“Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN”

Chủ Nhật, 28/07/2024, 07:31

Từ ngày 21 đến 27/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào. Tham dự là các bộ trưởng ngoại giao và quan chức chính phủ của hơn 30 quốc gia và hơn 1.000 đại diện nước ngoài cùng có mặt để thúc đẩy các chủ đề như hợp tác trong cộng đồng ASEAN, duy trì an ninh, ổn định khu vực và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10 tới.

Giới phân tích chỉ ra rằng dù là hợp tác ASEAN hay hợp tác Đông Á thì đều là xu hướng lịch sử. Mặc dù toàn cầu hóa gặp một số trắc trở, nhưng xu hướng hội nhập khu vực Đông Á không thể đảo ngược. Tuy nhiên, tiến trình hợp tác khu vực vẫn bị can thiệp và gây cản trở bởi các yếu tố địa chính trị và các thế lực bên ngoài. Quan trọng nhất là các nước trong khu vực phải giữ vững lập trường ban đầu cũng như không chọn phe.

Với chủ đề “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN”, hội nghị lần này tập trung vào 9 hạng mục ưu tiên chính, 4 trong số đó liên quan đến “Tăng cường kết nối ASEAN” (bao gồm hội nhập và kết nối kinh tế, xây dựng tương lai bền vững toàn diện, chuyển đổi kỹ thuật số và văn hóa - nghệ thuật), 5 trong số đó xoay quanh Thúc đẩy tự cường ASEAN (bao gồm chuẩn bị cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, phụ nữ - trẻ em và y tế).

“Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN” -0
Chủ đề của Hội nghị lần này là “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN”.

Xoay quanh các chủ đề và 9 hạng mục ưu tiên, hội nghị lần này sẽ tập trung vào các vấn đề như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 tới, thúc đẩy hợp tác trong cộng đồng ASEAN và tăng cường an ninh khu vực. Trong đó, “hợp tác” và “hòa bình” đã trở thành khát vọng của các nước ASEAN.

Về mặt hợp tác, các chủ đề như kết nối và chuyển đổi kỹ thuật số đã dẫn đến các cuộc thảo luận sôi nổi giữa các bên tham gia. Kết nối là sự hỗ trợ quan trọng cho “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”. Việc ASEAN đưa chủ đề này trở thành một phần chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này là điều dễ hiểu. Nó bao gồm 3 phương diện: Kết nối vật lý, kết nối về quy định và cơ chế, kết nối nhân sự; cũng bao gồm hợp tác trên các lĩnh vực như an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội... Trong đó, chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp bách mà các nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN phải đối mặt”.

Nhiều nước ASEAN đã đề xuất chiến lược công nghiệp 4.0, trong đó thúc đẩy chuyển đổi số để ứng phó với cuộc cách mạng công nghệ mới. Về hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, kinh tế số đã trở thành điểm tăng trưởng mới. Cả hai bên cam kết vượt qua sự cạnh tranh trong các ngành công nghiệp truyền thống để triển khai hợp tác hỗ trợ trong các lĩnh vực mới nổi.

Về mặt hòa bình, trong những năm gần đây, cùng với việc các cường quốc tăng cường cái gọi là “cạnh tranh nước lớn”, tình hình khu vực Đông Nam Á ngày càng phức tạp. Tình hình Biển Đông, phi hạt nhân hóa khu vực và tình hình ở Myanmar đều là những vấn đề trọng điểm mà ASEAN quan tâm.

Trung Quốc từ lâu bày tỏ sẵn sàng đi đầu trong việc ký kết nghị định thư về Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Theo Malaysia, ASEAN có kế hoạch thảo luận các vấn đề liên quan với đại diện Mỹ. Là một trong 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân được quốc tế công nhận, Mỹ tỏ ra ít quan tâm đến vấn đề này.

Cùng với việc Mỹ thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và thành lập AUKUS, các nước Đông Nam Á lo ngại việc tàu ngầm hạt nhân tuần tra ở khu vực Biển Đông trong tương lai sẽ đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực. Mặt khác, một số nước ASEAN xuất phát từ nhu cầu năng lượng, không ngừng phát triển năng lượng hạt nhân. Vì thế, cần một cơ chế kiểm soát để tránh việc chuyển đổi năng lượng hạt nhân thành vũ khí hạt nhân.

Thực tế, địa vị trung tâm của ASEAN không phải là ngôn từ ngoại giao, mà về mặt chiến lược đã đặt ASEAN vào địa vị hạt nhân trong xây dựng trật tự khu vực. Thái độ của ASEAN sẽ quyết định phần lớn khả năng cuộc Chiến tranh Lạnh mới có xuất hiện ở khu vực Đông Á hay không. ASEAN không chọn bên, duy trì tự chủ chiến lược, giữ vững địa vị trung tâm trong hợp tác khu vực, đối đầu giữa các nước lớn và chia rẽ theo phe sẽ không thể xuất hiện.

Vài trò trung tâm của ASEAN không những là trọng tâm để xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực, mà còn thể hiện tầm nhìn của ý tưởng và giải pháp hội nhập khu vực. Khi xử lý vấn đề điểm nóng an ninh khu vực, ASEAN đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thành công. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ý tưởng tìm kiếm an ninh thông qua đối thoại hợp tác đã hình thành. Hiệp định thương mại tự do của khu vực Đông Á đầu tiên là do ASEAN khởi xướng. Trí tuệ chiến lược được ASEAN thể hiện trong hội nhập khu vực là trọng tâm của vai trò trung tâm ASEAN. Trí tuệ và thực tiễn của ASEAN về an ninh và phát triển khá giống với quan niệm của Sáng kiến an ninh toàn cầu và Sáng kiến phát triển toàn cầu do Trung Quốc đưa ra, nhưng lại hoàn toàn khác với khuôn khổ nhận thức chiến lược đối đầu nước lớn, chia rẽ theo phe phái, tách rời và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để tránh rủi ro khu vực đi theo hướng mạng lưới hóa liên minh quân sự, cần lấy nền tảng là liên kết khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực xây dựng trật tự khu vực cân bằng và bền vững, coi trọng thiết lập cả an ninh lẫn phát triển.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.
.