Kim Huệ và VFV: Câu chuyện buồn từ cách hành xử thiếu chuyên nghiệp

Thứ Sáu, 30/04/2021, 09:29
Bóng chuyền Việt Nam đang trải qua một vụ việc đầy tính “drama” rất phức tạp giữa “hoa khôi bóng chuyền” Phạm Kim Huệ và các học trò cùng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV).

Chưa bàn đến tính đúng sai của những cá nhân nhận án kỷ luật, cách hành xử và đưa ra quyết định của VFV khiến nhiều người phải cảm thấy ngán ngẩm cho một tổ chức lãnh đạo thể thao chuyên nghiệp.

Diễn biến phức tạp

Lý do và cách thức mà VFV đưa ra án kỷ luật cho Phạm Kim Huệ và 3 học trò Nguyễn Thu Hoài, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thị Ninh Anh là câu hỏi mà dư luận rất quan tâm.

Ngày 9/3/2021, Phạm Kim Huệ và 3 học trò của mình đã làm việc với Tập đoàn FLC, đơn vị tài trợ cho đội bóng chuyền Bamboo Airway Vĩnh Phúc. HLV Kim Huệ cùng các học trò được đề nghị chuyển từ đội bóng chủ quản Ngân hàng Công thương Vietinbank sang Bamboo Airway Vĩnh Phúc. Phí lót tay chuyển nhượng tổng cộng 11 tỷ, trong đó HLV Kim Huệ nhận 4 tỷ đồng, Thu Hoài nhận 3 tỷ đồng và hai VĐV còn lại mỗi người nhận 2 tỷ đồng. 

Ngày 11/3, HLV Kim Huệ gửi đơn xin thanh lý hợp đồng với CLB Vietinbank. Đến ngày 15/3, phía Tập đoàn FLC chuyển 50% phí lót tay chuyển nhượng cho Kim Huệ (2 tỷ đồng) và chuyển đầy đủ số tiền cho 3 học trò của cô. Toàn bộ những giao dịch này đều là “thỏa thuận miệng” hoặc giấy viết tay chứ chưa có hợp đồng chính thức.

Tuy nhiên sau đó, HLV Kim Huệ và các VĐV lại không thể thanh lý hợp đồng với CLB Vietinbank và do đó  tất nhiên không thể sang đầu quân cho CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc.

Ngày 24/3, HLV Kim Huệ có buổi làm việc với Tập đoàn FLC để thông báo tình hình. Phía FLC yêu cầu cô và các học trò đền bù số tiền gấp 3 lần thỏa thuận, nhưng Kim Huệ không đồng ý. Ngày 25/3, Kim Huệ đã chuyển lại toàn bộ số tiền 2 tỷ đồng đã nhận từ Tập đoàn FLC trước đó, các học trò của cô cũng làm như vậy.

Đáng chú ý, phía FLC đã chặn tài khoản của Kim Huệ nhưng không chặn tài khoản của Ninh Anh, vì thế 4 cô trò mới có thể trả lại tiền “đặt cọc”.

Trong trường hợp Kim Huệ cùng các học trò không thể trả lại số tiền mà như FLC gọi là “chi phí hỗ trợ thanh lý hợp đồng” thì rất có thể, họ sẽ bị quy vào tội lừa đảo.

Cũng trong ngày 25, phía FLC đơn kiến nghị gửi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam VFV tố cáo Kim Huệ đã có hành vi lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.

Ngày 10/4, ông Lê Văn Thành, chủ tịch VFV, ra quyết định kỷ luật số 25/QĐ-LĐBCVN cảnh cáo HLV Kim Huệ và 3 VĐV vì "đã có những hành vi làm ảnh hưởng đến các hoạt động của bóng chuyền Việt Nam". Sự việc trở nên căng thẳng.

Ngày 27/4, HLV Kim Huệ công bố hai lá đơn khiếu nại gửi lên Tổng cục TDTT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nội dung đơn khiếu nại là đề nghị Tổng cục TDTT đính chính, thu hồi quyết định kỷ luật nói trên.

Quyết định kỷ luật Kim Huệ và 3 VĐV đang gây xôn xao dư luận.

Vì sao không “ba mặt một lời”?

