Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả

Thứ Sáu, 31/03/2023, 15:59

Giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cho toàn ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển theo định hướng đã được đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Sáng 31/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1/4/1963-1/4/2023) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Cùng dự có đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành, lãnh đạo cơ quan đoàn thể ở trung ương và đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội... 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thư, lẵng hoa chúc mừng.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả  -0
 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng Ngân hàng Vietcombank danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ngân hàng Vietcombank tiền thân là Sở Quản lý ngoại hối Trung ương trực thuộc Ngân hàng quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/4/1963. Với sứ mệnh đặc biệt quan trọng là duy trì dòng huyết mạch ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam thông qua "Quỹ ngoại tệ đặc biệt", làm nên 1 trong 5 con đường huyền thoại - "Con đường tiền tệ" gắn với chiến công xuất sắc và sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của nhiều cán bộ, chiến sĩ; Vietcombank được Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với vai trò đặc biệt của mình, sau khi đất nước được thống nhất, Vietcombank đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chống lại bao vây, cấm vận, mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, kế thừa quyền hội viên của Việt Nam tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý với hơn 500 đơn vị ngân hàng đại lý trên toàn thế giới, mở văn phòng đại diện tại nước ngoài, trở thành ngân hàng đối ngoại duy nhất của Việt Nam thực hiện các hoạt động về ngoại tệ, thanh toán giao dịch quốc tế và cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu, cho vay và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn chung của đất nước.

Giai đoạn 10 năm gần đây, Vietcombank đã bứt phá mạnh mẽ và đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng, có tính lịch sử cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả và năng lực quản trị điều hành, từng bước hội nhập vững chắc với khu vực và quốc tế; luôn giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại hàng đầu của cả nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiên phong đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của ngành Ngân hàng và sự phát triển của đất nước.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả  -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực, quyết tâm cao và những thành tích xuất sắc mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động Vietcombank đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của ngành Ngân hàng và cả nước.

Thủ tướng nhắc lại, đánh giá khái quát kết quả đạt được của Vietcombank trong trong suốt hành trình 60 năm qua, trong Thư chúc mừng ngày 25/3/2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: "Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Vietcombank cũng luôn luôn phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo, tiên phong trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có những bước tiến vượt bậc, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gương mẫu chấp hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành Ngân hàng. Đến nay, Vietcombank đã có sự lớn mạnh, khẳng định vị thế, uy tín và có những đóng góp ngày càng lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Với những thành tích xuất sắc, toàn diện đã đạt được, Vietcombank đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Nhân dịp này, Vietcombank tiếp tục vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine vẫn còn căng thẳng; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, suy giảm tăng trưởng ở nhiều nước, nhất là các đối tác lớn của ta; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế có xu hướng gia tăng.

Nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động rất lớn từ bên ngoài, nhất là về thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ; trong khi đó dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, gây hậu quả nặng nề. Bối cảnh đó đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là hệ thống ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả  -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tham dự buổi lễ.

Thủ tướng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, nhất là trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức như đã nêu trên; tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; trong thiết kế, xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, cần lưu ý tìm giải pháp, cách làm, lộ trình phù hợp, hiệu quả để bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý về 4 vấn đề quan trọng: Giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; giữa tình hình bên trong và tình hình bên ngoài.

Thứ ba, rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay, gắn với kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ tư, bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội (nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ; nâng cao năng lực tài chính, quản trị và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị Vietcombank phát huy hơn nữa vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo, dẫn dắt thị trường của hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục tiên phong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa thực hiện tốt chức năng tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Hà An
.
.
.