Chính sách phải khả thi, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân

Thứ Năm, 31/01/2019, 10:01
Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao sau khi thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015, nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tại chương trình “Chia sẻ tầm nhìn 2019” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 30-1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao sau khi thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015, nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam đã xây dựng các tiếp cận đúng đắn, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, tạo nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp giữa hỗ trợ của nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ những phân biệt trong xã hội; tạo điều kiện để mọi người được hưởng lợi công bằng từ thành quả kinh tế.

“Việt Nam được xem như là một quốc gia hình mẫu thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đạt kết quả ấn tượng hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn, tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục, từ 58,1% vào năm 1993 (tương đương trên 40 triệu người nghèo) xuống còn 5,35% vào năm 2018 (tương đương gần 5 triệu người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều).

Đã có hàng chục triệu người thoát nghèo trong gần 30 năm qua. Đạt được kết quả này là nhờ có sự chung tay của Nhà nước, của toàn dân, và nhất là nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng ý chí, quyết tâm của chính những người nghèo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, số lượng người thiệt thòi, yếu thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Trong số đó, phải kể đến 30,3 nghìn trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trên 1,5 triệu người cao tuổi; trên 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; gần 98 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo… được nhận trợ giúp xã hội.

Điều đó có nghĩa, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, chúng ta còn phải đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội, hướng tới mục tiêu lớn là phát triển xã hội công bằng và hòa nhập, thực hiện thành công chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 với đường lối chủ yếu là lấy con người làm trọng tâm của phát triển, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Lưu Hiệp
.
.
.