Thư SEA Games: Tạm biệt người Mã!

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:53
Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn. SEA Games 29 kết thúc sau 11 ngày tranh tài. Nhiều người sẽ nhớ Malaysia, dù kỳ đại hội lớn nhất khu vực diễn ra không đẹp như kỳ vọng.


Với sự loang lổ từ trước khi SEA Games 29 diễn ra cho đến tận những ngày cuối cùng, chủ nhà Malaysia sẽ khó để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt bạn bè khu vực.

Những anh bạn phóng viên nước ngoài cùng các đồng nghiệp của tôi đều có chung nhận định là Malaysia đã quá tham cầu thành tích nên lỡ mất cơ hội lớn quảng bá hình ảnh, cùng văn hóa đất nước này. Có lẽ không cần kể quá nhiều về các câu chuyện gần như đã cũ khi mỗi ngày đều xuất hiện trên mặt báo về việc chủ nhà Malaysia xấu chơi, trọng tài thiên vị VĐV chủ nhà…

Và đâu chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines… mà ngay cả một tờ báo Malaysia cũng lên tiếng về điều này. Tờ Free Malaysia Today đã viết một bài với tiêu đề: “Malaysia đã mất cơ hội gây ấn tượng tốt đẹp”.

Tham vọng độc bá ngôi nhất toàn đoàn SEA Games 29 là điều đáng tiếc nhất với Malaysia ở SEA Games 29. Dù nước chủ nhà có mọi yếu tố để có thể cho thấy sự hiếu khách lẫn các giá trị văn hóa.

Ánh Viên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông nước ngoài.

Ở Malaysia, tôi cảm nhận được nhiều thứ rất đặc biệt mà khó có nơi nào có được. Từ khí hậu đến cuộc sống sinh hoạt của người dân luôn mang đến một cảm giác dễ chịu, nhất là tôi phải chịu cảnh kẹt xe mỗi ngày ở Việt Nam. Điều đầu tiên dễ nhận ra là Malaysia có một mạng lưới giao thông hiện đại với nhiều con đường cao tốc rộng thênh thang. Nhưng cũng rất đặc biệt khi hai bên đường có rất nhiều cây xanh bao bọc.

Càng thú vị hơn khi những chiếc giỏ của các VĐV giành HCV đều có một cây xanh. Nhưng tất cả chỉ tượng trưng khi VĐV không được mang về, vì cây xanh ấy sẽ mang tên của người nhận huy chương để được trồng tại công viên viên thể thao Kuala Lumpur.

Tôi cho rằng đó là một ý tưởng quá tuyệt vời. Khi điều ấy giúp cho nhiều người hiểu hơn về lợi ích của việc trồng cây xanh, và thật ý nghĩa khi các cây xanh được mang tên những nhà vô địch SEA Games 29.

Những ngày ở Malaysia, tôi thường đến tác nghiệp nhiều nhất là khu liên hợp thể thao Bukit Jalil. Một công trình tầm cỡ châu Á với một sân bóng đá hiện đại lên đến hơn 100.000 chỗ ngồi, có nhiều nhà thi đấu như bơi lội, cầu lông… 

Ở Bukit Jalil, tôi cảm nhận được bầu không khí SEA Games theo cách riêng của người Malaysia. Mọi thứ được tổ chức ổn định, canh gác nghiêm ngặt nhưng không làm phiền đến các cổ động viên. Các con đường trong Bukit Jalil được bày bán nhiều thứ phục vụ cho người hâm mộ. Và ngạc nhiên, nhiều ngày trôi qua đến tận lễ bế mạc thì tôi chưa nghe một tiếng tranh cãi hay xô xát như thường bắt gặp ở trước các sân bóng ở Việt Nam.

Và trong lá thư cuối cùng về SEA Games 29 thì tôi cũng không thể bỏ qua những ấn tượng của thể thao Việt Nam ở Malaysia trong 11 ngày tranh tài quyết liệt. Tôi tự hào là được “thơm lây” nhờ Ánh Viên. Kình ngư người Cần Thơ đã nhận được sự quan tâm từ truyền thông nước ngoài đến mức một vài đồng nghiệp hỏi tôi: “Tại sao Việt Nam có thể sản sinh ra một VĐV xuất chúng như Ánh Viên?”.

