Viện Pháp Ngữ L’espace và một phần đời trải hoa hồng

Chủ Nhật, 08/05/2022, 11:43

Một trong những bản tình ca tiếng Pháp vượt thời gian, Clopin-Clopant, của nhạc sĩ huyền thoại Yves Montand có câu hát rằng: "De temps en temps, le coeur chancelle - il y a des souvenirs qui s'amoncellent".

Đôi khi, trái tim chùng xuống - có những kỷ niệm chồng chất lên nhau. Những lời ấy bất giác hiện lên trong tôi khi bước vào Viện Pháp ngữ L'espace trong những ngày cuối nơi đây còn tọa lạc tại số 24 phố Tràng Tiền trước khi chuyển về nơi khác.

Tôi đang tới xem bộ phim cuối cùng được chiếu tại L'espace. Cổng chính đã khóa và một vị khách vô tình đi ngang sẽ cho rằng địa điểm này đã đóng cửa rồi. Nhưng những người khách quen thì biết họ có thể vào bằng lối nhỏ trong con ngõ. Vẫn là rạp chiếu ở tầng hai nơi tôi đã xem không biết bao nhiêu bộ phim trong đời mình, hôm nay chiếu “Antoinette dans les Cévannes”, Antoinette ở Cévannes, một bộ phim mùa hè nho nhỏ của một đạo diễn không nhiều người biết đến.

1ed7601caa8264dc3d93.jpg -0
Tấm ảnh chụp Viện Pháp Ngữ trong những ngày cuối ở Tràng Tiền

 Một cô giáo tiểu học có quan hệ tình ái với phụ huynh của một học sinh. Cô rủ anh đi nghỉ cùng cô nhưng anh đã trót hứa đưa vợ con đi leo núi Cévannes. Buồn bã và ghen tuông, cô giáo cũng quyết định sẽ tới Cévannes. Nơi đây, cô thuê một chú lừa để leo núi trong 6 ngày liền. Chú lừa ban đầu vô cùng "thân lừa ưa nặng" khiến cô phát khóc.

Có một khoảnh khắc thật nhỏ ở đoạn đầu phim, khi cô giáo kể cho những khách du lịch khác về chuyện tình của cô và lý do cô tới Cévannes, mọi người không những không phản đối hay giận dữ, họ thậm chí còn nói cô thật dũng cảm biết bao, họ thích những câu chuyện tình và họ chúc cô may mắn. Chỉ một khoảnh khắc đó để biết, chà, đúng nước Pháp đây rồi, nước Pháp phóng khoáng, nước Pháp lãng mạn, nước Pháp tự do, nước Pháp cuồng nhiệt, nước Pháp tôn thờ tình yêu và không gì cao hơn tình yêu nữa cả. Bộ phim được gợi cảm hứng từ một trong những tập du ký hay nhất trong văn học cổ điển châu Âu của Robert Louis Stevenson, nhà văn Scotland mà ta biết nhiều hơn với “Đảo giấu vàng” hay “Bác sĩ Jekill và ông Hyde”, người đã tới vùng nông thôn Cévannes ở Pháp đi một chuyến leo núi cùng một cô lừa cái để quên đi mối tình dở dang với người phụ nữ đã có gia đình.

Bộ phim cuối cùng tại L'espace Tràng Tiền là như thế đó, không phải một kinh điển, không phải một sử thi, không phải một bộ phim được xếp trong bất cứ danh sách hay nhất hay nhì của nhà phê bình nào cả, một bộ phim nhỏ xinh như món quà chia tay, nhưng lại có đủ mọi thứ khiến nước Pháp luôn là một giấc mơ lãng mạn nhất.

