Không quy định chặt chẽ, kiểm toán sẽ thành ‘con ngáo ộp’

Thứ Ba, 26/05/2015, 14:42
Sáng 26/5, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Một số đại biểu đặt vấn đề về trách nhiệm của kiểm toán.

Góp ý về dự thảo này, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng chưa tương xứng với nhiệm vụ mà Kiểm toán Nhà nước được giao! “Kiểm toán 1 đơn vị nhưng mấy hôm sau họ bị bắt, hoặc một đơn vị trên sàn chứng khoán đổ sập thì kiểm toán chịu trách nhiệm đến đâu? Như Công ty xổ số Lâm Đồng năm nào cũng kiểm toán, công an vào thì bảo là làm sai. Nếu bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm hay không? Phải nói rõ điều này. Tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu kĩ vấn đề này để quy trách nhiệm cho kiểm toán.

Nếu quyền hạn họ lớn thì phải gắn với trách nhiệm. Nếu người ta làm sai, anh bảo đúng thì đến lúc người ta đi tù, anh phải là đồng phạm. Phải quy rõ trách nhiệm của Kiểm toán. Về phạm vi kiểm toán, đại biểu Thuyền nhất trí với phương án DN nhà nước sở hữu trên 50% vốn thì do KTNN thực hiện, còn DN dưới 50% vốn Nhà nước thì KT độc lập làm.

Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng trong kỳ họp này (Ảnh TTXVN)

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) “cũng đồng tình là cần phải làm rõ trách nhiệm của KT. Dự thảo luật chưa rõ điều này”. Đại biểu Lê Nam cho rằng, “tố tụng dù đi đúng quy trình mà vẫn có oan sai, vì thế đừng kì vọng rằng mọi kết quả kiểm toán đều đúng. Quan trọng là xử lý vấn đề này như thế nào? Phải có người ở trên có điều kiện giúp kiểm toán đánh giá xem xét lại. Nếu bắt buộc thi hành thì (đối tượng bị kiểm toán) có quyền khiếu nại, tố cáo hay không? Đối với Tổng Kiểm toán thì tố cáo với ai, ra tòa, lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay với ai để giải quyết các vấn đề oan, chưa thỏa đáng?”

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, dẫn ví dụ trên 10 đoàn thanh tra vào Vinalines, Vinashin mà không phát hiện thấy gì, sau khi cơ quan công an vào cuộc rồi phát hiện những sai phạm rất nghiêm trọng thì trách nhiệm của KTNN như thế nào phải làm cho rõ! Nếu không quy định chặt chẽ, kiểm toán sẽ trở thành “con ngáo ộp”, đi đến đâu người ta rất sợ.

Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cho rằng phải xác định báo cáo kiểm toán có phải là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại hay không? Nhiều vụ án kinh tế tốn nhiều thời gian giám định về thiệt hại kinh tế, thì kết luận kiểm toán có thể xem là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự hay không?

Nếu không thì cơ quan công an vẫn phải trưng cầu giám định, rất mất thời gian. KTNN có đủ địa vị pháp lý để xem xét tính chính xác của báo cáo. Như vậy, họ cũng phải chịu trách nhiệm với kết luận của mình. Vì thế tôi kiến nghị nên đưa thêm ý khi xét thấy cần thiết thì thêm vào điều khoản này trong luật.

Vũ Hân
.
.
.