Và không chỉ có Ánh Viên mà còn rất nhiều cái tên khác gây ấn tượng mạnh ở SEA Games 29. Đó là Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, Thanh Tùng… cùng nhiều VĐV khác đã chiến đấu hết mình cho sự thành công của thể thao Việt Nam.

SEA Games 29 chắc chắn chưa được trọn vẹn như kỳ vọng. Nhưng sau hôm nay thì mọi chuyện rồi sẽ phai dần khi tất cả chính thức nói lời tạm biệt Malaysia. Hẹn gặp nhau ở Philippines – nơi tổ chức SEA Games 30 với hy vọng sẽ ấn tượng hơn người Mã.

Báo Malaysia chỉ trích công tác tổ chức SEA Games 29

Sau 11 ngày thi đấu chính thức, SEA Games 29 khép lại bằng một lễ bế mạc rực rỡ sắc màu vào vào tối 30-8. Đúng như dự đoán, chủ nhà Malaysia đã giành ngôi nhất tuyệt đối toàn đoàn.

Tuy nhiên, thay vì đưa tin về lễ bế mạc hay dành lời ca ngợi cho thành tích đột phá mà Malaysia đạt được, báo giới Đông Nam Á, thậm chí của cả Malaysia lại mổ xẻ những vấn đề tiêu cực tồn tại ở kì đại hội vừa qua. 

Free Malaysia Today - một tờ báo nổi tiếng Malaysia có bài viết khá dài với tựa đề “Maylaysia đã mất cơ hội gây ấn tượng tốt đẹp” để chỉ trích công tác tổ chức SEA Games của nước nhà. 

Tờ báo này nhấn mạnh: “Đăng cai SEA Games 2017 là cơ hội vàng để Malaysia thể hiện sự hiếu khách và quảng bá các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, cơ hội đó đã bị nghiền nát bởi những hành vi đáng xấu hổ”.

Trưởng đoàn Việt Nam: “58 HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam là quá tuyệt vời”.

Chia sẻ với báo chí trong ngày thi đấu cuối cùng của SEA Games vào ngày 30-8, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cho biết: “Bắn súng, bắn cung, teakwondo mà đạt được chỉ tiêu như mong muốn thì hoàn toàn có thể khép lại kỳ đại hội thành công, giành khoảng 65 HCV”. 

Dù vậy, cũng theo ông Phấn, thành tích giành 58 HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam là quá tuyệt vời rồi: “Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Cá nhân tôi cho rằng thứ 3 hay thứ 4 không quan trọng với Thể thao Việt Nam lúc này, vì chúng ta mong muốn những đấu trường cao hơn như ASIAD. Chúng tôi lấy ASIAD làm trọng tâm để quay quanh trục SEA Games. Thể thao Việt Nam phấn đấu sẽ giành 4-5 HCV ở ASIAD”. 

Sau lễ bế mạc tối 30-8, hôm nay, các đội tuyển còn lại của Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ về nước.

Thể thao Việt Nam vinh danh các vận động viên nữ ở SEA Games

Với sự thành công của Ánh Viên, Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, Dương Thúy Vi và rất nhiều các VĐV nữ nổi bật tại SEA Games 29, thể thao Việt Nam đã có một kỳ đại hội khu vực thành công. Điều đáng nói là các VĐV nữ đã đóng góp tới 2/3 tổng số HCV mà Đoàn Thể thao Việt Nam đạt được ở SEA Games. 

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh đây là hiện tượng bình thường vì thể thao Việt Nam có thế mạnh tại các môn cá nhân, hạng cân nhẹ, tập trung vào sự dẻo dai, khéo léo, tốc độ, như điền kinh, bơi lội, wushu,... Trong khi đó điểm yếu lại là các môn tập thể, hạng cân nặng, cần sức mạnh. 

“Chúng ta phải dành những lời khen ngợi tới các VĐV nữ. Họ luôn là người chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi, nhưng lại mang nhiều vinh quang về cho thể thao Việt Nam”, ông Phấn nhấn mạnh. 

Hoài Lê (Từ Kuala Lumpur)
.
.
.