VPF bầu hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2023

Chờ đợi của người hâm mộ

Thứ Hai, 30/11/2020, 08:50
Người ta chỉ trích iPhone 12 là một sản phẩm hết ý tưởng của Apple. Nhưng chí ít, con gà đẻ ra tiền của “Nhà táo” vẫn đang kiếm về chục triệu đô la mỗi ngày. Ngược lại, trong một diễn biến khác, VPF với diện mạo bình “hơi” mới, “rượu” mới ra có thể đáp ứng niềm tin của người yêu bóng đá Việt Nam?

Vẫn lại là bầu Tú

HĐQT của VPF nhiệm kỳ mới đã được bầu ra trong đại hội đồng cổ đông VPF giai đoạn 2020 - 2023. 7 cái tên đã được lựa chọn. Tất nhiên trong 7 con người ấy, vẫn có người cũ mà cũng có những người mới. Ông Trần Anh Tú vẫn được tín nhiệm với số phiếu cực cao. “Bầu” Tú sau đó đương nhiên vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Thế nhưng, đó cũng là chức danh trên danh nghĩa duy nhất mà ông Trần Anh Tú đảm nhận. Bởi vai trò Tổng giám đốc vốn ngốn thời gian và cả danh dự, phẩm giá của ông đã được bàn giao cho người khác. Sở dĩ nói đến cả danh dự bởi khi nhận vị trí Chủ tịch HĐQT cách đây 3 năm, ông Tú chỉ nghĩ rằng mình đơn thuần là kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc một thời gian ngắn. Nhưng nào ngờ, chẳng ai ứng cử vào vị trí này để một tay cùng ông lèo lái VPF cả. Không những phải gồng trách nhiệm của hai chức vụ, ông Trần Anh Tú còn chịu sự chỉ trích gay gắt từ phía bầu Đức. Để rồi nhiều năm qua, người ta vẫn thấy ông chủ của HAGL nói bầu Tú là kẻ tham quyền, đẩy bóng đá Việt Nam vào con đường thiếu chuyên nghiệp và minh bạch.

May mắn là trong nhiệm kỳ mới, chính ông Tú là người chủ động xin rút khỏi cái vòng luẩn quẩn kia. VPF và cả VFF đương nhiên cần phải tìm một nhân vật khác hỗ trợ ông Tú, ít nhất là trên danh nghĩa. Và với số phiếu chỉ cao thứ... 6/7, ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Tổng thư ký VFF trở thành Phó Chủ tịch VPF kiêm Tổng giám đốc.

Nhưng gọi là trên danh nghĩa bởi khi được hỏi, ông Ngọc cứ ấp úng và nói những thứ chung chung về một cuộc cải tổ V.League. Nó y hệt như cái thời ông làm Phó Tổng giám đốc VPF kiêm Trưởng ban điều hành giải đấu này vài năm trước đây. Cũng chính ông Tú phải “đỡ” cho ông Ngọc bằng cách dù đã rút khỏi vị trí Tổng giám đốc nhưng vẫn sẽ cùng ông Ngọc làm việc trong thời gian đầu nhiệm kỳ, đặc biệt trong việc tìm kiếm nhà tài trợ giải đấu.

Ông Tú tất nhiên không muốn mình trở thành một kẻ dù đã lui vào hậu trường nhưng vẫn tham quyền cố vị. Nhưng với năng lực luôn bị đặt dấu hỏi của ông Ngọc, một người luôn theo chủ nghĩa hoàn hảo như ông Tú vẫn cứ phải xắn tay lên mà làm thôi.

Vậy tại sao cần quan tâm tới năng lực của ông Ngọc? Thực ra, một đại cổ đông của VPF cũng còn do dự về cách xử lý tình huống khi biến cố xảy ra của ông Ngọc. Chính ông là người thiếu cương quyết trước hành động phi thể thao của một số cầu thủ Đồng Tâm Long An trong việc bỏ ra ngoài hay thi đấu theo kiểu đối phó vì phản ứng quyết định của trọng tài ở trận gặp TP HCM năm 2017. Rồi cũng liên quan đến chính trọng tài, ông Ngọc một lần nữa xử lý không nghiêm khắc, thiếu sự linh hoạt khi đội nữ Phong Phú Hà Nam cũng sắm vai Long An khi bỏ thi đấu, phản ứng trọng tài trong trận đấu với TP HCM I cách đây không lâu, dẫn tới vết nhơ trong lịch sử bóng đá nữ.

