Cuối năm “mách nhau” bùng nợ - hiện tượng cần lên án

Thứ Ba, 11/01/2022, 15:13

Vay tiền thì phải trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay, khi phát triển hình thức vay nợ qua app thì một số đối tượng cho rằng vay qua ứng dụng trên điện thoại, không gặp mặt nhau nên lợi dụng điều đó để tìm cách “bùng nợ”...

Càng đến cuối năm, nhu cầu vay nợ và đòi nợ càng cao, thì các đối tượng thuộc diện “muốn vay không muốn trả” ngày càng nhiều hơn. Thậm chí, họ còn lập thành “hội” trên mạng xã hội để dạy nhau cách bùng nợ không chỉ của các app “tín dụng đen” mà cả của các công ty tài chính được Nhà nước cho phép.

G là một thanh niên mới lớn nhưng đã sa đà vào các trò chơi trên mạng. Trò chơi nào G cũng biết, từ không mất tiền đến cả cá độ trên mạng. Cả ngày, G ôm chiếc máy tính, còn trên màn hình lúc nào cũng hiện những trò “xanh đỏ” nhấp nháy. Đến một ngày, điện thoại của mẹ G nhận được tin nhắn yêu cầu bà phải trả cho con trai một khoản nợ đã vay qua app. Tá hỏa, bà hỏi con trai, G thú nhận đã vay tiền của một app trên mạng để chơi trò chơi. Nhưng G thản nhiên bảo mẹ không phải lo… Rồi G bảo mẹ thay số điện thoại, mua sim mới và dặn mẹ nếu có số điện thoại lạ nào gọi điện đến thì không nên nghe nữa. Bà hỏi tại sao, G nói, như thế sẽ không phải nghe điện thoại đòi nợ nữa.

untitled-1.jpg -0
Một chia sẻ trên nhóm các thành viên “bùng” app vay “tín dụng đen”.

G kể rằng, G học được cách xù nợ như thế của một hội nhóm trên mạng. Không ngờ thằng bé mới lớn mà đã làm nhiều trò mà bà không thể tưởng tượng được, từ đó bà cấm tiệt điện thoại, máy tính và tất nhiên, để yên ổn, bà phải lo số tiền trả nợ cho con trai đã vay app ở trên.

Lần vào xem facebook của con, bà mới tá hỏa khi thấy tài khoản facebook trên mạng của con vẫn đang mở, và đang ở trên một nhóm có tên “hội bùng app vay tiền”. Rất nhiều các thành viên đã có mặt trên nhóm và chia sẻ cách “bùng app”. Các con nợ bày cho nhau cách tắt điện thoại, rời khỏi địa phương, khóa tài khoản xã hội facebook và zalo. Trước khi vay tiền, để tránh bị đòi nợ, con nợ thường cung cấp số điện thoại phụ khi vay, thông báo cho người thân, bạn bè không nghe số điện thoại lạ… Trên nhóm cũng có một số cá nhân bày cho nhau cách khi vay tiền, nếu bên cho vay yêu cầu cung cấp số điện thoại người thân, phòng trường hợp bị gọi điện gây áp lực đòi nợ, thì không cung cấp số điện thoại thật…

Những hội nhóm như thế này được tạo ra để chia sẻ, giúp đỡ nhau cách “bùng” trả nợ khi vay tiền qua app. Thử đăng ký tham gia vào các nhóm này, phóng viên đã phải khai đầy đủ thông tin, cũng như “lịch sử vay mượn” của mình. Và qua nhiều kiểm duyệt nữa mới được phê duyệt vào nhóm. Các thành viên trong nhóm đa số để hình đại diện với khuôn mặt không chính diện hoặc lấy đại một hình đại diện nào đó, không ai muốn rõ mặt trong những nhóm như thế này. Còn những người đã từng “bùng” app thì rất tự tin và thành thạo các cách “bùng” app, còn tự hào với “thành tích” bùng app nhiều lần. Tuy nhiên, những người nhận giúp đỡ cách “bùng” app không phải làm không công, mà người thuê sẽ phải trả cho họ một khoản hoa hồng.

Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, nhiều người đã không thể ngờ rằng, có một vài hội nhóm chia sẻ cách bùng app lại do chính nhân viên của các app vay tiền kiểu “tín dụng đen” tạo ra, nhằm thu hút thành viên và tương tác, tạo ra một cộng đồng “bùng nợ”. Nhưng những cách được chia sẻ là không dùng được; và mục đích thực sự được lập ra là để các thành viên nghe theo lời khuyên, tưởng ngon lành mà mạnh dạn vay tiền qua app “đen”, vì nghĩ là có thể trốn được nợ. Họ muốn khách hàng vay tiền càng nhiều càng tốt, vì họ đã có nhiều cách để đòi được nợ…

Để không vướng vào vòng xoáy nợ nần và bẫy “tín dụng đen”, hãy tránh xa tất cả những lời mời gọi vay tiền của những app cho vay tiền không phép nếu thực sự không có nhu cầu, bởi “không có miếng pho mát trong bẫy chuột”. Còn nếu thực sự có nhu cầu vay vốn, hãy tìm đến nguồn tín dụng rõ ràng và tất nhiên, khi có nhu cầu vay nợ cũng phải xác định kế hoạch trả nợ.

N.C
.
.
.