Đối tác ngoại nhưng sẽ nhiều thử thách!

Thứ Hai, 11/01/2016, 09:14
Thể thao Việt Nam đang có liên tiếp những mối liên kết đối tác chiến lược với các thương hiệu thể thao ở bên ngoài. Bóng đá là môn đang đi đầu về điều ấy. Một số môn thể thao khác cũng manh nha nhưng họ mới chỉ ở cấp đội tuyển (theo mối quan hệ từ Tổng cục TDTT). Có giao lưu, ai cũng muốn là có cơ hội để phát triển tốt hơn.


Bóng đá khôn khéo

Mới nhất, Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác cùng đội bóng Lyon (Pháp). Viễn cảnh mở ra trước mắt đấy là bóng đá TP Hồ Chí Minh sẽ được lợi thế từ đào tạo cầu thủ, HLV ở đối tác của mình. Phía còn lại, CLB của nước Pháp thêm cơ hội mở rộng thị trường quảng bá hình ảnh tại Đông Nam Á (vùng đất vốn có nhiều CĐV thích các đội bóng giải Ngoại hạng Anh). Cách đây chưa lâu, đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp tác toàn diện với CLB Yokohama (Nhật Bản).

Câu chuyện cầu thủ Nguyễn Tuấn Anh tới Yokohama thi đấu (tại giải J.League 2 ở Nhật Bản) và đổi lại đội bóng này đưa một cầu thủ khác đến Hoàng Anh Gia Lai là sự khởi đầu của hợp tác ấy. Chắc chắn trong thời gian không xa, mỗi khi những đội bóng của bóng đá TP Hồ Chí Minh xuất hiện và Hoàng Anh Gia Lai đi thi đấu tại đâu thì những bảng hiệu phía sau họ sẽ có logo gắn kết cùng các đối tác nước ngoài trên. Đấy là chiến lược phát triển cần thiết của bóng đá hiện đại. Trên thế giới, rất nhiều thương hiệu mạnh đã hợp tác như vậy và tạo được thành công.

Thị trường đôi bên mở rộng hơn, người được lợi là cầu thủ và HLV do có cơ hội tiếp cận với nền thể thao tốt hơn Việt Nam để học hỏi. Trong khi đó, các ông chủ tạo dựng được thương hiệu và ký kết hợp đồng trong tài chính đã và đang hiển hiện. Doanh nghiệp quản lý CLB Hoàng Anh Gia Lai thành công về điều ấy (ít nhất đến lúc này) khi ngoài các đối tác ở Nhật Bản, Hàn Quốc thì họ còn là nơi song hành với CLB Arsenal (Anh).

Bóng đá là môn đầu tiên của thể thao Việt Nam có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Giai đoạn đầu những năm 2000, tiền đạo Lê Huỳnh Đức được tới CLB Lifan (Trung Quốc) mở màn trào lưu xuất ngoại về sau. Huỳnh Đức ra nước ngoài khi đó được biết rõ mười mươi là hợp đồng trao đổi thương hiệu đối tác đôi bên và không mang nhiều ý nghĩa về chuyên môn. Khi đó, thị trường xe gắn máy Việt Nam đang nở rộ các thương hiệu Trung Quốc. Dù vậy, tại Trung Quốc, cựu tiền đạo này cũng ghi được bàn thắng trong số lần ít ỏi ra sân. Thế nhưng, đấy được xem là khoảng thời gian mà một cầu thủ nổi tiếng như Lê Huỳnh Đức (lúc đó) không hài lòng. Anh thật sự muốn được ra sân thi đấu nhiều thay vì chỉ ngồi trên ghế dự bị. Lê Công Vinh trong giai đoạn ra nước ngoài đá bóng tại Bồ Đào Nha và Nhật Bản cũng thể hiện khát khao như vậy.

