Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân:

Xây dựng niềm tin cho cấp dưới qua hình ảnh của chính mình

Thứ Hai, 07/10/2013, 12:45
Theo Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng toàn diện: trí tuệ quân sự thiên tài, tầm văn hóa lớn và đặc biệt là tính nhân văn sâu sắc, nói năng nhẹ nhàng, truyền cảm - chỉ có ở người có cả trí tuệ lẫn thực tiễn. Tư tưởng của Đại tướng được các thế hệ sau thấm nhuần: đánh thắng nhưng phải giảm tổn thất. Đại tướng xây dựng niềm tin cho cấp dưới qua chính hình ảnh của mình và là tấm gương lớn cho các thế hệ người Việt Nam, về cả bản thân và gia đình.

Trong ký ức của Anh hùng phi công vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người chỉ huy “văn võ song toàn”, mà còn là một tấm gương sáng về nhân cách. Trong nỗi đau chung khi “vị tướng huyền thoại” ra đi, chúng tôi đã cùng Trung tướng Phạm Tuân ôn lại những kỷ niệm về Đại tướng.

PV: Trung tướng có vinh dự nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông có thể vui lòng kể lại kỷ niệm lần đầu gặp Đại tướng?

Trung tướng Phạm Tuân.

Trung tướng Phạm Tuân: Tôi vinh dự được tham gia vào giai đoạn chiến tranh ác liệt với đế quốc Mỹ những năm 1968 - 1969 và đỉnh cao là năm 1972, nên được biết, thời gian đó, Đại tướng liên tục đến tận sân bay, các sở chỉ huy, thăm trận địa để rút kinh nghiệm đánh B52 và động viên chiến sĩ.

Lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp Đại tướng là năm 1973, sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (trước đó, tôi bắn rơi B52 đêm 27/12/1972, thì sớm ngày 28/12/1972, Đại tướng đã gửi điện chúc mừng bộ đội Không quân, cho thấy sự quan tâm, động viên kịp thời của vị lãnh đạo với cấp dưới). Đại tướng đến Trung đoàn làm việc, ngủ qua đêm và gọi tôi lên hỏi về chuyện đánh B52.

Đại tướng hỏi rất cặn kẽ việc đánh như thế nào, khi tôi kể tỉ mỉ là đến khẩu lệnh thứ 3 tôi mới bắn ở cự ly gần, bác hỏi luôn, có phải tôi gọi điện cho anh Thiều bảo bắn gần không? (Anh Vũ Xuân Thiều bắn rơi máy bay Mỹ hôm 28/12/1972, nhưng bắn gần quá, không thoát ly kịp, nên hy sinh). Tôi vội báo cáo là chúng tôi không gọi điện cho nhau được, mà chỉ báo với cấp trên việc đã bắn gần, vì khi đó, điện thoại đâu dễ.

Đại tướng chăm chú nghe từng chi tiết nhỏ, rồi dặn: địch đã ngừng bắn ở miền Bắc, nhưng Không quân vẫn phải cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và phải đánh thắng. Đại tướng khen ngợi lực lượng Phòng không - Không quân lập công lớn đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội, khiến tôi rất tự hào.

Sự quan tâm đó tác động lớn đến tâm lý của anh em, để mỗi người đều thấy phải cố gắng để đáp lại. Việc Đại tướng gọi phi công lên để nghe trực tiếp về cách đánh, chứ không qua báo cáo, còn cho chúng tôi thấy rõ phong cách lãnh đạo của vị chỉ huy cấp cao: gần gũi, nắm bắt sát thực tế để chỉ đạo chiến đấu.

PV: Khi ở Liên Xô, ông cũng nhiều lần được gặp Đại tướng?

Trung tướng Phạm Tuân: Trước khi bay vào vũ trụ, tôi được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gặp gỡ. Tình cảm của bác đối với gia đình tôi hết sức sâu sắc.