“Chúng tôi muốn tân Tổng giám đốc VPF phải bản lĩnh, không thiên vị đội nào, không tạo ra phe cánh và ngăn chặn được tình trạng một số đội khi đã trụ hạng an toàn, cố tình đá “cò cưa”, cù nhầy, làm ảnh hưởng đến uy tín giải đấu”, một cổ đông chính chia sẻ với phóng viên.

Hội đồng quản trị mới của VPF nhiệm kỳ 2020-2023.

Mong là “không lỗ”

Ngay sau khi VPF “chốt” xong HĐQT, ông Trần Anh Tú bật mí một chi tiết đáng chú ý. Đó là tin nhắn của Phó Chủ tịch thường trực VFF - Trần Quốc Tuấn. “Anh Tuấn đã nhắn cho tôi là làm gì thì làm, không được để lỗ”, ông Tú chia sẻ.

Đúng là VPF suốt 3 năm qua không lỗ. Nhưng độ lãi thì cứ giảm đi theo thời gian. Theo báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm, Công ty VPF, đơn vị quản lý và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, dự kiến lợi nhuận năm 2020 chỉ đạt... 50 triệu đồng, bằng khoảng 6,67% so với kế hoạch!

 Kết quả kinh doanh năm 2020 thấp nhất trong 3 năm vừa qua. Theo báo cáo tài chính, tổng thu năm 2018 đạt 100.479.170.799 đồng, đạt 105,23% kế hoạch. Lợi nhuận năm 2018 đạt 2.890.719.923 đồng, đạt 144,25% so với kế hoạch năm.  Năm 2019, công ty này có lợi nhuận 305.753.166 đồng, bằng 30,57% so với kế hoạch đã đề ra. Riêng năm 2020 chỉ đạt đúng 50 triệu đồng.

 Theo VPF, tình hình dịch COVID-19 khiến hoạt động bóng đá tạm hoãn nhiều lần và phải thay đổi phương thức thi đấu. Việc rút ngắn thời gian và số lượng trận đấu khiến việc bán quảng cáo - nguồn thu chính của công ty - bị ảnh hưởng.

 Bên cạnh đó, dù số lượng các trận đấu giảm xuống, nhưng VPF vẫn phải thực hiện đầy đủ các khoản chi khác để đảm bảo công tác tổ chức hoàn thành đúng kế hoạch. VPF lỗ khoảng 7 tỷ đồng nên việc chi hỗ trợ cho các CLB chỉ đạt trên 50% (khoảng 9 tỷ đồng).

 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã trích tiền hỗ trợ, bằng đúng số tiền lỗ dự tính, từ khoản tiền hỗ trợ từ FIFA để việc chi hỗ trợ các CLB được thực hiện theo đúng kế hoạch (mỗi CLB tham dự giải hạng Nhất nhận 400 triệu đồng, mỗi CLB tham dự V.League nhận 800 triệu đồng, tổng số tiền chi hỗ trợ 16 tỷ đồng).

 Quay trở lại kế hoạch năm 2021, VPF dự chi ra 103 tỷ 700 triệu đồng và cố gắng thu về 103 tỷ 800 triệu đồng. Như vậy, VPF mong muốn thu về lợi nhuận là 100 triệu đồng, tức là gấp đôi so với năm 2020. Tuy nhiên đây vẫn là một con số quá nhỏ nhoi nếu như so với năm 2018 hay 2019.       

Ông Hùng “bói cá” vẫn được tin tưởng?!

Ông Trần Mạnh Hùng trở lại mái nhà xưa VPF khi trúng cử vào Hội đồng quản trị. Thậm chí, số phiếu của ông Hùng còn cao thứ 2, chỉ sau ông Trần Anh Tú. Hai năm trước, ông Hùng từng xin từ chức Phó Chủ tịch HĐQT VPF sau scandal thóa mạ Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền tại một cuộc họp và băng ghi âm đã bị lộ ra ngoài.

Điều đáng nói ở đây nữa là Hải Phòng do ông Hùng làm Chủ tịch lại đang là một trong 4 CLB vi phạm tiêu chí cấp phép của AFC (cụ thể, Hải Phòng không cử đội tham dự giải trẻ năm 2020). Mặt khác, chính ông Hùng và tập thể CLB Hải Phòng mới đây đã phải giải trình với UBND thành phố này về hoạt động của đội bóng khi Hải Phòng là địa phương tiêu nhiều tiền ngân sách nhất cho bóng đá nhưng đội bóng lại luôn chật vật xuống hạng.

Ở một diễn biến khác mới đây, Ban Chấp hành VFF vẫn buộc phải đồng ý cấp phép ngoại lệ cho Hải Phòng và 3 đội còn lại (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SLNA, DNH Nam Định) nên 4 đội vẫn được quyền tham dự V.League 2021.

An Khánh
.
.
.