Nóng chuyện tiêm vaccine ở Thủ đô

Chủ Nhật, 12/09/2021, 08:45

Mở thêm nhiều điểm tiêm lưu động tại các phường, xã; không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm; tranh thủ tiêm cả buổi tối; huy động toàn bộ lực lượng y tế trên địa bàn đồng thời tăng nhân lực từ các tỉnh hỗ trợ,… - với những quyết sách đó, Hà Nội đang trong giai đoạn thần tốc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Đích gần nhất đặt ra đến ngày 15-9 sẽ hoàn thành tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân Hà Nội từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho người đủ điều kiện. Có lẽ chưa bao giờ chuyện tiêm vaccine lại nóng từ trong nhà ra ngoài phường, xã như những ngày qua.

Mất ăn mất ngủ vì vaccine ngừa COVID-19

“Được tiêm vaccine chưa?”, “tiêm vaccine gì?”, “sau tiêm có phản ứng không?” là những câu hỏi phổ biến trong nhà, ngoài phố, trở thành nội dung được quan tâm hàng đầu ở thủ đô những ngày qua. Cùng với đó, không khí tại các điểm tiêm vaccine nóng hơn bao giờ hết. Ca tiêm đầu tiên ngày 8-9 tại điểm tiêm lưu động Nhà văn hóa phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy được thông báo bắt đầu từ 7 giờ 30 phút. Nhưng ngay từ sáng sớm người dân đã đến xếp hàng chờ sẵn. Có đến 15 cán bộ y tế vừa khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm. Ngoài ra còn huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên, cán bộ phường, vậy mà công việc vẫn tất bật và quá tải.

Nóng chuyện tiêm vaccine ở Thủ đô -0
Khám sàng lọc cho người dân đến tiêm vaccine COVID-19 tại điểm tiêm lưu động Nhà văn hoá phường Yên Hoà sáng 8-9.

Trao đổi với phóng viên An ninh thế giới tại điểm tiêm, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết trong ngày 8-9, tất cả người dân đều được tiêm vaccine AstraZeneca liều lượng 0,5ml để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch.

Bà Đoàn Thị Kim Huế, 63 tuổi, phường Yên Hòa được hẹn tiêm lúc 7 giờ sáng. Nhưng đến gần 9 giờ bà vẫn phải ngồi nghỉ tại chỗ để theo dõi huyết áp trước khi tiêm. Bà bảo cả bà, chồng và con trai đều đăng kí tiêm qua “Sổ sức khoẻ điện tử” từ ngày 24-8. Càng chờ đợi bà càng sốt ruột, vì dịch bệnh căng thẳng, nhà có hai cháu nhỏ, chỉ sợ người lớn nhiễm bệnh rồi lây cho trẻ con. Tối hôm trước, bất ngờ tin nhắn đổ về máy bà, rồi đến chồng bà và con trai đều nhận được thông báo tiêm mũi 1 khiến cả nhà bà đều phấn khởi. “Lúc chưa được tiêm thì tôi lo lắng, mong ngóng đến mất ăn mất ngủ. Nhưng khi nhận được tin nhắn mừng quá cũng không ngủ được cô ạ. Đến điểm tiêm mà trống ngực tôi cứ đánh liên hồi” – bà Huế chia sẻ.

Tại khu vực tiêm, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – Phó trạm trưởng Trạm Y tế phường Yên Hòa đang tất bật quán xuyến hoạt động tiêm vaccine. Bà cho biết để phục vụ hơn 500 người tiêm/ngày, không chỉ đội ngũ cán bộ y tế phường mà có các y bác sĩ ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, Bệnh xá Sư đoàn 361, các em sinh viên y khoa, tổ cấp cứu lưu động của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Để 7 giờ 30 phút có thể tiêm cho người dân thì êkíp tiêm phải đến trước đó cả tiếng đồng hồ để nhận vaccine và chuẩn bị cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ tiêm.

Các điểm tiêm đã nóng, ở các tổ dân phố cũng xôn xao không kém. Đợt tiêm này ưu tiên người trên 65 tuổi nên các bậc cao niên rất chăm chú việc tiêm vaccine. Cả tháng nay, ông Võ Xuân Tiu – Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, phường Yên Hòa tất bật vì chuyện tiêm vaccine. Tổ dân phố số 7 đa phần là cán bộ hưu trí, tuổi đã cao nên không phải ai cũng biết đăng kí tiêm online trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử". Cách hữu hiệu nhất là in mẫu đăng kí tiêm và phát cho từng gia đình, chậm nhưng chắc. Ông tổ trưởng ngày đi mấy lượt, hết phát phiếu lại thu phiếu, rồi lại phát bổ sung, thu bổ sung. Bà con mong ngóng đi tiêm, ngày nào cũng nhắn tin, gặp ở đâu cũng hỏi tình hình qua ông tổ trưởng.