“Du học” không dễ nên cầu thủ phải nỗ lực dù đó là chuyến đi của thương hiệu kinh tế. Lúc Công Vinh trở về từ Nhật Bản, tiền đạo này không ít lần chia sẻ, phía đội bóng bạn tiếp tục muốn ký kết hợp đồng cùng mình. Vinh khước từ và lựa chọn ở lại Việt Nam. Ai cũng biết, đấy là cái khôn khéo của Vinh. Bởi vì, ở đội bóng quốc nội, anh có chỗ đứng chính trong đội hình, đồng thời thu nhập không thấp nên chẳng tội gì tiếp tục du đấu tiếp.

Đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đã có đối tác toàn diện tại Nhật Bản.

Không phải cứ ra nước ngoài là mê

Chuyện một CLB trực tiếp ký kết song hành thương thiệu với một CLB khác ở nước ngoài mới chỉ đang diễn ra tại bóng đá. Trong các môn thể thao khác, chưa môn nào làm được điều này. Tổng cục TDTT đã thực hiện nhiều hợp tác trao đổi và thống nhất hỗ trợ nhau về thể thao cùng nhiều đơn vị thể thao ở nước ngoài. Trường hợp Hoàng Quý Phước (bơi) được tập huấn tại Nhật Bản nằm trong một trong những chương trình hợp tác. 

Khi Quý Phước nằng nặc đòi kết thúc tập tại Nhật Bản vì đau lưng và điều kiện tập không đảm bảo với mình, đối tác Nhật Bản trực tiếp sang Việt Nam giải thích với lãnh đạo Tổng cục TDTT và đề xuất phương án mới. Trên cơ sở khoa học và phân tích, nhiều người biết, đợt tập luyện ấy là không sai khoa học mà do VĐV chưa đáp ứng tốt đúng về thể lực. Dù vậy, Phước vẫn quyết không trở lại Nhật Bản nữa.

Chương trình hợp tác thể thao là yếu tố tạo điều kiện để Tổng cục TDTT cử môn cử tạ sang Hungary tập huấn (các năm 2014, 2015). Thực tế, khi trở về, các thành viên đội tuyển cử tạ đều giãi bày tập ở Hungary không phải nơi phù hợp nhất. Tuyển thủ Thạch Kim Tuấn nói lên sự thật chua chát rằng phòng tập ở Hungary còn thiếu thiết bị và không tốt như tập tại TP Hồ Chí Minh. Ra nước ngoài tập, các thành viên đội cử tạ Việt Nam mong muốn có cơ hội tích lũy và học hỏi thêm ở nước bạn. Do họ yếu hơn mình và nơi tập không đầy đủ thì đấy chỉ là thay về địa điểm (không ở Việt Nam mà sang Hungary), còn cách tập vẫn là thầy trò nội tự đóng cửa tập, huấn luyện cho nhau.

Không có đối tác truyền thống thì vẫn chỉ như dò đường

Một HLV trong môn bóng chuyền từng chia sẻ như vậy. Nếu các đội bóng chuyền Việt Nam tạo được mối quan hệ và song hành phát triển cùng một đối tác ở bên ngoài (có thể chỉ là Indonesia, Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á), chúng ta ít cơ hội học hỏi từ đối thủ. Rất nhiều năm qua, bóng chuyền Thái Lan, Indonesia hơn hẳn Việt Nam (về nam), còn Thái Lan trên ta một bậc (về nữ). Tuy vậy, để tìm các đội bóng làm đối tác toàn diện thì chưa CLB nào nghĩ đến. Muốn liên hệ với những đội bóng ở nước ngoài, các đội bóng tại Việt Nam thường phải nhờ qua mối quen tại Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Nếu tự tin và có năng lực ngoại ngữ tốt. tự quản lý một đội bóng hoàn toàn có thể trực tiếp liên lạc với đối tác mà không cần phải mất nhiều khâu cầu nối. Vì thế, chưa có đối tác truyền thống xuyên suốt nên các đội ở Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ biết tới môi trường quốc nội và đang trong giai đoạn quá độ dò dẫm tìm đường quen biết với bên ngoài.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.