Quản lý nhà biệt thự sai do… lịch sử để lại

Thứ Năm, 04/12/2014, 18:43
Sáng ngày 4/12, ngay buổi đầu phiên chất vấn kỳ họp thứ kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã “nóng” với nội dung quản lý biệt thự trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu bức xúc xung quanh vấn đề tàu hút bùn sản xuất tốn hàng tỷ đồng nhưng sau 4 năm vẫn “đắp chiếu” chưa đưa vào sử dụng.

Hai đại biểu Lê Hoài Nam và Nguyễn Xuân Diên đã nêu hàng loạt vấn đề liên quan đến 312 căn biệt thự thuộc Quyết định 7177 danh mục nhà biệt thự và quy chế quản lý nhà biệt thự trước năm 1954 trong đó có việc UBND TP loại bỏ 312 biệt thự ra khỏi danh mục đã được HĐND TP phê duyệt.

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, thẩm quyền để ra quyết định liên quan đến các biệt thự trên, UBND TP đã giao Sở Tư pháp, Sở rà soát và báo cáo UBND TP nên việc ra văn bản của UBND TP hợp thẩm quyền.

UBND TP yêu cầu Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ văn bản của Hội đồng nhân dân, vì vậy mới có văn bản trả lời của UBND TP.  “Khối lượng công việc lớn, khó khăn phức tạp (liên quan đến hồ sơ). Trong thực tế, UBND TP đã 3 lần nghe thanh tra và đơn vị liên quan tháo gỡ vấn đề này. Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ hồ sơ để thanh tra. Trong thực tế, việc quản lý hồ sơ có sai sót do lịch sử để lại. Vì vậy, cuối tuần qua, chúng tôi yêu cầu, đến ngày 15/12 các đơn vị liên quan phải có văn bản chính thức báo cáo về thực trạng hồ sơ” , ông Khanh cho biết.

Câu trả lời của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh chưa làm thỏa mãn các đại biểu dù lãnh đạo TP có hứa, khi xem xét các đơn vị có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ để thất thoát, thành phố sẽ thanh tra công vụ về vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Khanh để xác định một biệt thự cổ, cần bảo tồn thì có rất nhiều tiêu chí nên khi tiếp cận từng biệt thự thì cần có thời gian thanh tra, mời tư vấn, mời cơ quan của bộ về xử lý. “Nếu liên quan đến tổ chức, cá nhân nào thì sẽ chuyển cơ quan điều tra, thanh tra, xử lý theo pháp luật. Về mặt quy trình, có một số việc đã phát hiện thiếu chặt chẽ, nên chúng tôi căn cứ vào kết luận thanh tra cuối cùng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định.

Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội quan tâm tới công tác quản lý biệt thự tại Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn: “Khi thực hiện Luật Thủ đô thì ở đây thực hiện theo thẩm quyền thì hoàn toàn đúng. Nhưng tại sao 312 biệt thự nằm trong 970 biệt thự đó lại ra khỏi danh mục quản lý. Thẩm quyền nào cho phép UBND thành phố thực hiện việc lại bỏ mà không thông qua HĐND?”. Còn đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh lại thắc mắc, khi nào có kết luận thanh tra và nghi ngờ có hay không 1 đơn vị cản trở thanh tra.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, đây là phân loại biệt thự, kể cả không nằm trong danh mục thì các biệt thự này vẫn phải quản lý. “Trong quá trình quản lý có sai sót do, quy trình, cách làm thiếu chặt chẽ. Để thanh tra tổng thể 312 biệt thự cần thời gian. Quan điểm của TP là thực hiện quyết liệt”, ông Khanh khẳng định.

Theo Giám đốc sở KH-CN Lê Xuân Rao, một đề tài có sản phẩm ra thương mại được như tàu hút bùn là nỗ lực lớn của các nhà khoa học. Đề tài này đã thực hiện hoàn theo đúng quy định. Trước câu hỏi tại sao tàu hút bùn được sáng chế và hoàn thành từ lâu nhưng chưa được đưa vào sử vì thiếu đơn giá định mức, việc chậm chễ này sẽ khó thu hút nhà khoa học sáng tạo hay do sản phẩm không đáp ứng thực tế, khi nào thì đưa tàu vận hành, Giám đốc Sở KH-CN trả lời: “Sản phẩm đã kiểm định hoàn toàn đáp ứng được thực tế. Để sử dụng vẫn phải có kế hoạch TP giao cho hoạt động ở đoạn, khúc sông nào và hoạt động theo kế hoạch về thoát nước”.

Ông Rao nhấn mạnh: “Có những kết quả nghiên cứu khoa học sau 10 năm mới đưa vào sử dụng. Vì vậy, với tàu hút bùn thì 4 năm chưa hoạt động cũng không phải là chậm”.

Ngay lập tức, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt phản biện: “Đây là “con đẻ” của Sở KH-CN, Sở phải thẳn thắng nhìn nhận điều này. Nhiều ý kiến cho rằng tàu này không ứng dụng được nhưng Sở vẫn khẳng định đây là sản phẩm thành công trong nghiên cứu. Vì vậy, Sở cần có thái độ thẳng thắn, trách nhiệm, cần cân nhắc kỹ hơn khi xem xét, đánh giá sản phẩm, cần có thái độ khách quan, đánh giá đúng”.

Ngọc Yến
.
.
.