Nóng chuyện tiêm vaccine ở Thủ đô -0
Một cụ ông được tiêm vaccine COVID-19 tại điểm tiêm Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa.

Nhiều ông bà không dùng điện thoại di động, chỉ liên lạc qua máy điện thoại bàn. Thành thử phường có muốn gửi tin nhắn mời tiêm cũng khó. Ông tổ trưởng phải đứng ra làm đầu mối liên lạc, nắm lịch tiêm để nhắc nhở, đốc thúc từng người. Người trẻ cứ đến ngày đến giờ là đi tiêm, còn các ông bà cao tuổi tuy hào hứng đi tiêm nhưng hay lo lắng, chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng để đối phó với các “kịch bản sau tiêm”.

Có bà mua đầy đủ thuốc hạ sốt,  oresol để sẵn; có bà trước khi đi tiêm đã “lệnh” con cháu đến ở cùng vài ngày để “theo dõi diễn biến”. Lại có ông cẩn thận trước khi đi tiêm mang chìa khóa nhà gửi hàng xóm, không quên dặn “khi thấy nhà tôi không có động tĩnh gì thì mở cửa xông vào cứu nguy”. Cả tổ dân phố hừng hực khí thế lên đường… đi tiêm.

Theo ông Tiu, hiện nay có tình trạng nhiều người “mượn” địa chỉ cụ thể ở phường để đăng kí tiêm trên “Sổ sức khoẻ điện tử”. Lại có người cùng một lúc “mượn” đến mấy địa chỉ để đăng kí tiêm ở nhiều nơi cho chắc. Chính điều này đã tạo ra danh sách ảo tiêm vaccine dẫn đến việc dự trù vaccine không sát với số người thực tế đến tiêm. Để loại bỏ danh sách ảo, tổ trường tổ dân phố kết hợp tổ COVID-19 cộng đồng tiếp tục đi rà soát số người đã tiêm, chưa tiêm sau đó báo về phường để bảo đảm phân bổ, sử dụng vaccine hiệu quả.

Điểm tiêm lưu động đến rất gần dân

Chiều ngày 8-9, tại điểm tiêm Trường Tiểu học Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), mặc dù trời mưa tầm tã nhưng người dân vẫn kiên nhẫn xếp thành hàng dài hàng chờ tiêm vaccine. Không gian rộng rãi của Trường Tiểu học Phương Mai vừa được xây mới khang trang, hiện đại rất thuận lợi cho việc tổ chức tiêm vaccine chặt chẽ, đảm bảo phòng dịch. Dự kiến trong ngày 8-9, điểm tiêm này sẽ hoàn thành 914 mũi tiêm. Trong đó buổi sáng tiêm mũi AstraZeneca cho người già trên 65 tuổi, buổi chiều tiêm trả mũi 2 Moderna cho những người đã tiêm mũi  1 từ đầu tháng 8.

Chị Đậu Thu Hiền (40 tuổi) ở tổ 11, phường Phương Mai, đang mang bầu ở tuần 39 nhưng vẫn đồng hành cùng chồng đến điểm tiêm. Chồng chị - anh Thomas Andrews là người Canada hôm nay tiêm mũi 2 vaccine Moderna.

Nóng chuyện tiêm vaccine ở Thủ đô -0
Anh Thomas Andrews người Canada được tiêm vaccine tại điểm tiêm Trường Tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa chiều ngày 8-9.

Anh bảo, lần tiêm trước anh đau chỗ tiêm và hơi mệt, hy vọng lần này phản ứng cũng nhẹ nhàng như thế. Anh Thomas đã sống ở Việt Nam 5 năm và là giáo viên ở Hà Nội. Anh đăng kí tiêm qua “Sổ sức khoẻ điện tử” và nhanh chóng được đi tiêm. Chị Hiền cũng đã đăng kí tiêm và rất mong mỏi được tiêm vaccine trước khi sinh con. “Tôi may mắn ở Việt Nam thời điểm này, được tạo điều kiện tiêm vaccine. Vợ chồng tôi đều mong được tiêm vaccine để giữ an toàn cho mình và cho cộng đồng, cho cả con của chúng tôi sắp chào đời nữa”, anh Thomas xúc động chia sẻ.

