Bảo vệ Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gắn với sinh kế của người dân

Thứ Năm, 08/09/2022, 07:19

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Vườn QG PNKB), ở Quảng Bình được đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ, qua các cuộc khảo sát hệ động, thực vật tại Vườn QG PNKB, bước đầu đã thống kê được 1.762 loài thực vật bậc cao với 710 chi, 162 loài.

Xung quanh Vườn QG PNKB là nơi sinh sống của hàng chục ngàn hộ gia đình, song những năm gần đây, Vườn QG PNKB được bảo vệ tốt, bởi việc gìn giữ, bảo vệ “vương quốc hang động” đặc biệt này luôn được Ban quản lý Vườn QG PNKB và các đơn vị, địa phương liên quan gắn với sinh kế của người dân.

Nhiều cách làm hay

Cách đây khoảng 5 năm, Vườn QG PNKB xảy ra nhiều điểm nóng về phá rừng, săn bắt động vật thú rừng. Những vụ phá rừng không chỉ gây bức xúc cho người dân địa phương mà còn gây sửng sốt dư luận cả nước khi truyền thông đăng tải thông tin, hình ảnh về những khoảnh rừng bị cạo trắng, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, hay những cây gỗ sưa trị giá hàng trăm tỷ đồng bị lâm tặc mang đi. Và có những loài động vật quý hiếm, thậm chí có trong sách đỏ bị đặt bẫy, săn bắt làm thực phẩm cho các nhà hàng, quán nhậu… Thì hiện nay, việc phá rừng, săn bắt động vật được hạn chế đến mức tối đa.

Bảo vệ Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gắn với sinh kế của người dân -0
Đội thuyền du lịch ở Phong Nha- Kẻ Bàng hầu hết là người dân địa phương.

Để bảo vệ tốt Di sản Vườn QG PNKB rộng trên 200.000ha, nơi có hàng vạn hộ gia đình ở các huyện Bố Trạch, Minh Hoá, Quảng Ninh… sinh sống xung quanh và trong vùng lõi của di sản là điều không hề dễ với cơ quan chức năng địa phương. Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế cho bài viết, làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan đến Vườn QG PNKB chúng tôi đã có câu trả lời; để bảo vệ tốt Vườn QG PNKB như hiện nay là nhờ vào sự chung sức, đồng lòng bảo vệ di sản từ cán bộ quản lý, đến người dân địa phương. Và quan trọng nhất là cuộc sống người dân nơi đây đã gắn liền được với di sản.

Với phương châm “Phòng là chính, bảo vệ rừng tận gốc”, Ban Quản lý Vườn QG PNKB (BQL Vườn QG PNKB) đã đặt ra phương án quản lý rừng bền vững dài hạn.

Xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét liên ngành, thường xuyên để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắn, đặt bẫy bắt động vật trái phép. Các tổ, trạm của lực lượng bảo vệ rừng đổi mới cách thức, phương pháp tuần tra, tiếp cận các khu vực mới, bảo đảm bao quát được địa bàn quản lý. Tất cả các ngả đường vào khu vực Vườn QG PNKB đều có trạm, rào chắn barie, đồng thời các điểm chốt trong rừng dài ngày luôn được duy trì thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi xâm phạm tài nguyên rừng do vậy chấm dứt được tình trạng khai thác gỗ trái phép trong khu vực BQL Vườn QG PNKB quản lý.

Bên cạnh việc bảo vệ rừng theo những phương pháp truyền thống, đổi mới cách thức tiếp cận, thì gần đây BQL Vườn QG PNKB đã đưa nhiều công nghệ mới vào việc bảo vệ ở Vườn QG PNKB. Trong đó, đơn vị sử dụng ảnh vệ tinh Sentinet, Google Erth Pro, Vtools for Mapinfor kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp, như: Mapinfor, Qgis, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính bảng có cài đặt ứng dụng FRMS Mobile để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Thông qua giải đoán ảnh vệ tinh, lực lượng bảo vệ Vườn QG PNKB đã chủ động xác định được các khu vực biến động tài nguyên rừng. Nếu phát hiện có điểm biến động về rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn sẽ tổ chức kiểm tra hiện trường, xác minh các nguyên nhân diễn biến rừng; đặt các bẫy ảnh để phát hiện, bảo vệ các loài động, thực vật…

Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, Vườn QG PNKB hiện được đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ, qua các cuộc khảo sát hệ động, thực vật tại Vườn QG PNKB, bước đầu đã thống kê được 1.762 loài thực vật bậc cao với 710 chi, 162 loài. Có 63 loài thực vật được coi là có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có 38 loài ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam và 25 loài được ghi trong danh sách các loài bị đe dọa toàn cầu. Có 1.074 loài động vật xương sống thuộc 338 giống với 134 họ, 43 bộ và 352 loài động vật không xương sống, trong đó ngành thân mềm có 10 loài thuộc 8 chi, 6 họ và ngành chân khớp 292 loài thuộc 5 lớp.