Bất cứ khi nào nghe ai đó nói rằng, người trẻ ngày nay sống hời hợt quá, chóng vánh quá, vô ưu quá, tôi sẽ ngay lập tức muốn nói rằng, hãy đến một nơi như L'espace vào một buổi tối chiếu phim nào đó, hãy đến sớm một chút để theo dõi những vị khách bước vào - rất nhiều những đầu xanh tuổi trẻ, thậm chí có rất nhiều người đi chỉ một mình, khi bạn vào một rạp chiếu bóng thương mại nào đó thì có thể bạn không hẳn là muốn xem phim mà bạn đang muốn hẹn hò với ai đó thôi, nhưng một khi đã tới đây để xem phim thì là vì bạn muốn xem phim.

c60cc2100b8ec5d09c9f.jpg -0
Ký họa về Văn Cao của họa sĩ Phan Kế An trong triển lãm tranh cuối cùng trưng bày tại L'espace Tràng Tiền

Những buổi tối như thế, tôi và rất nhiều những người trẻ như tôi, thậm chí trẻ hơn tôi nhiều, đã xem những bộ phim kinh điển hay những bộ phim đương đại kén khán giả. Tôi nhớ một buổi tối xem “Le Mépris”  (Khinh miệt), một kiệt tác trong đời làm phim bảy thập niên của huyền thoại Jean-Luc Godard mà sau buổi chiếu, khi ra về, tôi đã nghe những vị khán giả trên cầu thang bàn với nhau về sự tương ứng giữa nó và sử thi Odysseus của Homer rồi xuýt xoa vẻ đẹp của Brigitte Bardot. Trong giây phút ấy, tôi như cảm thấy mình đã như anh chàng trong “Midnight in Paris” bỗng thấy mình sống trong một thời đại khác, cái thời mà Brigitte Bardot chính là người đàn bà trong mộng của cả nam và nữ chứ không phải một thần tượng Hàn Lưu nào đó.

Hay gần đây, cũng trong chuỗi những sự kiện cuối cùng tại Tràng Tiền, tôi đi xem lại một buổi chiếu “Thương nhớ đồng quê” nhân dịp đạo diễn Đặng Nhật Minh được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật, tôi đã thấy biết bao bạn trẻ đã cùng oà lên cười trong những phân cảnh thể hiện cái ấu trĩ của con người nông thôn xưa, rồi tất cả lại lặng người trước cảnh người chị dâu Ngữ ôm chầm cậu em chồng 17 tuổi của mình, khiến thân thể cậu ta rúng động, biết rằng từ nay cậu đã không còn là một đứa trẻ thơ ngây, và cuối cùng là vỗ tay rào rào khi bộ phim kết thúc.

Không phải lần nào tới L'espace Tràng Tiền tôi cũng thấy hài lòng. Cũng có một lần khi họ chiếu một bộ phim tài liệu Moi, “Claude Monet” (Tôi, Claude Monet) được giới thiệu là dựa trên hàng ngàn lá thư tay của danh họa vĩ đại, và tôi nhớ đã mong ngóng nó từ ngày này qua ngày khác, để rồi suýt nữa ngủ gật trong rạp chiếu vì sự đều đều buồn tẻ của bộ phim và những khung hình sơ sài như bài diễn thuyết của một học sinh cấp ba. Nhưng ngay kể cả thế, tôi cũng nhớ rằng đã thấy rất nhiều những người trẻ trung biết về ao hoa súng, về Giverny, về căn bệnh trầm cảm, về chứng mù những năm cuối đời, về khát khao vẽ, khát khao sống và cả khát khao chết của Claude Monet. Họ cũng hào hứng như tôi. Buổi chiếu phim hôm ấy chật kín gần như không còn một chỗ trống, như thể là buổi công chiếu một bộ phim thương mại đang rầm rộ nào đó. Ai dám nói người trẻ đã ly cách mình khỏi cái đẹp và ánh sáng nghệ thuật?

Nhưng nói về phim không thì ít quá. Cũng tại L'espace, có những khi ta đến để lấy một chút âm nhạc cho tâm hồn mình. Đó là những đêm nhạc cổ điển với những bản nhạc như ru lòng ta của Maurice Ravel, Claude Debussy và Camille Saint - Saens. Cũng có khi là một đêm nhạc kịch Kim Vân Kiều với những nghệ sĩ nước ngoài chuyển soạn những vần thơ của Nguyễn Du sang tiếng Pháp. Xem một cô Kiều chơi violin và hát bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu tuy không thể có nét trữ tình yểu điệu như trong nguyên tác, nhưng lại có một thứ sức sống tươi mới rộn ràng và một triết lý về cái tôi tỏa sáng.

