Xử lý trách nhiệm 18 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Thứ Năm, 23/07/2015, 16:40
Ngày 23/7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp báo kết quả công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm liên quan đến công tác thanh tra, khiếu nại tổ cáo và phòng chống tham nhũng. Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh chủ trì cuộc họp báo.

6 tháng đầu năm, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 11.298,6 tỷ đồng, 655,9 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593,5 tỷ đồng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 32 đối tượng. Về kết quả công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương, bộ ngành, đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 8.649 cán bộ, công chức, viên chức; xem xét, xử lý trách nhiệm 18 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh chủ trì cuộc họp báo.

Một trong những vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm là việc thu hồi tài sản tham nhũng lên tới 400 tỷ của Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng của Vinashin vừa bị bắt giữ. Ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó cục Phòng chống tham nhũng TTCP đánh giá: “Có việc Giang Kim Đạt sở hữu tài sản ở nước ngoài. Việt Nam có cơ chế tương trợ tư pháp ký kết với Singapore nên việc thu hồi tài sản thuận lợi hơn. Mới đây cơ quan chống tham nhũng Singapore đã có trao đổi với Chính phủ về vấn đề này”.  

Trước câu hỏi các nhà báo đặt ra về việc bổ nhiệm chức danh ở các tập đoàn kinh tế Nhà nước gây dư luận không hay thời gian qua, ví dụ như Vinalines, Tập đoàn Dầu khí. Ông Ngô Văn Khánh cho biết: “Theo quy định quản lý cán bộ, trong đó có câu chuyện đề bạt bổ nhiệm. Bất kỳ ở vị trí nào thì việc bổ nhiệm theo quy trình chặt chẽ. Nhưng với chức năng của ngành thanh tra, chúng tôi thường xuyên được hỏi, lấy ý kiến khi bổ nhiệm các cán bộ, xem có liên quan đến sai phạm phát hiện trong hoạt động thanh tra, đơn thư tố cáo. Không phải lúc nào chúng ta cũng phát hiện được sai phạm trước khi bổ nhiệm. Đây là bài học chung cho các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, bổ nhiệm cán bộ”.

6 tháng cuối năm TTCP sẽ thanh tra theo kế hoạch, tập trung vào các doanh nghiệp, đơn vị như: Tập đoàn than Khoáng sản, Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Hải quan, Ngân Hàng Nhà nước, Bộ Giáo dục và đào tạo, tỉnh Hoà Bình, Đắk Lắk... Các lĩnh vực nhạy cảm dễ sai phạm, TTCP sẽ thanh tra khi phát hiện sai phạm đột xuất. Lĩnh vực nhạy cảm theo TTCP là quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu…Tại các bộ ngành thì thanh tra trực tiếp quản lý sử dụng vốn, đầu tư cơ bản, quản lý sử dụng vốn ODA.

Một cán bộ thanh tra bị tạm giữ

Cũng tại cuộc họp báo định kỳ quý II, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ xác nhận có một cán bộ thanh tra liên quan đến vụ án hình sự nhưng chưa có văn bản chính thức của cơ quan công an. Cụ thể, ngày 8/7, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội cử người đến TTCP làm việc về nội dung liên quan đến ông Nguyễn Tiến Dũng, đang công tác tại phòng Tổng hợp, Cục 1 TTCP. Ông Dũng liên quan đến vụ án cơ quan Công an Hà Nội điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở quận Cầu Giấy, không liên quan đến hoạt động công vụ. Hiện ông Dũng đang bị tạm giữ tại Công an Hà Nội để phục vụ điều tra. Cũng trong ngày 8/7, Tổng TTCP quyết định tạm đình chỉ công tác ông Dũng để phục vụ điều tra.

Việt Hà
.
.
.