trung Việt Nam nhưng rất may cho chúng ta là sau đó nó đã bẻ qua hướng khác.

Nóng lên toàn cầu đi kèm với acid hóa đại dương. Mà khi acid trong biển tăng lên thì những rặng san hô sẽ chết. Và bài toán phải thấy ở đây là khi mọi thứ đã biến dạng, đã thay đổi thì nó không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Tức là nếu chúng ta đã mất đi những hệ sinh thái tự nhiên do nhiệt độ tăng lên thì khi nhiệt độ dù có giảm xuống, chúng ta cũng không thể tìm lại được những hệ sinh thái vốn có nữa. Đây là vấn đề một chiều rất đáng lo ngại.

- Thời điểm nào của lịch sử, loài người chính thức nhận ra sự nguy hiểm này, thưa anh?

- Những năm 60 của thế kỷ 20 người ta đã bắt đầu xây dựng các mô hình mô phỏng khí hậu toàn cầu và lượng hóa vai trò của khí nhà kính đến sự nóng lên toàn cầu. Nhưng, hồi ấy sự hiểu biết về mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu còn khá mơ hồ. Đến cuối những năm 70, đầu những năm 80 mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn lo ngại về vấn đề con người làm nhiệt độ toàn cầu tăng. Phải đến năm 1992 các nước mới ngồi lại với nhau để chính thức nhìn nhận vấn đề trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Và cột mốc rất quan trọng diễn ra vào năm 1997 với Nghị định thư Kyoto, tạo ra những nghĩa vụ ràng buộc cho các quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính.

- Kể từ 1997 đến nay đã 24 năm nhưng rõ ràng giữa lời cam kết và hiện thực vẫn có những khoảng cách rất lớn và trong rất nhiều trường hợp, nó phụ thuộc vào ý chí của những nhà chính trị. Người ta vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện Tổng thống Barack Obama đưa nước Mỹ vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhưng sau đó Tổng thống Donald Trump lại rút Mỹ khỏi thỏa thuận này với lý do nó làm cản trở sức phát triển nền kinh tế Mỹ...

- Và, khi ông Joe Biden thay ông Trump thì một trong những việc đầu tiên của ông ấy là đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris.

- Tại COP26, ông Biden còn xin lỗi thế giới vì người tiền nhiệm của ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận.

- Đúng rồi! Đó là những điều chúng ta đã nhìn thấy. Chúng ta cũng thấy những cam kết của ông Biden về việc cắt giảm khí thải, về việc tài trợ cho các nước phát triển trong việc cắt giảm khí thải nhưng bản thân những cam kết này còn vấp phải sự bất đồng trong nước và lúc này thì không chắc là lưỡng viện Mỹ có thông qua không. Rồi hàng loạt câu chuyện tương tự của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ - những nước phát thải lớn thứ nhất và thứ ba hiện nay. Rõ ràng, biến đổi khí hậu phụ thuộc rất nhiều vào câu chuyện chính sách của các quốc gia, mà câu chuyện chính sách thì chưa bao giờ đơn giản cả.

Nếu nhân loại không chung tay hành động, thì... -0
Tác giả và PSG.TS Ngô Đức Thành. Ảnh trong bài: Thắng Nguyễn.

- Cũng tại COP26, ông Biden đã chỉ trích sự vắng mặt của lãnh đạo Trung Quốc và sự im lặng của Nga. Sau đó những người phát ngôn của Trung Quốc, Nga phản biện lại. Quan sát điều này, anh thấy sao?

- Tôi nhớ đến Nghị định thư Kyoto năm 1997. Lúc đó người ta đề nghị các nước phát triển từng phát thải nhiều trong quá khứ phải cam kết giảm thải. Sau đó các nước lớn có cắt giảm nhưng nó lại không thể bù được so với lượng phát thải của những nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ. Nó dẫn tới các bất đồng, tị nạnh: không thể có chuyện tôi cam kết cắt giảm, còn anh thì cứ xả thải để phát triển kinh tế. Mới đây thôi, Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra cam kết phát thải thuần bằng 0 (net-zero) tương ứng vào khoảng năm 2060 và 2070, trong khi mục tiêu mà COP 26 đưa ra là mức phát thải thuần toàn cầu bằng 0 vào giữa thế kỷ.