Người trong cuộc Phạm Kim Huệ chia sẻ sau khi có đơn khiếu nại: “VFV chỉ dựa vào công văn tố cáo của Bamboo Airways trong khi chưa hề gặp gỡ, trao đổi. Thực tế chúng tôi chưa hề có ký kết nào, chưa hề có tranh chấp để họ nói chúng tôi lừa đảo hay xâm phạm lợi ích. Thông lệ là các bên phải thoả thuận bằng hợp đồng có chữ ký mới có hiệu lực và thực tế chúng tôi chưa ký gì hết. VFV nhận đơn một phía, không hề làm việc đã vội đưa ra quyết định kỷ luật là thiếu tôn trọng HLV, VĐV. Cá nhân chúng tôi và CLB chủ quản chưa hề lên tiếng. Tôi đòi hỏi danh dự và uy tín cho tôi cùng các VĐV. VFV ra quyết định kỷ luật không hề cho chúng tôi biết. Quyết định ra ngày 10/4, thông tin đến báo chí ngày 12/4 và đến ngày 13/4 chúng tôi đọc báo mới biết”.

Kim Huệ không hề vô lý khi cho rằng cách làm việc của VFV là thiếu nguyên tắc. Trước khi đưa ra quyết định kỷ luật, VFV cần phải có sự trao đổi với HLV và các VĐV để tìm hiểu rõ nguồn gốc, nguyên nhân sự việc. Chính vì lẽ đó, án kỷ luật không thể làm cho Kim Huệ và các học trò “tâm phục khẩu phục”.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, ông Lê Văn Thành cũng có lý lẽ riêng của mình: “Liên đoàn Bóng chuyền hoàn toàn có đủ giấy tờ, căn cứ để phạt Kim Huệ và VĐV. Thứ nhất, bên đội bóng muốn chiêu mộ phải có căn cứ mới chuyển tiền cho Kim Huệ và VĐV. Khi họ đã chuyển tiền tức là đã thực hiện xong thỏa thuận cho dù là giấy viết tay. Thứ hai, số tiền trong thương vụ nhiều nên để lại hậu quả lớn. Liên đoàn không thể không can thiệp vì hình ảnh của bóng chuyền Việt Nam. Giấy viết tay trong thương vụ coi như một thỏa thuận chính thức!”.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, VFV đã sai khi không thành lập một hội đồng xem xét, thẩm tra sự việc trước khi đưa ra án kỷ luật. Như vậy, việc quyết định kỷ luật HLV Kim Huệ và các học trò là không đúng về mặt quy trình.

VFV đã “đơn phương” đưa ra quyết định khi lẽ ra họ cần lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, trong một cuộc nói chuyện “ba mặt một lời”. Thậm chí dư luận cho rằng có “điều gì đó” đã ảnh hưởng đến VFV, bởi FLC cũng đang là đơn vị tài trợ cho VFV và giải bóng chuyền VĐQG lẫn giải hạng A toàn quốc.

Theo phân tích logic, VFV là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chỉ có chức năng quản lý về chuyên môn nghề nghiệp, trong khi vụ việc của Kim Huệ là tranh chấp dân sự.

VFV không thể can thiệp bởi theo chính người của Liên đoàn, quy chế chuyển nhượng được ban hành năm 2010 cũng không đề cập cụ thể các vấn đề về đàm phán hợp đồng mới trong khi hợp đồng cũ vẫn còn thời gian hiệu lực.

Có quy chế vẫn… loạn

Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền được VFV ban hành từ năm 2010, mục 1 điều 12 ghi rõ: “trường hợp VĐV đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hợp pháp mà CLB chủ quản không chấp thuận thì sau 6 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị giải quyết vụ việc của VĐV sẽ xem xét giải quyết cho VĐV được tiếp tục thi đấu”.

Mặc dù đã có quy chế, trên thực tế bóng chuyền Việt Nam trong suốt thời gian qua xảy ra không ít rắc rối giữa VĐV và CLB chủ quản. Trước vụ 4 cô trò Kim Huệ, CLB Vietinbank đã từng phải giải quyết vụ việc rắc rối với VĐV Vi Thị Như Quỳnh khi chủ công 19 tuổi chuyển sang Than Quảng Ninh với lời khẳng định đã hết hạn hợp đồng từ tháng 10 năm ngoái. Cuối cùng, Như Quỳnh phải đền bù CLB Vietinbank 160 triệu đồng để được “dứt áo ra đi”.

Đơn Ca
.
.
.