U22 Việt Nam – U22 Myanmar:

Tấm huy chương nào cũng đáng quý

Thứ Ba, 16/05/2023, 06:23

Vào lúc 16h00 ngày 16/5, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ đối đầu U22 Myanmar trong trận tranh huy chương đồng bóng đá nam SEA Games 32. Với thầy trò ông Troussier lúc này, tấm huy chương nào cũng đáng quý.

Đội tuyển U22 Việt Nam đã khá suy sụp sau trận thua U22 Indonesia ở bán kết. Bởi lẽ, thầy trò huấn luyện viên Troussier bước vào giải đấu với tâm thế là đương kim vô địch, nhận được nhiều kỳ vọng. Và bởi cách mà U22 Việt Nam thua ở một khoảnh khắc nào đó được xem là đáng trách. Chúng ta thi đấu hơn người với đối phương nhưng lại để thủng lưới phút bù giờ đầy nghiệt ngã.

Và như cách nói của huấn luyện viên Troussier thì: “Bàn thua phút cuối xảy đến vì đội hình non trẻ, gồm nhiều cầu thủ U20. Họ chưa đủ bản lĩnh cũng như kinh nghiệm để đưa ra quyết định chính xác vào thời điểm quan trọng”.

Sau trận đấu, thầy trò ông Troussier nhận nhiều sự chỉ trích từ khán giả và những mổ xẻ từ giới chuyên môn. Ở góc độ nào đó, điều này sẽ gây áp lực lớn với các cầu thủ trẻ. Nhưng đấy cũng là điều cần thiết để các cầu thủ đứng lên sau thất bại. Lúc này, U22 Việt Nam đứng trước việc phải giành huy chương vàng vì danh dự.

Tấm huy chương nào cũng đáng quý -0
Huấn luyện viên Troussier muốn các học trò đứng lên từ thất bại. Ảnh: VFF

Trong buổi tập hồi phục ngày 14/5 của U22 Việt Nam, không khí của toàn đội đã được trang chủ VFF miêu tả: “Không khí trong phòng tập khá trầm lắng, hầu như chỉ có tiếng động cơ của máy chạy bộ và tiếng thở dốc của các cầu thủ sau mỗi bài tập nặng. Mồ hôi túa ra trên những gương mặt trẻ, những chiếc áo ướt đẫm dính vào cơ thể. Duy chỉ có đôi mắt vẫn ẩn chứa sự kiên cường, có gì đó chịu đựng nhưng vẫn cho thấy quyết tâm với tinh thần không từ bỏ”.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã đến trực tiếp đại bản doanh và động viên các cầu thủ: “Hãy mạnh mẽ lên các con, phía trước chúng ta vẫn còn trận đấu nữa. Tấm huy chương nào cũng đáng quý và đáng trân trọng, đều là mồ hôi và thậm chí cả nước mắt. Tập trung trở lại. Cố gắng lên nào!”. Đây cũng là thông điệp được huấn luyện viên Troussier truyền đến các cầu thủ.

Với U22 Việt Nam, đây là thời điểm mà tấm huy chương nào cũng đáng quý. Các cầu thủ còn trẻ, ít kinh nghiệm nên lúc này, việc giành được ít nhất một tấm huy chương đồng cũng có ý nghĩa lớn. Nó là động lực để các cầu thủ đứng lên sau thất bại. Hơn nữa, đây cũng là lúc để rèn cho các cầu thủ tinh thần không bỏ cuộc.

Nhìn vào màn trình diễn của U22 Myanmar ở giải đấu này, đây không phải đối thủ quá mạnh. Thế nhưng, bước vào trận tranh huy chương đồng, nếu U22 Việt Nam không xốc lại tinh thần, rất có thể chúng ta sẽ khó có thế trận tốt. Nhìn lại loạt trận ở vòng đấu bảng có thể thấy, vấn đề lớn nhất mà ông Troussier chưa giải quyết triệt để chính là tâm lý. Cả hành trình ở SEA Games 32, U22 Việt Nam và cả huấn luyện viên Troussier vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề. Nhưng nhìn tích cực, đây là bước khởi đầu nan mà ông thầy người Pháp cần rút ra những bài học về sau.