Gắn cuộc sống người dân với di sản

Nhiều lần về các địa phương tìm hiểu tư liệu cho các bài viết của mình, chúng tôi thường nghe và thực tế nhận thấy; người dân ở khu vực, địa bàn nào thì cuộc sống gắn liền với địa hình, địa mạo, môi trường thiên nhiên nơi đó. Người dân vùng biển gắn liền với biển khơi với ngư lưới cụ đánh bắt thuỷ hải sản. Người dân vùng núi gắn với các sản vật thiên nhiên rừng núi ban tặng. Song để khai thác có hiệu quả, lợi thế sẵn có làm thay đổi cuộc sống người dân ngày một tốt hơn thì không phải nơi nào cũng làm được. Và ở khu vực Vườn QG PNKB, hàng vạn hộ gia đình có cuộc sống ngày một khởi sắc, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn QG PNKB ngày được bảo vệ tốt hơn nhờ “Quy chế quản lý, bảo vệ di sản” và phương án quản lý rừng bền vững được triển khai thiết thực, hiệu quả.

Phát huy thế mạnh thiên nhiên sẵn có, những năm qua, người dân ở xung quanh khu vực Vườn QG PNKB đã gắn cuộc sống của gia đình với “vương quốc hang động”. Hiện nay, có hàng ngàn người dân ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng được tạo công ăn việc làm, gia đình có cuộc sống ổn định. Vườn QG PNKB hiện là điểm du lịch hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều tour, tuyến, điểm du lịch mới được mở tạo việc làm cho người dân địa phương.

Những hoạt động thu hút khách du lịch như “Quảng Bình Discovery Marathon”; Chương trình nghệ thuật Countdown Party; Lễ hội kích cầu du lịch… ngày càng được tổ chức quy mô, hoành tráng với sự tham dự cùng chung tay của người dân địa phương. Chị Trần Thị Thanh ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch cho biết: Nhờ vào du lịch, vào việc khai thác hang động Phong Nha, Tiên Sơn và các điểm du lịch như thác Nước Moọc, Sông Chày-Hang Tối… mà người dân nơi đây có việc làm như chèo thuyền đưa đón khách, mở cửa hàng ăn, bán đồ lưu niệm, làm nghề chụp ảnh nên đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.

Từ cuộc sống bấp bênh gắn với khai thác gỗ rừng, hay săn bắt động vật rừng ở Vườn QG PNKB nay nhiều hộ dân ở các xã như Xuân Trạch, Phúc Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch, thị trấn Phong Nha đã từ bỏ việc phá rừng, quay sang bảo vệ rừng, gắn đời sống bền vững với rừng. Vườn QG PNKB triển khai nhiều hoạt động gắn với sinh kế người dân như “Trồng phục hồi rừng chống sạt lở”; cải tạo cảnh quan tự nhiên bằng biện pháp làm giàu rừng tại Vườn QG PNKB”; tổ chức khám phá động Phong Nha về đêm; sửa chữa các điểm vui chơi, thử nghiệm các điểm du lịch sinh thái hang Ba, hang Vòm-Giếng Ngọc… để người dân địa phương có thêm việc làm, trở thành những “người chủ” của các điểm du lịch mà thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương.

Theo các chuyên gia du lịch, Phong Nha- Kẻ Bàng có hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ, sông ngầm kỳ vỹ nhất thế giới như động Phong Nha, động Tiên Sơn, hang Én, hang Sơn Đoòng, hang Khe Ry... Xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp với cấu trúc địa hình karst là những dòng sông, thung lũng xinh đẹp, những cánh rừng nguyên sinh chưa bị tác động bởi yếu tố con người. Vườn QG PNKB sẽ luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, hệ thống hang động huyền bí, môi trường sinh thái rừng nguyên sinh trong lành và tài nguyên du lịch đa dạng. Vì vậy, để bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn QG PNKB cách tốt nhất là gắn với sinh kế người dân. Bởi bảo vệ môi trường thiên nhiên có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của du lịch sinh thái, cũng có nghĩa là quyết định đến tương lai du lịch tại địa bàn.

Thông điệp của tổ chức Du lịch thế giới đã nêu rõ “... trong thế giới phát triển, du lịch đặc biệt là các hoạt động du lịch sinh thái, thăm thú thiên nhiên hoàn toàn có tiềm năng góp phần vào xóa đói giảm nghèo tại những vùng xa xôi hẻo lánh của các nước phát triển; du lịch sinh thái- khám phá thiên nhiên được xem là công cụ tốt để giáo dục về môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết phải bảo vệ hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương...”.  

Dương Sông Lam
.
.
.