Những điều có một không hai ở EURO 2020

Thứ Sáu, 25/06/2021, 09:03
Bị lùi lại 1 năm và không còn đám đông khán giả như ở những giải đấu trước vì COVID-19, EURO 2020 vẫn khiến chúng ta phát cuồng theo chuyển động của từng trận đấu. Vòng bảng đã khép lại với những chi tiết có một không hai cùng vô vàn người khóc, kẻ cười.


Đã mạnh còn hên, đã yếu còn xui

Hú vía, đó là cảm xúc chung của người hâm mộ ĐT Đức sau khi chứng kiến đội nhà lọt vào vòng 16 đội. Họ từng tỏ vẻ không hài lòng khi các chuyên gia dự đoán cơ hội Die Mannschaft tiến sâu vào giải đấu không nhiều, nhưng điều đó đã trở thành sự thực. Ở trận đấu quyết định tấm vé lọt qua vòng bảng gặp Hungary, Đức 2 lần bị dẫn trước và chỉ có thể chật vật bước qua khe cửa hẹp với một kết quả hòa.

Nếu như người Đức lầm lũi tiến vào vòng trong thì Hungary hẳn không thể hài lòng với tư cách đội ngẩng cao đầu rời giải. Họ gặp vận xui ngay trong quá trình chuẩn bị khi mất nhạc trưởng Dominik Szoboszlai vì chấn thương. Màn trình diễn trong cả 3 lượt trận cũng cho thấy Hungary là ĐT xứng đáng đi tiếp nhất trong số những kẻ sớm phải rời cuộc chơi ngay từ vòng bảng, dù họ bị xếp vào bảng tử thần bên cạnh những ông lớn.

Vào trận khai màn gặp Bồ Đào Nha, Hungary đã trụ vững đến tận phút 85 và chỉ thủng lưới sau một tình huống lộn xộn giữa vòng cấm. Đến khi gặp ĐT Pháp, họ thậm chí còn ghi bàn mở tỷ số và khiến nhà đương kim vô địch thế giới vô cùng chật vật mới giành được 1 điểm ra về. Giữa đất Đức, Hungary tiếp tục thể hiện tinh thần kiên cường bất khuất đến tận phút cuối cùng. Chỉ cần một chút may mắn thôi, họ đã có thể vượt qua bảng đấu tử thần.

Hungary là trường hợp đáng tiếc nhất phải sớm rời EURO.

Ở chiều ngược lại, Ukraine khiến ngay cả các CĐV của họ cũng phải đặt dấu hỏi xem liệu đội bóng này có xứng đáng lọt vào vòng 1/8 hay không. Màn trình diễn của các học trò Shevchenko ngày càng nhạt nhòa khi EURO dần đến hồi gay cấn. Họ thua sát nút Hà Lan, thắng nhọc Bắc Macedonia rồi thua bạc nhược Áo ở trận cuối. Thể thức tính toán phức tạp các đội thứ 3 đi tiếp khiến Sheva chỉ đạo Ukraine chơi co cụm, phòng ngự trước Áo ngay cả khi bị dẫn bàn.

Cuối cùng, Ukraine bước qua vòng bảng với 3 điểm và hiệu số bàn thắng bại -1, chỉ xếp trên Phần Lan (3 điểm, -2) và Slovakia (3 điểm, -5). Mọi thứ sẽ là thảm họa với Sheva và các học trò nếu như Slovakia không bất ngờ chơi dưới sức và thua thảm Tây Ban Nha trong trận đấu cuối cùng, bởi một trận hòa có thể giúp cả 2 đại diện bảng E thẳng tiến vào vòng trong.

Những tình huống tréo ngoe

Theo lẽ thường, một đội tuyển sẽ mừng húm khi được thổi phạt đền, nhưng điều đó không còn đúng ở EURO 2020 nữa. Ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu đang chứng kiến số pha đá hỏng 11m cao chưa từng thấy khi 6/14 lần các chân sút thực hiện thất bại. Nói cách khác, khi một cầu thủ bước lên chấm đá phạt đền ở EURO 2020, anh ta chỉ có xấp xỉ 50% cơ hội thành công.

