Hà Nội khẳng định, dự án số 8b Lê Trực được cấp phép đúng quy trình

Thứ Năm, 01/10/2015, 10:19
Phó Chủ tịch UBNTP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký văn bản gửi Thủ tướng CP, trình bày lý về việc cấp phép cho xây một toà nhà số 8b Lê Trực gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Theo Phó Chủ tịch UBN TP Nguyễn Quốc Hùng, về vị trí và nguồn gốc khu đất, Hà Nội nêu rõ địa chỉ số 8B Lê Trực phía Bắc giáp đường Trần Phú kéo dài, phía Tây và Nam giáp khu dân cư - không nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013.

Khu đất hơn 5.900 m2 này có nguồn gốc là đất sản xuất do Công ty May Chiến Thắng quản lý, sử dụng từ năm 1968, trong đó diện tích được chuyển mục đích xây dựng công trình là gần 3.800m2 (sau khi nhà nước lấy hơn 1.900m2 để mở đường Trần Phú kéo dài).

Ông Hùng cho biết, năm 2007, Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chuyển mục đích sử dụng phần đất nằm ngoài phạm vi mở đường để lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở bán và cho thuê. Đến ngày 14/11/2013, UBND TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư  (GCNĐT) số 01121001662 cho Nhà đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực thực hiện dự án.

Lãnh đạo UBND TP lý giải, theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020, khu vực này được xác định là đất dân dụng hiện trạng. Theo Quy hoạch chi tiết trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương tỷ lệ 1/500 (được Hà Nội phê duyệt năm 1998) và Quy hoạch chi tiết quận Ba Đình tỷ lệ 1/2000, khu đất này được xác định chức năng đất ở, có một phần nằm trong đất mở đường theo quy hoạch.

Quá trình giải quyết thủ tục cấp GCNĐT đã được thực hiện theo đúng quy trình. Theo GCNĐT đã cấp, dự án có tiến độ thực hiện từ 2014-2017. Hiện nay dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nằm trong tiến độ ghi tại Giấy chứng nhận đầu tư.

UBND cũng cho biết, quy hoạch chi tiết trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương tỷ lệ 1/500 năm 1998, khu đất dự án thuộc ô quy hoạch ký hiệu L30 có chức năng nhà ở chung cư. Đến năm 2008, khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch trục đường này, ô đất L30 (8B Lê Trực) có chức năng là trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê; MĐXD 64%; cao 4-17 tầng.

Năm 2009, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã chấp thuận Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án với chỉ tiêu MĐXD 64% gồm: Khu nhà thấp tầng (4 tầng không tính tầng bán hầm và áp mái) và khối công trình hỗn hợp TTTM, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê (cao 17 tầng, giật cấp từ phía Lê Trực đến phía Kim Mã).  

Giải thích việc dự án có một thời gian ngừng triển khai trong thời gian nghiên cứu làm quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của CP, “yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu trung tâm” nhận được năm 2010.

Rà soát các dự án nhà cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố, Hà Nội xác định, dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực thuộc nhóm công trình cao tầng loại II - Đề xuất cho phép tiếp tục triển khai nhưng phải điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng đang được nghiên cứu”, văn bản nêu.

Dự án 8B Lê Trực đang khiến dư luận quan tâm.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP cũng giải thích việc không sử dụng khu đất xây trường học do đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát quy hoạch, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn xây dựng trường học do nhân dân muốn xây trong khu vực, nhận thấy hình dáng khu đất có chiều rộng hẹp bởi đường quy hoạch cắt ngang, không đủ điều kiện bố trí trường học theo Tiêu chuẩn, nên UBND TP đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận Ba Đình bố trí vị trí đất xây dựng trường học mới tại 67 Cửa Bắc để phục vụ học sinh 2 phường Điện Biên và Quán Thánh. Hiện nay Trường học đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng.

Tháng 4/2013, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhận được đơn của Cty CP may Lê Trực xin được tiếp tục dự án xây cao ốc vì “nếu phải phê duyệt lại sẽ dẫn đến dự án tiếp tục chậm thêm 2-3 năm nữa sẽ đẩy các cổ đông, gần 400 cán bộ công nhân viên tại Công ty cổ phần may Lê trực đến thua lỗ và lâm vào cảnh khốn cùng”.

Tiếp đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiểm tra, rà soát lại quy hoạch, giữ nguyên phương án quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình; giảm chiều cao công trình theo Quy hoạch chung Hà Nội và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình (chiều cao tối đa bằng công trình Nhà làm việc Quốc hội).

Ngày 12/7/2013, lãnh đạo TP báo cáo Thủ tướng xin cho dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực được tiếp tục triển khai. Chỉ tiêu xây dựng có điều chỉnh mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44m (thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận ngày 16/3/2009).

Bộ Xây dựng cũng thống nhất với đề nghị của Hà Nội cho phép tiếp tục dự án cao tốc tại số 8B Lê Trực theo phương án 2 (chủ đầu tư đề xuất) là thiết kế toà nhà dạng giật cấp, cấp công trình thứ nhất phía Lê Trực có tầng cao 15 tầng với chiều cao là 44m, cấp công trình thứ 2 có khoảng lùi 15-17m về hướng Tây cao 50m, trên mái có tum thang kết hợp tầng kỹ thuật đến đỉnh tum thang cao 53m, mật độ xây dựng giữ nguyên 64%.

Như vậy, Theo UBND TP Hà Nội Quy hoạch kiến trúc của Dự án đã phù hợp định hướng Quy hoạch chung Thủ đô. Phương án thiết kế cấp Giấy phép xây dựng phù hợp với Bản vẽ tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội chấp thuận kèm theo công văn số 3546 ngày 24/10/2013.

Chi Linh
.
.
.