Thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư:

Nên đánh giá kỹ, tránh làm khó cho người dân

Chủ Nhật, 04/10/2020, 07:45
Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đề xuất phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ, tránh làm khó cho dân.



Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng Đề án thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, đặc biệt là một số dự án có yêu cầu cấp bách. Bộ GTVT cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án 7, Thăng Long và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Chiến lược, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp hồ sơ dự án và chỉ đạo các đơn vị tư vấn dự án trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu về các dự án theo yêu cầu của Viện Chiến lược; Chỉ đạo các đơn vị tư vấn báo cáo bổ sung trong trường hợp thông tin dữ liệu dự án chưa đầy đủ, chưa đảm bảo theo yêu cầu của Viện Chiến lược.

Theo đó, 6 dự án cao tốc Bắc-Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đang phối hợp Bộ Tài chính để tính toán phương án thu phí các dự án sử dụng vốn ngân sách, sớm trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung và danh mục phí và lệ phí, tập trung trước tiên vào các dự án cao tốc do có lựa chọn cho người dân.

Tất cả các đường cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ bị thu phí? (Ảnh minh hoạ)

Đại diện Vụ PPP cho rằng, cao tốc là tuyến chạy tốc độ cao, chạy riêng và song song với các tuyến đường khác, nên người dân có quyền lựa chọn, để trả phí thì đi cao tốc, không thì đi Quốc lộ 1. Bộ GTVT sẽ xác định giá vé cho từng thời điểm, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, ở từng giai đoạn sẽ có bước nhảy và sẽ áp dụng theo đúng quy định của hợp đồng.

Liên quan đến mức thu phí ba đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây với tổng mức đầu tư gần 40.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đại diện Bộ GTVT cho biết, ba đoạn tuyến cao tốc này dự kiến hoàn thành vào năm 2023 đồng thời có tổ chức thu phí với mức từ 1.500-2.000 đồng/km. Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, phương tiện muốn lưu thông thì phải trả tiền, còn nếu không thì có thể lựa chọn để lưu thông tuyến đường khác, như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh.

Ở một khía cạnh khác, liên quan đến vấn đề thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã đề xuất quy định thu phí cao tốc trọn đời nhằm tạo ra phát triển đồng bộ, có kinh phí để hoàn thiện đường ở nơi khác.

Theo đó, sau khi tuyến cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT hoàn thành thu phí hoàn vốn sẽ được chuyển giao cho Nhà nước quản lý, khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí. Nguồn phí đó là để phục vụ cho việc quản lý, bảo trì. Còn nếu thu phí mà dư ra, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường mới, đó là lý do tại sao gọi là thu phí cao tốc trọn đời.

Do đó, việc tổ chức thu phí trước tiên là để điều tiết giao thông, để có nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ lưu thông trên tuyến đường thu phí đó và tiếp tục phát triển hệ thống đường bộ nói chung, trong đó có đường cao tốc. Dù tuyến đường đó được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp hay hình thức BOT đều phải thu phí để hoàn vốn.

Trước đề xuất thu phí trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có đánh giá kỹ để tính phương án tối ưu nhất. Điểm trừ của đề xuất này là cơ sở hạ tầng bao gồm cả đường cao tốc được xây dựng bằng tiền ngân sách, trong đó có tiền thuế của dân thì không có lý do gì người dân không được sử dụng. Trong khi đó, nếu giờ vẫn tiếp tục xây dựng đường cao tốc bằng tiền ngân sách mà bắt dân đóng thêm phí nữa thì họ phải đóng 2 lần cho một loại dịch vụ công mà họ phải được sử dụng.

Còn về điểm tích cực, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngân sách đang bị khó khăn, thâm hụt, thất thu thuế do nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Ngoài ra, chi phí công ngày càng nhiều nên đóng tiền sử dụng phương tiện công cộng là điều cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng công trình, sản phẩm công cộng mà người dân sử dụng. Tuy nhiên, giữa hai điểm tích cực và tiêu cực thì chúng ta cần chọn điểm nào vượt trội hơn.

Việc này cần sự nghiên cứu của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), phân tích quan điểm của Bộ GTVT là phí bảo trì đường bộ chỉ thu để bảo trì các đường quốc lộ, tỉnh lộ... nguồn thu hiện cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Các bộ muốn tăng thêm nguồn thu để đầu tư các tuyến mới, nên đưa ra đề án thu các tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư, đồng nghĩa phải bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Nhưng về phía người dân thì lý do đó không thực sự thuyết phục, vì đầu tư bằng ngân sách thực tế một phần trong đó cũng từ nguồn thuế của người dân. Các bộ nên ngồi lại cân đối khả năng chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, có thể tính tới khả năng xem xét giảm bớt phí bảo trì đường bộ hằng năm. Cần nghiên cứu cân bằng lợi ích thu thêm cho ngân sách, nhưng khoan thử sức dân.

Cao tốc nối Cao Bằng - Lạng Sơn giúp phát triển kinh tế cửa khẩu

Ngày 3-10, UBND tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả tổ chức lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối tuyến cao tốc vào TP Cao Bằng. Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tạo động lực lan tỏa cho các vùng kinh tế khác, việc sớm triển khai đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh là rất cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng đất nước. Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư được mời tham gia nghiên cứu dự án), tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả sẽ rút ngắn xuống còn 115km so với 144km theo quy hoạch (giảm 29km); tổng vốn đầu tư dự án sẽ được kéo giảm còn hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó là 47.520 tỷ đồng). Sau khi tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường di chuyển và thời gian đi lại từ Lạng Sơn đến Cao Bằng chỉ còn khoảng hơn 1 giờ so với 3 giờ như hiện nay. Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình PPP, loại hợp đồng BOT, UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Dự án được thiết kế quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. (Phạm Huyền)

Đặng Nhật
.
.
.