Ronaldo hẳn sẽ vô cùng hãnh diện khi chứng tỏ khả năng ghi bàn từ chấm 11m với cả 3 lần sút tung lưới đối thủ. Ở chiều ngược lại, những đồng đội cũ của CR7 ở Real như Gareth Bale và Alvaro Morata đều thất bại. Bale thậm chí còn sút lên trời trong ngày Xứ Wales đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ, còn Morata nối gót Gerard Moreno để biến Tây Ban Nha thành đội tuyển có tỷ lệ đá phạt đền thành công là 0% trong 5 lần gần nhất.

Tại sao những người đá phạt đền lại bất ngờ kém đi ở EURO 2020? Đây là điều rất khó lý giải. Thủ môn giờ đây được yêu cầu phải đứng trên vạch vôi cản phá thay vì bước "ăn gian" lên vài chục centimet, áp lực từ khán giả trên khán đài cũng không còn lớn như trước. Nguyên nhân phải chăng do cầu thủ mất đi sự tập trung thường thấy khi phải thi đấu hơn 1 năm trong tình cảnh bóng đá chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh?

Một điều lạ thường khác cũng diễn ra ở EURO 2020 là số lượng cao bất thường của những pha phản lưới nhà. Chỉ tính riêng vòng bảng năm nay đã chứng kiến 8 pha đốt đền, gần bằng tất cả những kỳ EURO trước cộng lại (9). 100% các đội có cầu thủ phản lưới nhà phải nhận thất bại chung cuộc, trong khi tỷ lệ đó trước đây chỉ có 33%. Bồ Đào Nha và Slovakia trở thành những kỷ lục gia khi có đến 2 cầu thủ sút tung lưới đội nhà trong cùng 1 trận đấu.

Khác với hiện tượng đá hỏng phạt đền khó lý giải như ở trên, việc các đội bóng liên tục đá phản lưới nhà có thể nhìn nhận theo một hướng khá logic. So với 4 năm trước, các đội tuyển xuống biên nhiều hơn trước. Nhưng thay vì tạt bổng như những năm 90, họ thích tung ra những đường căng ngang rất mạnh vào trong. Các hậu vệ, bởi thế, sẵn sàng mạo hiểm bằng những pha phá bóng năm ăn năm thua thay vì để bóng trôi qua khi đối phương ập vào.

Pep Guardiola có thể sẽ mỉm cười thích thú với suy luận này, bởi suy cho cùng, ông chính là người tiên phong mở ra lối đá ngắn căng ngang kia. Tại Man City, Pep đã chinh phục tất cả các danh hiệu quốc nội bằng kiểu chơi đó. Hiệu quả của nó khiến mọi đội bóng đều thừa nhận và học theo. Cậu học trò Ruben Dias của Pep có thể không đồng tình, nhưng đó là sự thật. 3 năm trước, World Cup 2018 ghi nhận số pha đốt lưới nhà cao chưa từng thấy: 12 lần, gấp đôi kỷ lục cũ của France 98.

Đan Mạch, những chú lính chì dũng cảm của EURO 2020

Gần 3 thập niên trôi qua kể từ phép mầu EURO 92, người Đan Mạch một lần nữa viết lên câu chuyện cổ tích ở ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Họ khởi đầu chiến dịch bằng một bi kịch. Nhạc trưởng Christian Eriksen lên cơn đột quỵ ngay giữa trận gặp Phần Lan và có lúc tưởng chừng cận kề cái chết. Trận đấu được hoãn gần 2 giờ đồng hồ mới tiếp tục trở lại. Chơi bóng khi tâm trạng còn nghĩ quá nhiều về Eriksen, Đan Mạch bất ngờ nhận thất bại 0-1.

Kết thúc lượt trận thứ 2 gặp Bỉ, hy vọng đi tiếp của Đan Mạch gần như đã khép lại. Họ có bàn thắng từ rất sớm nhưng lại để Bỉ lật ngược thế cờ trong hiệp 2. Hy vọng đi tiếp với họ vô cùng mong manh. Đan Mạch buộc phải thắng Nga với tỷ số đậm, đồng thời hy vọng Bỉ thắng Phần Lan. Khe cửa hẹp đó cuối cùng đã được những người đồng đội của Eriksen mở toang. Họ vùi dập Nga với tỷ số 4-1, qua đó vươn lên vị trí nhì bảng.

An Khánh
.
.
.