Bầu Tú từ bỏ…

Thứ Năm, 26/04/2018, 16:00
Sau rất nhiều sức ép, cuối cùng bầu Tú cũng từ bỏ cuộc đua vào chiếc ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính khoá VIII. Đấy là cuộc rút lui mà chính bản thân ông không hề mong muốn.

Khi thông tin bầu Tú trở thành ứng viên duy nhất cho chiếc ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính khoá VIII, lập tức bầu Đức là người đã ra mặt phản ứng dữ đội nhất. Ông Đức cho rằng bầu Tú ôm đồm quá nhiều chức vụ sẽ khó làm việc hiệu quả, điều này không tốt cho bóng đá Việt Nam. Việc ông Tú là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF rồi làm Trưởng Ban điều hành V.League 2018 và hàng loạt các chức danh ngoài VPF khác đã khiến  không chỉ bầu Đức mà một bộ phận dư luận phản ứng.

Thậm chí bầu Đức còn tuyên bố, nếu bầu Tú trúng cử Phó Chủ tịch VFF khoá VIII, ông sẽ bỏ bóng đá đồng thời rút HAGL khỏi V.League. Trước thái độ quyết liệt của bầu Đức, bầu Tú cũng đã lên tiếng bằng tâm thư, trong đó bầu Tú có nói về hai chữ “từ bỏ” rằng: “Tôi và anh Đức có một điểm chung, cùng là những doanh nghiệp đầu tư để phát triển bóng đá, và đều có những thành công nhất định. Những gì chúng tôi đã có và đang nỗ lực để có được gắn liền với cuộc sống và niềm tin của biết bao nhiêu người. Mấy chữ “từ bỏ” không thể vì một chuyện gì trái ý mà có thể nói ra, trừ khi những đóng góp của chúng tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Chỉ những kẻ bất tài mới cố gắng vươn tới chức tước dù chẳng đóng góp được gì cho bóng đá. Đó mới là những kẻ đe doạ tới khả năng “từ bỏ” của chúng ta”.

Và sau đó, dù nhận vô vàn các sức ép khác nhau từ chính dư luận, các ông bầu, những người trong giới bóng đá và cả gia đình thì bầu Tú cũng kiên quyết theo đuổi đến cùng việc ra tranh cử chức Phó Chủ tịch VFF chứ không “từ bỏ”. Tất cả được bầu Tú lý giải đó là “vì bóng đá Việt Nam”, thế nhưng bên cạnh đó cũng chính là danh dự bản thân của một doanh nhân làm bóng đá.

Bầu Tú sau đó đã chủ động xin rút khỏi vị trí Tổng giám đốc VPF tại cuộc họp Hội đồng quản trị hôm 10.4. Thế nhưng, đa phần các ý kiến đã không đồng ý để bầu Tú rút lui. Và với sự tín nhiệm đến gần 100%, bầu Tú cũng quyết định ở lại kiêm nhiệm. Thực tế thì ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới ở VPF, bầu Tú cũng đưa ra quan điểm sẽ tìm Tổng giám đốc mới cho VPF trong tương lai.

Tuy vậy thì việc bầu Tú xin rút được nhiều người cho rằng, bản thân ông thời điểm hiện tại cũng chưa sẵn sàng vì tất cả công việc cũng chỉ mới bắt đầu, sức ép chính là điều  khiến ông chủ động rút, mà việc rút rồi nhận tín nhiệm ở lại dường như cũng chỉ là sự cho có. Thế nhưng, bất luận thế nào thì đấy cũng là điều cho thấy chiếc ghế mà ông Tú muốn nhắm đến chính là Phó Chủ tịch VFF.

Theo ông Tú lý giải ở thời điểm đó thì việc ông muốn vừa muốn  nắm quyền ở VPF, vừa muốn làm Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính vì đây là công việc không mất nhiều thời gian ề làm việc hành chính mà chủ yếu là dùng chất xám của mình. Bên cạnh đó, việc ông kiêm nhiệm sẽ  giúp cả VFF và VPF được lợi vì có nhiều doanh nghiệp muốn tài trợ đồng thời cả cho V.League lần các ĐTQG.