Có một điểm đáng chú ý, ông Troussier giải thích thẳng thắn về nguyên nhân thất bại, chỉ ra những hạn chế của các cầu thủ nhưng không phải để trách họ. Điều ông Troussier mong muốn chính là việc các học trò coi đây là bài học đầu tiên để hướng đến tương lai. Chính ông cũng đã đúc rút rằng: “Qua đây, tôi có thể nhận xét rằng thế hệ này rất tiềm năng dù nhiều người cho là không tốt và dành nhiều chỉ trích. Tôi nhớ khi tôi nhận nhiệm vụ, những cầu thủ này từng thua cả U19 Campuchia tại giải Đông Nam Á. Nhưng tôi không hối tiếc khi đón nhận họ. Thế hệ này không có nhiều cá nhân nổi bật, nhưng tôi tin với cách huấn luyện hợp lý, họ có thể có tương lai tốt hơn”.

Huấn luyện viên nhận nhiệm vụ nhưng không được thừa hưởng một thế hệ cầu thủ chất lượng, tinh nhuệ như thời ông Park. Những gì U22 Việt Nam đã làm được đến thời điểm này công tâm đánh giá là đáng ghi nhận. Tấm huy chương đồng sẽ là hướng mở cho những vấn đề đó. Bởi ai cũng hiểu rằng, thêm một thất bại, có thể chính ông Troussier và các cầu thủ sẽ là nạn nhân của chỉ trích. Điều đó có thể làm nhụt ý chí của những cầu thủ trẻ ở các giải đấu tiếp.

“Tất cả đều hiểu rằng, bây giờ không phải là lúc để buồn phiền, phải đứng dậy và dũng cảm đối đầu với những áp lực, biến nó thành động lực để giành chiến thắng trong trận đấu tới”, trích từ VFF. Tấm huy chương đồng lúc này là đáng quý.

U22 Việt Nam và duyên nợ với U22 Myanmar

Tại bán kết, nếu như thầy trò huấn luyện viên Troussier thất bại 2-3 trước U22 Indonesia, thì U22 Myanmar để thua 0-3 trước U22 Thái Lan. Dù có sự tiến bộ trong lối chơi sau các lượt trận vòng bảng, nhưng sự nóng vội và thiếu bản lĩnh đã khiến U22 Việt Nam thua đau ở những phút bù giờ cuối cùng. Trước mắt, U22 Việt Nam vẫn còn 1 trận đấu nữa.

Không thể bảo vệ tấm huy chương vàng SEA Games, đoàn quân của huấn luyện viên Troussier vẫn còn nhiệm vụ cuối cùng là giành huy chương đồng tại kì đại hội năm nay. Phía bên kia, U22 Myanmar cũng cho thấy quyết tâm lớn tại SEA Games 32. Dù thầy trò của huấn luyện viên Michael Feichtenbeiner không được đánh giá quá cao từ trước khi giải đấu khởi tranh, nhưng việc họ góp mặt ở bán kết là một thành công lớn của đội bóng này. Về lịch sử đối đầu cấp độ U23, trong 4 lần chạm trán U23 Myanmar tại Đại hội thể thao Đông Nam Á, U23 Việt Nam có 1 trận thắng, 1 trận hòa và 2 trận thua.

Tại SEA Games 28 (2015), U23 Việt Nam phải nhận thất bại đáng tiếc trước U23 Myanmar. Với lứa cầu thủ chất lượng như Công Phượng, Mạc Hồng Quân, Bùi Tiến Dũng, Võ Huy Toàn, U23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem về tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên cho bóng đá Việt Nam. Lần gần nhất tại SEA Games 31, U23 Việt Nam đánh bại U23 Myanmar 1-0 ở vòng bảng.

Hưng Hà
.
.
.