Theo bà Hoàng Thị Bảo Phương - Chủ tịch UBND phường Phương Mai thì những bà mẹ mang thai trên 13 tuần như chị Hiền là đối tượng được ưu tiên tiêm     vaccine đợt này. Tuy nhiên các bà bầu sẽ được lập danh sách riêng và đến tiêm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương để được theo dõi sát sao. Đặc biệt nhất đợt này đã ưu tiên tiêm cho người già trên 65 tuổi. Chứng kiến cảnh các cụ cao tuổi ngồi xe lăn, chống gậy đến điểm tiêm, bà Phương thực sự  xúc động và có động lực để tổ chức tốt các khâu tiêm chủng.

Khâu tổ chức tiêm cho người cao tuổi rất cần sự khéo léo, tinh tế. Vì vậy ở điểm tiêm này, người trên 65 tuổi đã được sắp xếp tiêm riêng một ngày. “Các ông bà cùng xếp hàng, cùng chờ tiêm sẽ dễ chia sẻ với nhau hơn, tiêm tuần tự, công bằng. Còn đối với bác sĩ, khi khám sàng lọc và tiêm cũng sẽ có thái độ ổn định với người cao tuổi. Khâu tổ chức sắp xếp cũng khác, đối với người trẻ thì 80 người/ca tiêm, với các ông bà thì nhịp điệu cần chậm rãi hơn, chỉ xếp 60 người/ca tiêm”, bà Phương phân tích.

Cũng theo bà Phương, người dân tham gia tiêm    vaccine COVID-19 ngày một tích cực và chủ động hơn. Nếu như cách đây vài tuần, có một bộ phận người dân còn băn khoăn, do dự thì đến thời điểm này họ đã chủ động đăng kí tiêm. Điều này có thể lý giải được. Thứ nhất, trước kia người dân biết thông tin có một số ca tai biến sau tiêm nên họ có phần lo lắng, muốn trễ lại một chút để tìm hiểu thêm, quan sát thêm. Nhưng bây giờ, họ đã thấy lợi ích của việc tiêm vaccine nên đã hào hứng, vững tâm đi tiêm. Thứ 2, người dân thấy tin tưởng vào công tác tổ chức các đợt tiêm an toàn, thuận lợi tại các phường, xã. Thứ 3, các điểm tiêm lưu động đã đến gần dân nhất, thuận tiện đi lại, thu hút được người dân đi tiêm.

Không được chủ quan

Nóng chuyện tiêm vaccine ở Thủ đô -0
Người dân chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Nhà văn hóa phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Với tâm lý nóng lòng muốn được đi lại làm việc, giao lưu sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều người sau khi tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 mong muốn sẽ được “nới lỏng” các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩncấpsự kiện y tế công cộng ViệtNam đã lý giải rằng việc tiêm đủ 2 mũi      vaccine rất có ý nghĩa đối với cá nhân người tiêm vì họ sẽ không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong. Nhưng người đó vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.

Chỉ khi nào chúng ta có miễn dịch cộng đồng, tức là khi tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ đạt mức 70% dân số được tiêm đủ liều 2 mũi vaccine và vaccine có hiệu lực cao, thì người chưa được tiêm mới không bị lây bệnh từ người đã tiêm đủ vaccine khi tiếp xúc, nếu như khi người đã tiêm bị nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không nên ỷ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Vẫn cần tuân thủ chủ trương chung về cách ly, giãn cách hay phong tỏa, cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K. Bộ Y tế hiện chưa có quy định riêng với người đã tiêm đủ liều vaccine.

Ngày 9-9, Bộ Y tế đã cấp cho Hà Nội 999.600 liềuvaccine Vero Cell của Sinopharm để tiếp tục triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 13 trên địa bàn thủ đô. Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ về cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố để tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định. Cụ thể, phân bổ lượng vaccine của Sinopharm nhiều nhất cho quận Hoàng Mai với gần 147.000 liều, Hà Đông gần 104.000 liều, Đống Đa gần 86.000 liều, Thanh Trì có 70.000 liều, Cầu Giấy có gần 68.000 liều, Thanh Xuân gần 64.000 liều, Hai Bà Trưng có gần 62.000 liều, Bắc Từ Liêm gần 55.000 liều. Tính đến ngày 8-9, Hà Nội đã tiêm được khoảng 3,78 triệu liều vaccine. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vaccine hiện khoảng 57%.

Huyền Châm
.
.
.