- Giữa các nước lớn với nhau rõ ràng vẫn đang tồn tại rất nhiều khác biệt. Còn với các nước nhỏ, câu chuyện cũng khó khăn không kém. Ví dụ, để phát thải giảm xuống thì các nước này phải thu hẹp và đi tới chỗ chấm dứt việc sử dụng nhiệt điện than. Nhưng, nếu chấm dứt nhiệt điện than thì câu chuyện về lao động, việc làm lại là một bài toán khó.

- Thế nên, họ mới cần nhận được tài trợ. Theo tôi hiểu, một trong trong những vấn đề lớn của COP26 là phải làm sao huy động được khoảng 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Thật ra từ Thỏa thuận Paris 2015, người ta đã kỳ vọng có thể huy động được một ngân quỹ như vậy vào năm 2020 rồi. Tiếc là cho đến nay mục tiêu này vẫn bất thành.

- Giữa bộn bề khó khăn như chúng ta vừa nói, mục tiêu chỉ duy trì mức tăng khoảng 1,5 độ C mà COP26 đặt ra liệu có thành sự thật?

- Một đồng nghiệp của tôi ví von rất hay: khi đi trên đường cao tốc, anh bị trượt mất một đoạn rẽ, vậy anh sẽ phải làm gì? Lúc đó, anh sẽ phải đi chậm lại, cẩn thận quan sát, tìm một ngã rẽ gần nhất để đi ra. Việc có thể đạt mục tiêu hay không cũng sẽ như vậy. Vì những lý do nào đó, anh để lỡ một mục tiêu thì anh sẽ phải ngồi lại với nhau, tìm cách đạt được một mục tiêu khả dĩ khác trong tương lai. Điều quan trọng ở đây là phải đặt ra mục tiêu và trong câu chuyện biến đổi khí hậu, việc đặt ra mục tiêu 1,5 độ hay 2,0 độ C là một thay đổi bước ngoặt.

Trước đây, người ta chỉ tính tổng lượng phát thải toàn cầu, từ đó dự đoán về sự gia tăng nhiệt độ, rồi đề ra các phương pháp ứng phó. Nhưng, từ 2007 người ta không xây dựng những kịch bản bị động như vậy nữa. Thay vào đó, người ta đề ra mục tiêu cuối cùng và căn cứ vào mục tiêu cuối cùng để thiết kế chính sách. Ví dụ, anh đặt mục tiêu gia tăng nhiệt độ chừng này thì sẽ phát thải chừng này và muốn phát thải chừng này từ các nền công nghiệp phải tuân theo những nguyên tắc, những chỉ số này. Cách tiếp cận này tác động trực tiếp đến quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia.

- Trong quá trình thực hiện báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học có đưa ra những khuyến cáo đặc biệt nào tới những nhà hoạch định chính sách hay không? 

- Một trong những khuyến cáo quan trọng nhất của bản báo cáo lần này là trừ khi có sự cắt giảm khí thải nhà kính ngay lập tức, nhanh chóng và theo quy mô lớn thì việc hạn chế mức nóng lên nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ sẽ là bất khả thi. Nếu không hành động ngay thì chỉ trong khoảng 20 năm nữa, mức tăng nhiệt độ Trái đất sẽ vượt qua con số này.

Chúng tôi đưa ra những bằng chứng khoa học cụ thể, xác đáng nhất để nói lên điều đó. Và chúng tôi hy vọng, từ những bằng chứng xác đáng đó, các nhà làm chính sách có thể lên những kế hoạch hành động hiệu quả, tức thời.

- Xin cảm ơn anh!

Phan Đăng (Thực hiện)
.
.
.