Truyền thông quốc tế nói gì về sự kiện 30/4/1975?

Thứ Sáu, 01/05/2015, 08:59
Ngày 30/4/1975, hãng tin Reuters danh tiếng của Anh đã có bài viết lớn và liên tục cập nhật về cuộc chiến Việt Nam vào giờ phút bước ngoặt đó.

40 năm trôi qua, đối với thế giới, ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử, đánh dấu sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ nhưng là bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam. “Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt…”, “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn lên đôi chút…”… là những bình luận được đăng trên các tờ báo quốc tế sau sự kiện chấn động khắp năm châu này. 

Ngày 30/4/1975, hãng tin Reuters danh tiếng của Anh đã có bài viết lớn và liên tục cập nhật về cuộc chiến Việt Nam vào giờ phút bước ngoặt đó. Một nhà báo Reuters có mặt tại Sài Gòn viết: “Là phóng viên duy nhất có mặt tại khu vực Phủ Tổng thống, tôi đã chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu (của quân giải phóng) húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ (ngụy) rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến lên theo và bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ Tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên mái nhà”.

Cùng ngày, hãng tin UPI của Mỹ mô tả: “Quân đội Cộng sản tươi cười vui vẻ cưỡi xe tăng vào Phủ Tổng thống ở Sài Gòn và hô lớn “Đồng chí” với những người đứng đông bên đường và các báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người Cộng sản”.

Xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu).

Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1/5/1975, với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Times chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của các lực lượng cách mạng.

Theo bài viết, ngày 30/4/1975 là ngày “lịch sử của thế giới”. Cũng trong số ra ngày 1/5/1975, hãng tin AP đăng một bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của quân Giải phóng tiến nhanh vào dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này, Tướng trung lập Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”. Còn trên Los Angeles Times có đoạn: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt…”.

Điện tín New York thì cho việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “một sự hy sinh vô ích về  sinh mạng và tiền của người Mỹ”. Báo Mặt trời Baltimore viết: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sự Sài Gòn – Gia Định”.

Tại châu Á, tờ báo hàng đầu của Nhật Bản Asahi Shimbun đã đăng tải bài xã luận trong đó có đoạn: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”. Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống truyền hình Mỹ tối 1/5/1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin về giây phút cuối cùng của chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc ra đời một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam.

Ngày 7/5/1975, Báo tin tức Ai Cập viết: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30/4/1975.

Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại 3 tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.

Tháng 10/1975, tạp chí châu Âu (Pháp) bình luận: “Sau 30 năm chiến đấu - những cuộc chiến đấu lạ lùng - từ mùa xuân này, hòa bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hòa bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này”.

Hãng thông tấn AFP của Pháp cũng bình luận vào ngày 15/12/1975: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện Việt Nam, năm 1975, chứng kiến sự ra đời nước Việt Nam thống nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến khu vực này của thế giới trong tương lai”.

… và 40 năm sau

Nhật báo Denver Post của Mỹ ra ngày 26/4 đăng tải bài viết: “40 năm sau, Những ngày cuối cùng ở Việt Nam là thước phim tài liệu sống động”. Những ngày cuối cùng ở Việt Nam là phim tài liệu do đạo diễn Rory Kennedy thực hiện, được sản xuất và công chiếu vào năm 2014. Bộ phim từng được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim tài liệu dài hay nhất nói về sự sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy trước lực lượng Quân đội nhân dân và quân giải phóng miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1975.

Báo Denver Post viết: “Bộ phim bắt đầu với Hiệp định Paris năm 1973, Henry Kissinger và Richard Nixon có kế hoạch rút quân trong khi miền Bắc Việt Nam tiếp tục phản đối chiến tranh...”. Trong khi đó, bài viết của nhà báo Peter Arnett do AP đăng tải ngày 25/4 có tựa đề: “Chính quyền Sài Gòn thất thủ - quan điểm của một nhà báo về cuộc chiến tranh kết thúc ở Việt Nam”.

Ngày 30/4/1975, Arnett cùng các đồng nghiệp của AP là Matt Franjola và George Esper đã có mặt để chứng kiến thời khắc lịch sử; để rồi 40 năm sau, Arnett viết cuốn hồi ký “Chính quyền Sài Gòn thất thủ”, ghi lại những gì ông đã trải qua trong chiến tranh ở Việt Nam.               

Trước đó, tờ Nhật báo tổng hợp Mỹ Latinh tại Argentina số ra ngày 23/4 vừa qua đăng bài viết tựa đề “40 năm nhân dân Việt Nam anh hùng đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược” ca ngợi Chiến thắng 30-4 của Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh: “Ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã được giải phóng và đây là cột mốc đánh dấu thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam sau bao năm chiến đấu hy sinh gian khổ, thống nhất đất nước”. Bài báo được đăng ở chuyên mục Quốc tế, điểm lại Chiến dịch Tây Nguyên kéo dài từ ngày 4/3 đến 3/4/1975, mở màn cho cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, do Quân đội nhân dân Việt Nam phát động.

Theo Nhật báo tổng hợp Mỹ Latinh, cuộc tấn công này mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự sụp đổ với “hiệu ứng domino” của quân đội Mỹ. Trong chiến dịch này, lực lượng vũ trang, nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã kề vai sát cánh làm nên chiến thắng. Đây là kết quả của 30 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ của nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tờ báo cũng đăng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình xe tăng Quân đội giải phóng tiến vào dinh Độc Lập giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thời thế đã đổi thay, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, đang hướng tới tương lai, hội nhập và phát triển. Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn là niềm tự hào, là động lực để nhân Việt Nam tiếp tục tiến lên trên con đường vinh quang và hạnh phúc.

Kim Linh (tổng hợp)
.
.
.