Xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực

Thứ Năm, 26/05/2022, 17:40

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, xã hội hóa cao sinh ra lạm dụng khoa học công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, vô tình làm giảm hiệu lực, hiệu quả của y tế cơ sở, đẩy hết lên tuyến trên, làm áp lực lên tuyến trên và nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng sẽ dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khám, chữa bệnh.

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Cần xem lại quy định bác sỹ nước ngoài phải thành thạo tiếng Việt

Về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là một trong những dự án luật quan trọng, nhất là qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa rồi, Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 30 về tình huống chưa được quy định trong luật hiện hành. Như khám bệnh từ xa, hay cũng qua đợt chống dịch bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhiều vấn đề đòi hỏi cần phải luật hóa.

"Ví dụ bệnh viện dã chiến phải "2 trong 1", vừa cho thành lập vừa cho hoạt động. Khám chữa bệnh từ xa trước đâychưa có cơ sở pháp lý, cuối năm 2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 12 mới cho áp dụng hình thức khám bệnh này", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ, chiều 26/5.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo Chủ tịch Quốc hội, có các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; cơ sở khám, chữa bệnh xã hội hóa tư nhân nhưng là doanh nghiệp xã hội; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận. Cần phải có cơ chế ứng xử khác nhau cho 3 loại hình này, làm rõ vai trò quản lý nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, đối với những cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì để cho tư nhân hoàn toàn định giá, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải thận trọng vì kinh nghiệm nhiều nước đã sai khi xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao. "Xã hội hóa cao sinh ra lạm dụng khoa học công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, vô tình làm giảm hiệu lực, hiệu quả của y tế cơ sở, đẩy hết lên tuyến trên, làm áp lực lên tuyến trên và nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng sẽ dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khám, chữa bệnh", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) khẳng định, xã hội hóa đối với y tế thực sự là công việc quan trọng mà bấy lâu nay bị sai phạm rất nhiều. "Vì vậy, hiện nay chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa lĩnh vực y tế để sớm trình Chính phủ", Bộ trưởng thông tin.

Xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực -0
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thảo luận tại tổ, chiều 26/5.

Theo ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội), việc quy định người nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh phải biết tiếng Việt thành thạo như dự thảo luận cần được nghiên cứu, xem xét. Thực tế nhiều bác sỹ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt, đặc biệt tiếng Việt không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

"Như ở Hà Nội, có một số phòng khám Hàn Quốc, Nhật Bản có bác sỹ trình độ chuyên môn cao, nếu chỉ cho phép các bác sỹ này khám cho người có cùng ngôn ngữ thì sẽ làm hạn chế quyền được tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân Việt Nam. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mời các bác sỹ có chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng những người dân Việt Nam lại không được sử dụng dịch vụ là không phù hợp", đại biểu phân tích.

Giữ thanh tra cấp huyện, nên hay không?

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tán thành với nguyên tắc, quan điểm của tờ trình và báo cáo thẩm tra, đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh tra, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nhằm kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, rộng hơn là quyền của các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tất cả quan điểm, nguyên tắc đó nhằm hướng đến mục tiêu sau khi sửa đổi luật sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của ngành thanh tra, hoạt động thanh tra, xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công trác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC).

Xã hội hóa y tế, giáo dục quá cao dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

"Đấu tranh PCTN,TC không chỉ là tác động của hoạt động thanh tra đối với xã hội, mà như chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC là phải phòng, chống được tiêu cực ngay trong hoạt động thanh tra và trong cơ quan thanh tra. Do đó, việc này phải đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch để đảm bảo các kết luận, kiến nghị thanh tra được đưa ra trên cơ sở đánh giá khách quan, không ai can thiệp được vào và giảm bớt phiền hà cho đối tượng được thanh tra" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây khi có đề án nghiên cứu muốn cơ quan thanh tra tập trung theo hướng lên trên, tập trung cho Trung ương và cho tỉnh, bỏ thanh tra cấp huyện. Tuy nhiên, đây chỉ là những định hướng, chưa phải văn bản pháp luật. Qua phân tích đánh giá nhiều ý kiến trong các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH và nhiều cơ quan đề nghị  giữ thanh tra 3 cấp, tập trung tăng cường năng lực thanh tra cấp huyện vì đây là cấp cơ sở gần dân nhất, nhiều việc nhất. Chính phủ cũng rất thống nhất nội dung này...

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) nêu thực tế thời gian qua số vụ việc thanh tra cấp huyện giải quyết là rất ít, hạn chế, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vai trò của thanh tra cấp huyện rất quan trọng vì không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp PCTN,TC.

 ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội) đánh giá, trong 63 tỉnh thành không nơi nào giống nơi nào nên không nhất thiết cái gì Trung ương có địa phương cũng phải có. Chẳng hạn, nhiều tỉnh, thành không có Ban kinh tế nhưng lâu nay kinh tế vẫn phát triển. Đối với một số huyện miền núi dân số rất ít, thu ngân sách rất thấp thì thanh tra cái gì? Nên chăng, tuỳ theo tình hình thực tiễn của từng địa phương để quy định...

An Quỳnh
.
.
.