CLB Thành phố Hồ Chí Minh: Bài toán truyền thống & Áp lực chuyên nghiệp

Chủ Nhật, 01/01/2017, 09:28
Người hâm mộ bóng đá TP Hồ Chí Minh đang than khóc quanh việc CLB TP. Hồ Chí Minh thay đổi chóng vánh, và thay đổi ngày một xa khỏi tiêu chí ban đầu, trong bối cảnh chuẩn bị tham gia V.League 2017.


Tiêu chí ban đầu là gì? Đó là xây dựng một đội bóng căn cơ, bền vững với những con người của địa phương mình và chơi theo đúng truyền thống bóng đá của mình. Để thực hiện tiêu chí ấy, CLB TP Hồ Chí Minh sử dụng Lư Đình Tuấn - một biểu tượng của Cảng Sài Gòn một thời làm HLV trưởng, và sử dụng hàng loạt các cầu thủ gốc TP Hồ Chí Minh, có niềm tự hào khi khoác áo CLB của địa phương mình. 

Và cũng để thực hiện tiêu chí ấy, CLB chấp nhận làm lại từ đầu ở giải hạng Nhì, hạng Nhất, với mục tiêu sẽ trở lại V.League bằng đúng chất của mình, thay vì vung tiền mua suất đá V.League như chính những đội bóng tiền thân ngày trước. Có thể nói sau khoảng 4 năm bền bỉ với tiêu chí ấy, CLB TP Hồ Chí Minh đã vô địch hạng Nhất 2016 một cách ấn tượng và giành quyền lên chơi V.League một cách xứng đáng, thuyết phục.

Vấn đề là trước thềm V.League này, CLB lại bất ngờ thực hiện hàng loạt những nước đi không đúng với tiêu chí ban đầu. Họ mời một ngôi sao vừa giã từ sân cỏ về làm phó chủ tịch, mà như đánh giá của những người thạo tin thì đấy không khác gì "một chiêu PR" để hô trương thanh thế. Họ huỷ hợp đồng với hàng loạt các cầu thủ gốc TP Hồ Chí Minh để đưa hàng loạt các cầu thủ cả nội lẫn ngoại ở nơi khác về để tăng cường sức mạnh.

HLV Lư Đình Tuấn năm nay sẽ xuống làm trợ lý cho thầy ngoại. Ảnh: H.M

Những người hâm mộ đã từng yêu, từng cổ vũ cho CLB TP Hồ Chí Minh từ giải hạng Nhì, hạng Nhất đến lúc này lo sợ sẽ không thấy được một đội bóng với bản sắc vốn có ngày nào. Họ sợ đội bóng "tiêu chí cũ - cách làm mới" sẽ đi vào vết xe đổ của những Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành... trước đây. Đấy là những đội bóng làm bóng đá theo kiểu không ngại vung tiền mua HLV, cầu thủ, và đã có lúc biến đội bóng của mình trở thành một "đội bóng trong mơ". 

Cũng có những lúc, người hâm mộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh đến sân đông, cổ vũ hết mình cho những đội bóng ấy, nhưng cùng với thời gian, nó lộ nguyên hình là những đội bóng với những ông bầu mang tư tưởng "ăn đong". Khi nào mục tiêu "ăn đong" bất thành thì những ông bầu ấy cũng không ngại thoái vốn, giải thể đội bóng, đẩy các cầu thủ vào cảnh bơ vơ, tội nghiệp. Sau khi quá ngán và quá chán vào những đội bóng kiểu như vậy, người hâm mộ bóng đá thành phố đã dồn mọi kỳ vọng vào CLB TP Hồ Chí Minh, thế mà...

Thật ra, trong cách làm của CLB TP Hồ Chí Minh hiện nay cũng có một căn nguyên cần chia sẻ: 

Đó là nếu không tăng cường lực lượng, mà chỉ giữ nguyên cái vốn, cái nền tự có của mình thì CLB này sẽ rất khó cạnh tranh với các đối thủ khác, trong một sân chơi mang tính khốc liệt cao. Nhưng tăng cường một cách hợp lý, để vừa có thể duy trì tính cạnh tranh vừa giữ được bản sắc, tiêu chí ban đầu thì chẳng nói làm gì. Đằng này, sự tăng cường có vẻ đã và sẽ diễn ra một cách ồ ạt, dưới sự bảo trợ về mặt tài chính của hai đại gia mà người ta vẫn chưa hiểu rõ động cơ thực sự của hai đại gia này khi nhảy chân vào bóng đá. 

Phải nhấn mạnh như thế là bởi trước đây các đại gia - các ông bầu đổ tiền vào bóng đá TP Hồ Chí Minh không vì mục đích phát triển đội bóng, mà vì muốn mượn đội bóng để có thể dễ dàng thực hiện các dự án làm ăn trên địa bàn thành phố.

Chờ thái độ chính thức của người hâm mộ thành phố

Mùa giải năm ngoái, sau vài vòng đầu tiên thì CLB Hà Nội đã chuyển khẩu vào TP Hồ Chí Minh và mang tên mới là CLB Sài Gòn. Như thế người hâm mộ bóng đá Sài thành nghiễm nhiên có được một đội bóng của mình, và có cái cảm giác đi xem V.League trở lại vào các chiều cuối tuần. 

Nhưng thực tế, những trận đấu của CLB Sài Gòn trên sân Thống Nhất luôn diễn ra trong cảnh vắng hoe, vì người hâm mộ thành phố không coi đây là một đội bóng của mình. Ngay cả khi đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng có những trận đá hay đá đẹp thì số lượng khán giả cũng chẳng được cải thiện là bao. 

Người ta dự đoán so với CLB Sài Gòn thì khi trở lại V.League, CLB TP Hồ Chí Minh sẽ nhận được sự cổ vũ đông đảo, nhiệt thành hơn, nhưng với cách làm và binh tình hiện tại thì mọi thứ vẫn đang đặt trong... chế độ chờ. Chờ bóng V.League chính thức lăn để xem người ta có coi đây thực sự là đội bóng của mình, như khi nó còn ở hạng Nhì, hạng Nhất những năm trước hay không? (Ngọc Anh)

Chờ tài thầy ngoại

Có một biến động rất lớn trên băng ghế huấn luyện CLB TP. Hồ Chí Minh ở mùa giải năm nay, đó là HLV trưởng Lư Đình Tuấn xuống làm trợ lý cho thầy ngoại người Pháp Alain Fiard. Cùng với FLC Thanh Hoá, CLB TP Hồ Chí Minh là 2/14 CLB tại V.League 2017 sử dụng thầy ngoại. 

Hồ sơ của các thầy ngoại này đều bóng loáng, nhưng việc sử dụng thầy ngoại ở V.League từ vài năm trở lại đây đã bị nhận diện là cực kỳ mạo hiểm. Bởi thầy ngoại có thể có trình độ chuyên môn cao nhưng không hiểu được những ngóc ngách của V.League cũng như của các cầu thủ Việt. Thế nên những đội bóng trước đây vốn có thói quen sử dụng thầy ngoại như Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương... đều đã lần lượt quay về các phương án nội. 

Thôi thì cứ chờ xem thầy Pháp ở CLB TP Hồ Chí Minh rồi sẽ chèo chống như thế nào trước muôn vàn sóng gió. (Tuấn Thành)

Hoàng Anh
.
.
.