L'Espace đã ở số 24 phố Tràng Tiền được 19 năm, từ năm 2003. Cho nên với những người sinh sau năm 1990, có lẽ nó đã ở đấy cả đời họ, từ khi họ bắt đầu đủ lớn để tò mò về thế giới phù hoa của phim ảnh, âm nhạc và sách vở, và L'espace như một tẩm điện nghệ thuật mà mỗi lần bước vào, lại mở ra cho họ một triển lãm khác hay một bộ phim khác hẳn với kiểu phim Hollywood họ vẫn được thị trường giải trí nhồi nhét không ngừng.

Chỉ vài ngày nữa, L'espace sẽ di dời. Vào đêm chiếu bộ phim cuối cùng “Antoinette dans les Cévannes” vào ngày 19 tháng 4, sau khi bước ra khỏi bóng tối rạp chiếu, tôi xuống cầu thang và xem triển lãm “Phan Kế An: Kho tàng ẩn giấu” với những tác phẩm đến nay mới được lấy ra từ bụi thời gian của danh họa Việt. Có một góc nhỏ nơi người ta tập hợp lại những ký họa nho nhỏ của ông, mỗi bức đặt vừa trong lòng bàn tay, tựa như bức vẽ "chơi" của một cậu học sinh nghịch ngợm không nghe giảng trong lớp, và tất cả đều là về những người bạn họa, bạn văn, bạn nhạc. Trong số đó, tôi thích nhất bức vẽ Văn Cao năm 1947, bức vẽ nhìn nghiêng, thuở ấy Văn Cao có lẽ chưa mang dáng dấp mà những người trẻ như tôi vẫn luôn ghi nhớ (tóc bạc dài, gương mặt gầy hằn những nếp nhăn). Văn Cao mà Phan Kế An họa lúc đó chỉ mới 24 tuổi thôi, còn trẻ hơn tôi bây giờ, tóc ngắn, chiếc mũi to, trông hiền và có chút ngây ngô như một nhân vật hoạt hình. Ai, cái gì mà chẳng bị thời gian làm chủ.

 Và lúc nhìn hình ảnh Văn Cao thời trẻ hoàn toàn lạ lẫm ấy, lại vừa mới xem xong một bộ phim thật phóng khoáng về con người biết yêu, nhớ lại ngày nào lần đầu bước vào L'espace (mà khi nào nhỉ, chính tôi cũng không còn nhớ chính xác nữa, có lẽ là rất lâu rồi), tôi trong phút chốc đã thật sự hiểu cái cảm giác của cậu bé Toto, lúc này đã là một đạo diễn tài danh, trở lại “Rạp chiếu bóng Thiên Đường” của tuổi thơ nơi cậu đã xem phim đêm ngày, và rồi được vợ người nhân viên rạp chiếu xa xưa gửi lại cho những cảnh phim hôn nhau bị kiểm duyệt cắt đi ngày đó, cậu vừa xem những diễn viên trẻ trung đang ở đỉnh cao nhan sắc và tuổi trẻ của mình hôn nhau say đắm trên màn bạc, vừa run rẩy chảy nước mắt ròng ròng trong niềm hoài niệm thăng hoa cùng hạnh phúc vô bờ. Cái cảm giác ấy, nếu thu gọn lại bằng một câu, thì chính là khi ta biết rằng, tuy mọi thứ đã qua, nhưng nó đã qua theo cách trọn vẹn nhất, tinh khiết nhất, toại nguyện nhất, nó qua đi rồi nhưng nó đã là phần đời đẹp vô cùng - một "la vie en rose", một phần đời trải hoa hồng.

Hiền Trang
.
.
.