Đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại

Thứ Tư, 15/12/2021, 14:05

Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay” ngày 15/12, đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã mượn ý của một nhà văn và nhấn mạnh: Đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại. Đây là hành trình khó nhọc nhưng đầy vinh quang và chắc chắn phải bắt đầu từ con người, hướng đến con người và vì con người Việt Nam.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, chủ đề hội thảo “VHNT với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay” mang tính thực tiễn cao, có ý nghĩa thời sự và mang tính lý luận rất cơ bản, lâu dài.

Hội thảo là hoạt động thiết thực, bổ ích góp phần cụ thể hóa những định hướng và nội dung quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại  -0
Đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Theo đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” đã khẳng định: VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc ta, VHNT nước nhà đã bền bỉ sáng tạo, bồi đắp bản sắc văn hóa, lương tri và phẩm giá dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, đời sống VHNT còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cùng bàn thảo, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng, nhận định xu hướng vận động, phát triển và đề xuất những giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp của VHNT nước nhà, hướng tới mục tiêu thực hiện khát vọng phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Cũng theo đồng chí Lại Xuân Môn, 5 nhóm vấn đề có tính chất gợi mở của hội thảo đề cập đến nhiều phương diện, cấp độ khác nhau về vị trí, vai trò của VHNT với sự phát triển bền vững đất nước hôm nay.

Những ý kiến tại hội thảo rất đa dạng, phong phú, song hội thảo cũng cần tập trung lý giải những vấn đề quan trọng khác. Đó là vấn đề sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử, về các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, về đạo đức xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra cam go, đầy thử thách,…

Đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại  -0
Ban tổ chức trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. 

Một nhà văn đã từng nói, đại ý: Đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại. Hành trình khó nhọc nhưng đầy vinh quang đó chắc chắn phải bắt đầu từ con người, hướng đến con người và vì con người Việt Nam.

“Nền VHNT nước nhà đang đứng trước sứ mệnh cao cả là trực tiếp góp phần khơi dậy khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, tôi tha thiết mong rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động VHNT hãy đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước hôm nay, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, cấp thiết để nhân dân ta được thưởng thức nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức. Đồng thời, chúng ta cần đề cao và phát huy hơn nữa khát vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, để vươn tới những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng tầm với cơ đồ, tiềm lực và uy tín, vị thế của đất nước, để phản ánh và xây dựng văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam trong thời đại mới. Các tác phẩm VHNT phải hướng tới bồi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, thấu hiểu sâu sắc lịch sử, văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại”.

“Đội ngũ lý luận, phê bình phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết tinh, hội tụ và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, tư tưởng của cha ông, tiếp thu tinh hoa nhân loại, phát triển nền văn nghệ nước nhà. Tự do sáng tác phải đi đôi với tự do phê bình và phê bình thực sự là  người bạn đồng hành thấu hiểu, đồng cảm, góp phần điều chỉnh, định hướng cho sáng tác”, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí cũng đề nghị: Các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của VHNT, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm phấn đấu, sáng tạo. Xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, lắng nghe ý kiến phản biện, đảm bảo cho văn nghệ sĩ hiểu rõ về quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm.

Đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý lĩnh vực VHNT phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội chuyên ngành VHNT Trung ương và địa phương tổ chức nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, rào cản, từ đó kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm VHNT có giá trị. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách khoa học, sát với thực tế, đảm bảo tự do sáng tác, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Rà soát, bổ sung cơ chế đầu tư, tài trợ, đặt hàng, cơ chế thi đua khen thưởng, tôn vinh để tạo động lực và điều kiện đảm bảo cho các tác phẩm phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển trở thành dòng chủ lưu trong đời sống VHNT.

Hoa Nguyễn
.
.
.