Kiên nhẫn trước dịch

Thứ Tư, 24/02/2021, 06:41
Những diễn biến phức tạp liên tục của dịch COVID-19 tại một số tỉnh, thành phía Bắc đã khiến việc tập luyện của các VĐV, việc huấn luyện và quản lý của các nhà quản lý, HLV trở nên vất vả hơn. Nhưng đây mới là lúc thử thách ý chí, sự kiên nhẫn và sự chuyên nghiệp của từng người. Tất cả để chờ đợi những đột phá sau khi dịch được khống chế.


Trở lại và tiếp tục cấm trại

Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hơn 400 VĐV đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội đã nhận được lệnh “cấm trại” do dịch COVID-19. Đây là cách làm quen thuộc và hiệu quả đã được lãnh đạo Trung tâm thực hiện trong các lần Hà Nội và một số tỉnh, thành khác xảy ra ca lây nhiễm cộng đồng. Nhờ đó, VĐV tập huấn tại Trung tâm hoàn toàn an toàn trước dịch và vẫn duy trì được việc tập luyện.

Cho đến ngày mùng 6 Tết vừa qua, hầu hết VĐV các đội tuyển đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội đều đã tập trung trở lại. Cũng như trước Tết Nguyên đán, các HLV và VĐV tiếp tục thực hiện quy định "cấm trại" của Trung tâm. Tất cả chỉ được ra ngoài khi có giấy xác nhận của lãnh đạo Trung tâm.

Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho các VĐV khi trong năm 2021 phải thực hiện nhiệm vụ tại các đấu trường quan trọng với thể thao Việt Nam như SEA Games 31 hay Olympic Tokyo. Trong số này, có VĐV Lê Thanh Tùng (Thể dục dụng cụ), hay Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) – những VĐV đã giành  tham dự  Olympic Tokyo. Tất cả đều phải bước vào tập luyện với cường độ cao để có thể đạt thành tích tốt nhất ngay khi trở lại thi đấu quốc tế.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội kể rằng, việc “cấm trại” là giải pháp tối ưu để giúp VĐV tập trung tập luyện cũng như bảo đảm an toàn phòng dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Thực tế, những VĐV đang tập trung tại Trung tâm đều đang là những VĐV ưu tú nhất của các bộ môn trong làng thể thao Việt Nam nên bảo đảm an toàn cho VĐV là nhiệm vụ hàng đầu của Trung tâm.

Đội tuyển đối kháng Karatedo quốc gia trong buổi tập đầu tiên sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tuy vậy, một số đội tuyển khác thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đang tập huấn tại một số địa điểm khác ở Hà Nội sẽ lùi lịch tập trung đến đầu tháng 3. Trong số này có đội tuyển bóng bàn quốc gia với 3 chuyên gia và 20 VĐV. Từ đầu năm 2021, cả đội đã tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Tuy nhiên, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội chưa mở cửa trở lại các khu vực tập luyện nên tạm thời các VĐV đội tuyển cũng vẫn ở nhà tập luyện trực tuyến để duy trì thể lực.

Ông Phan Tuấn, phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho hay, dù các VĐV đội tuyển tập luyện tại nhà nhưng vẫn phải thường xuyên giữ liên lạc với HLV đội tuyển cũng như chuyên gia. Tất cả cũng thường xuyên được khuyến cáo không ra ngoài khi không cần thiết để giữ an toàn cho bản thân.

Tập trung muộn cũng không thừa

Nếu như hơn 400 VĐV đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã tập trung trở lại và dễ quản lý hơn thì hơn 2.000 VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội cũng như gần 600 VĐV của 19 môn thể thao đỉnh cao thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Công an nhân dân chưa tập trung trở lại từ sau Tết Nguyên đán 2021.

Theo kế hoạch, VĐV các trung tâm trên sẽ tập trung vào ngày mùng 6 Tết. Nhưng những diễn biến bất ngờ của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vào những ngày đầu Tết Nguyên đán đã khiến kế hoạch tập trung phải thay đổi theo phương châm tập trung muộn cũng không thừa, quan trọng là sự an toàn của các VĐV cũng như môi trường tập luyện.

Ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội kể rằng: "Hiện Hà Nội quản lý hơn 2.000 VĐV ở gần 40 môn trong đó nhiều VĐV đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Hiện tại, chúng tôi vẫn cho các VĐV ở nhà và tập trực tuyến với sự giám sát từ các HLV cho đến hết tháng 2. Việc để các VĐV tập luyện tại nhà đến hết tháng 2 cũng phù hợp với thông báo không đến trường mà học trực tuyến cho đến hết tháng này của ngành Giáo dục thành phố.”.

Trong cuộc họp mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội vào ngày 22/2, lãnh đạo UBND thành phố cũng đã chỉ đạo xem xét để học sinh trên địa bàn thành phố đi học trở lại trong thời gian tới nếu không có diễn biến phức tạp mới liên quan đến dịch COVID-19.

Vì vậy, nhiều khả năng các VĐV của Trung tâm cũng có thể trở lại tập luyện vào đầu tháng 3. Còn hiện tại, các VĐV đều đang tập luyện dưới hình thức trực tuyến. Ông Đào Văn Kiên – phụ trách bộ môn bóng rổ của Trung tâm cho hay, các VĐV của các tuyến bóng rổ Hà Nội vẫn tập luyện hằng ngày dưới sự giám sát của các HLV thông qua các phương tiện trực tuyến.

Trong khi đó, VĐV Trần Văn Đảng của đội điền kinh Hà Nội, người đã gây dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2020 với việc giành 2 HCV nội dung 800m và 1.500m tại Giải điền kinh vô địch toàn quốc, cho hay, dù tập ở nhà nhưng vẫn chấp hành nghiêm chỉnh giáo án của HLV và phải thường xuyên ghi hình báo cáo với HLV. Theo Trần Văn Đảng, việc tập luyện tại nhà cũng là cách đo đếm ý chí, nghị lực của VĐV. Nếu không vượt qua chính mình thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi trở lại tập luyện tập trung.

Còn Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Công an nhân dân Nguyễn Xuân Hải cũng cho hay, Trung tâm có gần 600 VĐV thuộc 19 đội tuyển thường xuyên ăn ở tập luyện tập trung. Cũng bởi dịch COVID-19 nên Trung tâm tạm thời chưa cho VĐV tập trung tập luyện, mà chỉ tập luyện dưới hình thức trực tuyến. Với một số VĐV trọng điểm thì được chú trọng hơn trong việc siết chặt kỷ luật tập luyện cũng như tạo điều kiện tập luyện nhằm giữ nền tảng thể lực.

Quan trọng nhất, như các nhà quản lý và HLV của cả hai trung tâm lớn trong làng thể thao Việt Nam chia sẻ là trước mắt phải bảo đảm an toàn tối đa cho HLV, VĐV trước dịch COVID-19. Ngoài ra, các HLV phải thường xuyên động viên, giám sát để VĐV dù không tập luyện tập trung nhưng vẫn giữ được sự chuyên nghiệp. Còn sau đó, khi tập trung trở lại, họ sẽ phải nỗ lực gấp ba, gấp bốn lần để đạt được thể trạng tốt nhất nhằm đạt kết quả tốt nhất trong thi đấu. Muốn vậy, cần có cả sự hỗ trợ về cơ chế.

Người trong cuộc không kể ra nhưng qua quan sát cũng thấy VĐV Hà Nội đi thi đấu trong nước phải mất gần 1 tháng để hoàn thành thủ tục. Đấy lại là điểm thua thiệt không đáng có của thể thao Hà Nội so với đơn vị khác. Cũng vì thế, trong năm vừa rồi, một số đội tuyển của Hà Nội đã phải từ chối cơ hội thi đấu ở những giải mang tính đột xuất nhưng có tính chuyên môn cao.

Trong lúc phải thích ứng với dịch COVID-19, chính các nhà quản lý, HLV, VĐV đã phải làm mới lại mình cũng như nâng ý chí, tính chuyên nghiệp. Giờ thì phải kiên nhẫn trước dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân, cộng đồng trước khi tính đến các việc khác.

Linh hoạt ứng phó với COVID-19

Trong thông báo gần đây của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, các trưởng, phó bộ môn được đề nghị chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch chuyên môn, xây dựng giáo án huấn luyện, hướng dẫn tập luyện trực tuyến cho HLV, VĐV các tuyến. Qua đó, bảo đảm duy trì thể lực chung trong giai đoạn chưa tập trung tập huấn.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.