Bảo lãnh và đặt tiền thay thế hình thức tạm giam có điều kiện chặt chẽ

Thứ Hai, 20/03/2023, 18:35

Mục tiêu cao nhất là để thực thi pháp luật cho đúng, điều tra vạch trần được bản chất vụ án, không để những bị can, bị cáo đối phó với hoạt động điều tra gây phức tạp

Chiều 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chính các chất vấn của đại biểu.

Thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền thế nào để tránh vụ lợi

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chất vấn về đánh giá việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết quy định của pháp luật, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, sự xác nhận của chính quyền...

Bảo lãnh và đặt tiền thay thế hình thức tạm giam có điều kiện chặt chẽ -0
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng cho biết, đối với các trường hợp thực hiện bảo lãnh nhưng sau đó đối tượng được bảo lãnh bỏ trốn hoặc phạm tội khác thì cần làm rõ quy trình xem xét, quyết định, thực hiện có đúng quy định của pháp luật hay không. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật.

Trả lời thêm về câu hỏi này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết,  đây không phải là ý chí của cơ quan điều tra, để thực hiện được cũng cần rất nhiều điều kiện khác nhau. “Nhưng mục tiêu cao nhất là để thực thi pháp luật cho đúng, điều tra vạch trần được bản chất vụ án, không để những bị can, bị cáo đối phó với hoạt động điều tra gây phức tạp” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Trách nhiệm của kiểm sát viên khi bị trả hồ sơ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi về trách nhiệm của kiểm sát viên khi xảy ra tình trạng bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì trong vụ án hình sự, kiểm sát viên kiểm sát ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự xuyên suốt giai đoạn điều tra và trực tiếp kiểm sát hoạt động điều tra. Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, đây là một chế định tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và bản thân chế định này không có yếu tố tích cực hay hạn chế mà là biện pháp đảm bảo không để oan sai và bỏ lọt tội phạm. Trả hồ sơ điều tra bổ sung là biện pháp kỹ thuật để đảm bảo công tác điều tra được diễn ra kỹ càng, toàn diện, đúng người, đúng tội.

“Thời gian qua, ngành kiểm sát đưa ra tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan là không quá 5%. Đối với các vụ án lớn, Trung ương theo dõi, được đưa ra truy tố xét xử trong thời gian vừa qua đều trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có nội dung phức tạp cần phải làm rõ”- Viện trrưởng Viện KSND Tối cao thông tin.

Đánh giá về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, không nên coi việc này như một hạn chế nhưng cũng phải đảm bảo việc áp dụng thực hiện ở một tỷ lệ, mức độ phù hợp. Cạnh đó cũng cần có kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện này để đảm bảo không xảy ra tình trạng lạm dụng.

Không chủ đích vụ lợi thì nên xem xét

Liên quan đến bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, cần xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt để răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, hay cấp trên gợi ý mà cấp dưới phải chấp hành, hay cấp dưới tham mưu nhưng không sát, không đầy đủ hay có yếu tố rủi ro bất khả kháng mà khi họ chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, hợp tác thì có thể miễn, giảm, tha nhưng áp dụng luật hiện hành có vướng. “Đất nước phát triển như thế này mà khối lượng công việc lớn, không chủ đích vụ lợi thì đề nghị nên rà soát, sửa lại điều luật cụ thể vì hậu quả không lớn mà bị xử lý hình sự” – Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhấn mạnh.

Bảo lãnh và đặt tiền thay thế hình thức tạm giam có điều kiện chặt chẽ -0
Các đại biểu tại phiên chất vấn.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, với vụ án lớn như vụ Việt Á, cơ quan điều tra, VKS, tòa án ngồi với nhau nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chủ trương chính sách hình sự phân hóa làm 3 loại: Xử lý nghiêm, giảm và không xử lý hình sự mà chỉ xử lý về mặt Đảng, hành chính. Tuy vậy, đó là với vụ án cụ thể thì cơ quan chức năng tham mưu đề xuất, còn tổng thể áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa có. Chính vì vậy, ông từng kiến nghị rằng, phải cụ thể hóa bằng luật từ văn bản của Đảng khi làm sai do chấp hành mệnh lệnh cấp trên thì không kỷ luật. Đảng không kỷ luật nhưng hành vi cụ thể là vi phạm pháp luật cộng với gây ra hậu quả thì vướng. Vừa rồi, như phương án xử lý vụ Việt Á là vận dụng pháp luật và xin chủ trương chứ không áp dụng pháp luật được.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao dẫn ví dụ theo quy định chỉ thiệt hại 100 triệu đồng đã khởi tố và xử lý hình sự rồi thì trong tình hình đất nước phát triển như hiện nay không còn phù hợp. “Chế tài khung hình phạt tù nên giảm và tăng phạt tiền để đảm bảo vừa xử lý nghiêm chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt, vụ lợi, vừa nhân văn với người có rủi ro. Tôi muốn cái nào nghiêm thì phải xử nghiêm để răn đe, giáo dục, nhưng cũng có cái phải nhân văn để phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ nhằm phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay” – Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nêu quan điểm.

Thẳng thắn giải trình làm rõ nhiều vấn đề

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; câu hỏi phản ảnh sát với diễn biến thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, cùng các Bộ trưởng và trưởng ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc, cầu thị và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, thẳng thắn giải trình làm rõ nhiều vấn đề. 

Bảo lãnh và đặt tiền thay thế hình thức tạm giam có điều kiện chặt chẽ -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong nghị quyết này và yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng ngành quan tâm triển khai thực hiện. Cụ thể, trong công tác xét xử, đề nghị tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, chấp hành nghiêm thời hạn xét xử được luật định. Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.

Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải tại Tòa án để giảm bớt các vụ án phải mở phiên tòa xét xử và góp phần giải quyết triệt để hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần giảm thiểu thời gian, công sức cho người dân, cơ quan tổ chức tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí cho xã hội; tăng hiệu quả giải quyết đối với một số loại án, nhất là án hành chính; chỉ đạo các tòa án có biện pháp khắc phục khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng; khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan. Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hiện quyền công tố. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên. Mọi quyết định phê chuẩn việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác phải bảo đảm đúng căn cứ, điều kiện theo luật định…

Thu Thuỷ
.
.
.