Khi chúng tôi ở Trung tâm bay, mỗi lần đi công tác, dừng ở Moskva, bác đều gọi cả gia đình đến nói chuyện, ăn cơm và ân cần hỏi xem chúng tôi thiếu thốn gì, hay cần gì. Con gái tôi khi đó mới 4 tuổi, thường chạy nhảy nghịch ngợm, đôi khi tôi nhắc mà bác còn bảo để kệ cho cháu chơi. Đại tướng coi chúng tôi như con cái trong nhà, gần gũi, thân tình, không hề có ranh giới giữa một Đại tướng với người lính.

Lần nào gặp, Đại tướng cũng hỏi han việc tập luyện, có lần Đại tướng vào tận buồng tập để thăm chúng tôi. Bác luôn dặn: các cậu phải cố gắng thể hiện được ý chí, quyết tâm, nghị lực và trí tuệ của người Việt Nam. Những lời của Đại tướng khiến chúng tôi cảm động, vừa thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vừa thấy được tình cảm của riêng Đại tướng.

Khi tôi bay vào vũ trụ, Đại tướng đại diện đoàn Chính phủ Việt Nam sang thăm và dặn dò tôi trước khi lên tàu. Từ trong phòng kín, tôi đã cởi chiếc gương ở tay áo bộ đồ bay vào vũ trụ để tặng Đại tướng với tất cả tình cảm và sự trân trọng.

Khi tôi ở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, dịp mừng thọ Đại tướng năm 2005, chúng tôi đến thăm, thì thư ký nhắc tôi chỉ nói 5 phút, để cho bác nghỉ. Nhưng bác biết ý bảo cứ ngồi và tiếp tục nói chuyện.

Bác hỏi thăm từ những người chiến sĩ quân giới hồi mới thành lập giờ còn sống không và ở đâu, khiến chúng tôi rất ngạc nhiên và xúc động, vì khi đó, Cục Quân giới chỉ là đơn vị nhỏ thuộc Tổng cục Hậu cần, thế mà đã ở tuổi 95, bác vẫn quan tâm và nhớ với trí nhớ rất tuyệt vời.

Rồi Đại tướng dặn dò từng vấn đề cụ thể, thực tiễn, là bài học để chúng tôi xây dựng kế hoạch. Quan điểm của bác rất rõ ràng, Việt Nam không sản xuất máy bay, vì khi ta mà sản xuất được máy bay thì các nước đã đi một bước rất xa rồi, ta nên tìm cách sản xuất vũ khí hiện đại, phù hợp với khả năng, theo phương châm “đi tắt đón đầu”.

Trung tướng Phạm Tuân tặng hoa mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 95 tuổi.

PV: Điều đọng lại trong ông từ những lần gặp gỡ Đại tướng?

Trung tướng Phạm Tuân: Khi tôi tham chiến, đã nghe danh tướng Giáp với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy. Sang Liên Xô học, các giáo viên nhà trường nói đến Việt Nam là nói đến Điện Biên Phủ, đến Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng để lại ấn tượng sâu sắc trong anh em chiến sĩ và bản thân tôi, từ khi mới vào quân đội.

Tôi rất tự hào được là lính của bác, càng tự hào khi những nhiệm vụ được bác giao đều thực hiện được. Bác là một vị tướng toàn diện: trí tuệ quân sự thiên tài, tầm văn hóa lớn và đặc biệt là tính nhân văn sâu sắc, nói năng nhẹ nhàng, truyền cảm - chỉ có ở người có cả trí tuệ lẫn thực tiễn.

Tư tưởng của Đại tướng được các thế hệ sau thấm nhuần: đánh thắng nhưng phải giảm tổn thất. Đại tướng xây dựng niềm tin cho cấp dưới qua chính hình ảnh của mình và là tấm gương lớn cho các thế hệ người Việt Nam, về cả bản thân và gia đình.

Vẫn biết Đại tướng ốm nặng từ lâu, nhưng vẫn giật mình, thảng thốt khi nghe tin bác ra đi. Đây là một tổn thất lớn cho Quân đội, nhân dân và đất nước. Không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được một vị Đại tướng như thế!

PV: Cảm ơn Trung tướng!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.