Israel: Đằng sau những cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp

Thứ Hai, 06/03/2023, 18:14

Chính phủ bảo thủ mới của Israel đã bắt đầu đưa ra kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp, dẫn đến các cuộc biểu tình công khai lớn nhất từ trước đến nay để chống lại các biện pháp được đề xuất.

Trung tuần tháng 2 vừa qua, trong lúc hàng chục nghìn người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội (Knesset) thì ở bên trong, dự luật đầu tiên bao gồm một số nội dung cơ bản của kế hoạch cải cách tư pháp đã được Ủy ban Hiến pháp, Luật pháp và Tư pháp thông qua. Tuy nhiên, trong quá trình tranh luận, tình trạng hỗn loạn cũng đã diễn ra.

Lo ngại nền dân chủ bị xói mòn

Những thay đổi tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã vấp phải một số cuộc biểu tình lớn nhất từng xảy ra ở Israel trong 2 tháng kể từ khi ông trở lại nhiệm sở. Vụ việc này là chất xúc tác giúp đoàn kết nhiều nhân tố của một xã hội vốn bị phân cực. Các thành viên của cộng đồng Chính thống cực đoan, cựu quân nhân và giám đốc điều hành trong ngành công nghệ đã xuống đường biểu tình vì lo ngại các biện pháp đó sẽ khiến nền dân chủ bị xói mòn.

Israel: Đằng sau những cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp -0
Cuộc tranh luận về các biện pháp cải tổ tư pháp tại ủy ban hiến pháp, luật pháp và tư pháp Israel diễn ra trong hỗn loạn.

Chính phủ mới của Israel đang thúc đẩy một kế hoạch nhằm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa 3 nhánh của chính phủ thông qua Knesset. Luật này trao cho thủ tướng và chính phủ - thông qua cơ quan lập pháp mà họ kiểm soát - quyền bác bỏ các quyết định của Tòa án Tối cao. Nó cũng hạn chế khả năng của tòa án trong việc bác bỏ các đạo luật vi phạm quyền con người và quyền công dân, đồng thời trao cho chính phủ toàn quyền kiểm soát việc bổ nhiệm các vị trí trong ngành tư pháp. Kế hoạch này đã vấp phải những lợi chỉ trích của gần như toàn bộ cơ sở pháp lý, với các tổng chưởng lý, chánh án Tòa án Tối cao và hàng chục cựu thẩm phán gọi đó là mối đe dọa đối với nền dân chủ Israel. Nó cũng làm dấy lên những cảnh báo bất thường từ các đồng minh của Israel ở nước ngoài, trong đó bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như những người ủng hộ Israel trong cộng đồng Do Thái ở Mỹ.

Ngoài ra, các quan chức kinh tế và tài chính hàng đầu bao gồm Thống đốc Ngân hàng Israel, giám đốc điều hành của các ngân hàng trong nước, các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính và các nhà lãnh đạo ngành công nghệ cao nổi tiếng của Israel đã cảnh báo rằng kế hoạch này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của Israel. Kế hoạch cải tổ đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ vì nó mang lại quyền lực gần như tuyệt đối cho chính phủ, loại bỏ sự kiểm soát và đối trọng đã bảo vệ nền dân chủ của Israel trong nhiều thập kỷ.

Không giống như các nền dân chủ phương Tây khác, Israel không có hiến pháp và sự tách biệt giữa ngành hành pháp và lập pháp là rất mong manh vì chính phủ hầu như luôn chiếm đa số trong Knesset. Tình trạng này đã khiến Tòa án Tối cao trở thành cơ quan kiểm soát chính đối với quyền lực của chính phủ; kế hoạch hiện tại sẽ làm tê liệt Tòa án Tối cao và khiến Israel không còn tiến trình rà soát tư pháp đối với các quyết định của nội các và luật pháp. Kể từ khi chính phủ công bố kế hoạch đó vào tháng trước, Israel đã chứng kiến một làn sóng phản đối, với hàng trăm nghìn người tham gia biểu tình ở Tel Aviv, Jerusalem và các thành phố khác.

Ủy ban Hiến pháp, Luật pháp và Tư pháp Knesset đã tổ chức cuộc bỏ phiếu về chủ đề này, kích động các tổ chức xã hội dân sự tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngày, kêu gọi người Israel đình công và tập trung tại Jerusalem để phản đối. Hàng trăm nghìn người đã tham gia biểu tình, mặc dù điều đó không ngăn được liên minh cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đúng như dự đoán. “Cuộc chiến” sẽ còn tiếp tục bởi vì luật này hiện được chuyển sang Knesset, nơi nó sẽ cần được thông qua trong 3 vòng bỏ phiếu. Phong trào phản đối đã chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Thế cân bằng

Liên minh của ông Netanyahu chiếm đa số trong Knesset với tỷ lệ 64- 56, nhưng phong trào biểu tình đã tạo ra một thế cân bằng với chính phủ. Ngành công nghệ cao của Israel, lĩnh vực tạo ra một phần lớn doanh thu thuế của đất nước, đang đóng một vai trò mạnh mẽ trong các cuộc biểu tình và đình công. Ngoài ra, chính phủ đang lo ngại về xu hướng ngày càng tăng khi có làn sóng người Israel chuyển tiền của họ ra nước ngoài. Một số công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ USD đã công bố những quyết định như vậy và người ta tin rằng nhiều công ty khác cũng đang âm thầm làm theo.

Các nhà lãnh đạo ngân hàng đã cảnh báo ông Netanyahu rằng họ đang nhận thấy dòng tiền đang chảy ra khỏi đất nước, trong khi đồng shekel đang suy yếu so với đồng USD. Điều quan trọng không kém là kết quả của các cuộc thăm dò dư luận: Sự phản đối mạnh mẽ đối với cuộc cải tổ tư pháp dưới hình thức hiện tại. Một cuộc thăm dò của Kênh 12 từ giữa tháng 2 cho thấy đa số người Israel muốn chính phủ tạm dừng cải tổ và khởi động một cuộc đối thoại với phe đối lập để xây dựng một kế hoạch ít cực đoan hơn cho những thay đổi đối với hệ thống tư pháp.

Trong một bài phát biểu ngay sau sự kiện, Tổng thống Isaac Herzog đã kêu gọi chính phủ đóng băng dự luật này và bắt đầu đối thoại dựa trên những cải cách mà chính ông đã trình bày. Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid đã chấp nhận ý tưởng này và Đại sứ Mỹ tại Israel Thomas Nides đã gọi Herzog là một “nhà lãnh đạo vĩ đại”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin đã bác bỏ đề xuất đó và cam kết sẽ tiếp tục quá trình lập pháp. Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến xoay quanh tương lai của nền dân chủ Israel dường như vẫn tiếp tục.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.
.