Australia chi tỷ USD mua trực thăng Mỹ

Thứ Bảy, 09/10/2021, 13:30

Australia quyết định chi gần một tỷ USD mua trực thăng Seahawks của Mỹ để thay thế mẫu trực thăng MRH 90 Taipan do châu Âu sản xuất.

Hãng tin ABCNews ngày 9/10 dẫn thông báo của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ xác nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận bán 12 máy bay trực thăng quân sự loại Sikorsky Romeo Seahawk MH-60R cho Australia để thay thế những chiếc MRH 90 Taipan đã cũ do châu Âu sản xuất.

Australia tính loại trực thăng châu Âu, chi tỷ USD mua trực thăng Mỹ -0
Trực thăng Sikorsky Romeo Seahawk MH-60R. Ảnh: Getty Images

Thông báo của phía Mỹ cho hay giá trị 12 chiếc trực thăng kèm theo thiết bị liên quan và các dịch vụ khác lên đến 986 triệu USD. Tuy nhiên, Australia có thể cần chi đến 1,5 tỷ USD cho thương vụ này, bao gồm chi phí vận hành và bảo dưỡng lô trực thăng đến năm 2031.

"Australia là một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi ở Tây Thái Bình Dương. Vị trí chiến lược của cường quốc kinh tế và chính trị này góp phần đáng kể vào việc đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế trong khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ nêu thông điệp.

Cơ quan này khẳng định việc "hỗ trợ đồng minh phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng" có vai trò quan trọng với lợi ích quốc gia Mỹ.

Hải quân Australia hiện vận hành 24 chiếc MH-60R Seahawk tại căn cứ HMAS Albatross gần Nowra. Với 12 chiếc theo hợp đồng mới nhất, Australia sẽ sở hữu phi đội hùng mạnh với 36 chiếc MH-60R Seahawk.

Trong khi đó, nước này sở hữu 47 trực thăng Taipan. Chúng đã bị cấm bay hồi đầu năm nay do lo ngại về an toàn và khả năng bảo trì kém. Mẫu trực thăng do châu Âu sản xuất cũng được đánh giá là không phù hợp với một số loại vũ khí và buộc phải điều chỉnh thiết kế.

Thông báo về thương vụ máy bay mới của Mỹ và Australia được công bố sau khi Australia hồi tháng 9 vừa qua bất ngờ hợp đồng mua 12 tàu ngầm giá 40 tỷ USD của Pháp. Thay vào đó, Australia quyết định đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân dựa trên công nghệ được Mỹ và Anh cung cấp, theo thỏa thuận liên minh 3 bên có tên gọi AUKUS.

Thiện Nhân
.
.
.