Thế nhưng, nhiều ý kiến không đồng tình với việc này vì cho rằng làm như vậy sẽ sai tôn chỉ mục đích ban đầu khi VPF ra đời. Bên cạnh đó, chưa chắc bầu Tú sẽ làm tốt vai trò khi ôm quá nhiều chức vụ đồng thời việc quyền lực tập trung quá nhiều trong tay một người dễ dẫn đến tình trạng thao túng.

Tại cuộc họp của Bộ VHTTDL với Tổng cục TDTT và VFF hôm 18.4, vấn đề lùm xùm liên quan đến bầu Tú –bầu Đức và công tác nhân sự trước thềm Đại hội khoá VIII của VFF được mang ra mổ xẻ.  Đấy là cuộc họp mà bầu Đức đã không tham dự với lý do “không có bằng đại học”. Thế nhưng, đấy là cách mà ông phản ứng với chính bầu Tú và cách làm việc của Tiểu ban nhân sự đại hội VFF.

Bầu Tú đã chính thức từ bỏ việc tranh cử chức Phó Chủ tịch VFF. Ảnh: M.C.

Và sau tất cả những tranh cãi, phát ngôn và lùm xùm, bầu Tú đã quyết định từ bỏ cuộc đua vào chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Thế nhưng, ông lý giải rằng: “Có những sức ép lớn nhắm vào việc tôi đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của bóng đá Việt Nam, nhưng đây không phải lý do dẫn tới quyết định này”.

Bầu Tú cũng chia sẻ trong tâm thư rằng: “Nếu những tranh cãi, khác biệt về quan điểm vẫn tiếp tục tồn tại thì hơn ai hết, bóng đá Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực. Tôi nghĩ rằng, khi chưa thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn cho bóng đá thì tôi không muốn bầu không khí bóng đá vốn mới nồng ấm trở lại ít ngày vừa qua trở nên căng thẳng. Nếu quyết định dừng lại lúc này có thể thu hẹp những ranh giới đang tồn tại, giúp bầu không khí bóng đá bớt căng thẳng và người trong cuộc cùng nhìn về tương lai nền bóng đá thì tôi cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình”.

Thực tế, việc từ bỏ của bầu Tú cũng khiến chính bản thân ông không thoải mái, ngược lại bầu Đức cũng chẳng thế hả hê khi phải “đánh cược” với bóng đá. Thế nhưng, từ chuyện bầu Đức – bầu Tú, nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam được khui ra. Và điều đó càng cho thấy những cái “loạn” đang tồn tại của bóng đá Việt Nam trước thềm đại hội.

Bầu Đức nói gì?

Trước quyết định rút lui của bầu Tú, bầu Đức cho biết: “Tôi rất hoan nghênh quyết định của anh Tú, làm vậy là dũng cảm, biết hy sinh cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Việc làm đó không chỉ tốt cho chính anh Tú, tốt cho tôi, tốt cho HAGL mà còn rất tốt cho bóng đá nước nhà.

Thực ra, tôi chẳng ghét bỏ gì anh Tú hết, chỉ đấu tranh cho quyền lợi của bóng đá Việt Nam cũng như CLB của mình. Giờ thì HAGL có thể yên tâm tiếp tục chơi V.League rồi vì mọi chuyện cũng đã ổn thỏa. Ai cũng nói tôi ghét anh Tú hay có mâu thuẫn nhưng tôi xin nhắc lại, tôi với anh Tú vẫn là bạn, gặp nhau vẫn có thể ngồi nhậu say bí tỉ chứ không có vấn đề gì cả”.

Bầu Đức cũng tuyên bố từ nay sẽ không còn nói về vấn đề một người kiêm nhiệm nhiều ghế quan trọng của bóng đá Việt Nam nữa. Ông cũng khẳng định không quay lại VFF ở nhiệm kỳ VIII.

Hưng Hà
.
.
.