Vì sao lãi suất huy động giảm nhanh, lãi suất cho vay vẫn giảm chậm?

Thứ Bảy, 25/03/2023, 07:59

Cử tri tỉnh Quảng Bình phản ánh: Qua quá trình thực tế cho thấy, khi có chủ trương giảm lãi suất tiền gửi thì ngay sau đó đồng loạt các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi, kể cả những người đã gửi trước và người gửi sau. Tuy nhiên, khi có chủ trương giảm lãi suất tiền vay thì các ngân hàng lại kéo dài thời gian rất lâu mới thực hiện giảm cho đối tượng vay trong thời điểm đó, còn đối tượng vay trước thì không được giảm.

Cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giải thích và chỉ đạo giải quyết bất cập nói trên nhằm đảm bảo công bằng cho khách hàng của hệ thống ngân hàng.

Trả lời cử tri, NHNN cho biết, đối với lãi suất tiền gửi, theo quy định hiện hành, NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 6 tháng bằng VND và việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi cụ thể là do tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét quyết định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, tình hình hoạt động của TCTD. Lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường 2. Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc TCTD điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, thì khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết về lãi suất cho đến ngày đến hạn khoản tiền gửi. Đối với lãi suất cho vay, theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Vì sao lãi suất huy động giảm nhanh, lãi suất cho vay vẫn giảm chậm? -0
Lãi suất huy động hầu hết xuống dưới 9%/năm.

Tương tự như lãi suất tiền gửi, trường hợp TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà TCTD và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì TCTD tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng. Hiện, NHNN đang quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (ở mức 5,5%/năm) của TCTD đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong một diễn biến có liên quan, lãi suất huy động trên thị trường dân cư đã có bước giảm mạnh. Mức lãi suất 9% trở nên hiếm hoi hơn với chỉ vài ngân hàng như SCB, Ocean Bank. Các ngân hàng có mức lãi suất 8,8 - 8,9%/năm như: Bao Viet Bank, Kienlongbank, VietCapitalBank… Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) vẫn là các ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường với mức tối đa áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng tại quầy chỉ còn 7,2%/năm.

Cũng giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Cụ thể, theo công bố mới nhất của NHNN, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 - 95% giá trị giao dịch) trong phiên 21/3 đã giảm mạnh, chỉ còn 2,05% từ mức 3,4% vào ngày 17/3 và 2,7% vào ngày 20/3. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất kể từ tháng 8/2022 và thấp hơn rất nhiều so với mức 7,88%/năm thiết lập hồi đầu tháng 10/2022. Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng giảm mạnh xuống còn lần lượt 2,61%/năm, 3,37%/năm và 4,76%/năm. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt nhanh chóng, với mức giảm lên tới khoảng 50% so với đầu tháng 3. Đặc biệt, sau khi NHNN quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3 với mức giảm 0,5 - 1%/năm thì lãi suất trên thị trường này càng giảm nhanh.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc giảm lãi suất điều hành đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các TCTD trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; qua đó, giúp các TCTD có điều kiện giảm các loại lãi suất trên thị trường.

"Động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra", TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV nhận định.

H.A
.
.
.