Đề nghị bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã

Thứ Hai, 25/10/2021, 10:41

Sửa đổi đáng chú ý trong Bộ luật Tố tụng hình sự là về quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, đồn Công an.

Sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo chương trình, dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Việc sửa đổi này nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, việc ban hành Luật đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nói riêng và quy định phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.

Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý trong Bộ luật là về quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, đồn Công an; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” về thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.

Đề nghị bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh  tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã  -0
Đề nghị bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh  tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã  -1
Các cán bộ Công an xã giúp đỡ người dân

Hiện nay, tất cả Công an xã đã được Bộ Công an tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, xử lý ngay các vụ việc tại địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hiện hành chưa quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, đồn Công an.

Việc này dẫn đến Công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy; không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi Bộ luật này, Viện KSND Tối cao đề nghị bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, đồn Công an). Nhất trí với quan điểm của Viện KSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc Bộ Công an đã bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã giống như Công an phường, thị trấn, đồn Công an là phù hợp và cần thiết.

Việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, gần 2 năm qua, Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 Công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 Công an chính quy/xã; có xã 5 người, có xã 7-8 người. Có xã thuộc huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh có 50 cán bộ, chiến sỹ Công an, vì xã có tới 130.000 dân, gần bằng nửa tỉnh khác, có 2.000 khách sạn. Nếu Công an xã chính quy chỉ 5 người sẽ không đảm bảo công việc. Vừa qua, Bộ Công an tiếp tục tăng cường gần 400 cán bộ xuống các xã biên giới. Đây là nơi mà những vấn đề liên quan an ninh, biên giới, tôn giáo, dân tộc, dịch COVID-19 rất phức tạp

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, trong số cán bộ Công an chính quy, trên 50% có trình độ đại học, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan điều tra hình sự.

“Xã, phường đứng về mặt hành chính là ngang nhau, nhưng hiện quy mô Công an phường, thị trấn rất lớn. Quy mô của xã chỉ bằng 1/5 của phường, nhưng thực tế có nhiều xã phức tạp hơn phường nhiều. Như những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp; có những xã đi trong xã không thôi cũng gần trăm cây số, nếu chúng ta không tổ chức việc này, người dân chưa bao giờ được hưởng thụ những vấn đề bảo đảm về an ninh, trật tự, những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện càng xa... Gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng," Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Phương Thuỷ
.
.
.