Tìm yên bình trong tiếng hót li ri

Chủ Nhật, 23/10/2022, 12:14

Mỗi lần đi qua cái ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành ấy, tôi đều chầm chậm xe lại. Vẻ như có một quyền năng, tôi muốn níu luôn cả những tiếng xe trước sau mình đang vượt lên vội vàng, mạnh mẽ. Ấy là khi tôi nhìn thấy đàn chim sẻ từ trên chòm xanh xà cừ đáp xuống, đậu kín một khoảng vỉa hè đang còn vương đầy những hạt thóc tươi ngon.

Đàn sẻ đang thưởng thức bữa ăn ngon lành mà dường hơi vội vã chen lẫn chút nháo nhác, bởi phố vẫn đông, xe và người vẫn nối nhau chạy qua, tiếng nói, tiếng còi, tiếng động cơ mô tô khi đều đều rền rĩ, khi thất thanh inh ả, rú rít. Ở khoảng cách gần chúng nhất, bà cụ đậm người gù lưng trong chiếc ghế nhựa cũ. Sau lưng bà là một tòa nhà xây theo lối biệt thự Pháp, trước đây từng là trụ sở một cơ quan, giờ không hiểu vì lý do gì mà bỏ không, hoang phế, trầm mặc, thinh lặng trước con phố đêm ngày tấp nập.

Tìm yên bình trong tiếng hót li ri -0

Bà cụ bán nước chè, thuốc lá, bánh kẹo lặt vặt ở đấy, mà khách đến, ngồi xuống ghế, gọi bà cho cốc nước thì bà mới như sực nhớ. Ánh mắt bà muốn bảo khách, cứ ngồi đó đi, thư thả. Vẻ như tâm trí bà còn mải để ý đàn sẻ cứ chốc chốc bay lên lại sà xuống ríu ran. Nhịp điệu ấy của đàn sẻ phải chăng cũng là nhịp điệu tâm trí của bà, ẩn giấu trên gương mặt thấp thoáng dưới vành nón cũ, hiền từ, lẳng lặng. Như không phải để kiếm kế mưu sinh, bà đang thiền giữa phố phường ồn ã, bất cứ âm thanh gì cũng chẳng khiến bà bận lòng. Bà đang thiền giữa một đàn chim sẻ vài trăm con ẩn náu trên mấy cái cây xà cừ gần đó, chốc chốc vù vù đáp xuống vỉa hè mổ thóc ăn vội vã, rồi lại vù vù bay lên, ẩn hiện trong nắng lá. Bà nhìn chúng trìu mến như nhìn đám con cháu ruột thịt của bà đang vui đùa ăn uống. Bà đã tìm thấy khoảng bình yên nào nơi bầy chim, mà giữa chốn vỉa hè bụi bặm, cuộc mưu sinh hối thúc ngang lưng, con người ta khó lòng tìm lấy cho mình những giây phút tĩnh lặng.

"Nhà tôi ở phố Bùi Thị Xuân, ngay đây này, biệt thự rộng đến gần ba trăm mét vuông cơ". Tôi thoáng giật mình, sao bà giàu thế mà lại ngồi đây bán trà đá? "Nhưng phần mẹ con tôi chỉ có hai mươi mét thôi!" À thì ra, đại gia đình họ hàng nhà bà, đã mấy đời ở trong ngôi nhà lớn ấy. Bà có ba cô con gái, chỉ một cô lấy chồng, hai cô ở vậy, cùng bà làm cái quán vỉa hè này. Tôi gọi cốc nhân trần, bà chưa kịp rót vì như còn mải lo đàn sẻ, thì cô con gái đã nhanh nhẹn làm thay. Thấy tôi vẻ như có chút tâm tư, cô bảo, "Cả nhà tôi trông vào cái quán này thôi". Quả thật, nhìn sự giản dị đến xuề xòa của mẹ con bà cụ, có thể hình dung ngày tháng lần hồi ròng rã của mẹ con bà ở cái góc phố nhỏ bé này. "Rồi cũng sinh sống bình thường như bao con người bám trụ từng mét vỉa hè kiếm kế sinh nhai ở cái Hà Nội đất chật người đông này thôi, cô ạ". Vâng, tôi nghĩ, nhưng cái khác thường là ở việc làm, ở tâm hồn của họ. Tôi không hiểu mình có nghĩ quá lên về việc bà cụ nuôi chim sẻ, xuất phát từ tấm lòng tôi cũng rất yêu loài chim này hay không, nhưng tôi cảm thấy ở nơi họ có một sự ấm áp, thuần hậu đặc biệt.

"Nghĩ thấy mình ngồi ở cái góc phố này, lúc vắng khách cũng buồn buồn, nghe tiếng lũ chim li ri, lích chích suốt ngày cũng vui tai, mới vãi ra vỉa hè ít thóc. Cũng vài chục năm rồi đấy. Chẳng ngờ bọn sẻ dạn dĩ, liền sà xuống ăn. Dần dà, chúng kéo đàn kéo lũ về lúc nào chẳng biết".

Bà kể một chi tiết khiến tôi bật cười nhưng cũng hơi nghĩ: Đàn chim bảo vệ chỗ ăn ở của chúng rất gắt, chim lạ đàn đến ăn là chúng mổ, đánh. Chúng nhất định không cho chim của đàn khác ăn, ở cùng.

Thuở tôi còn nhỏ, lũ chim sẻ trên mấy tàu cau nhà tôi cũng thường sà xuống ăn thóc cùng đàn gà trên sân. Có lẽ bởi chúng cùng đàn nên yêu thương bảo vệ lẫn nhau, đến cả bọn gà cũng không nỡ đuổi chúng. Chi tiết bà cụ kể khiến tôi trộm nghĩ, lũ sẻ tưởng hiền lành như đất mà cũng thật ghê gớm!? Hay bởi chúng được bà cụ chiều chuộng, cho ăn mỗi ngày mà dần trở nên ích kỷ? Biết bảo nhau giữ chặt lấy nơi ăn chốn ở của mình để tận hưởng cuộc sống đủ đầy do con người ban tặng, thì kể như chúng cũng khôn ranh và đầy ý thức sống còn. Nghĩ thế, tôi lại bật cười nhưng cũng không khỏi lan man sang đến sự cộng sinh của muôn loài trong đời sống. Muôn loài, trong đó có cả con người, nếu được chăm bẵm đủ đầy, cái gì cũng sẵn quá như thể đương nhiên là được nhận, được hưởng, thì cũng đều có thể nảy sinh lòng tham và sự ích kỷ, phải thế chăng?

Tôi hỏi bà cụ, mỗi tháng bà cho chúng ăn hết mấy cân thóc? Có tốn kém không? Bà cười, "Tôi chả nhớ đâu, chả ai tính toán làm gì, cứ mỗi lần mua dăm cân về để đấy, hết lại mua. Mà lũ sẻ này khôn lắm. Bận có người bán thóc gạo ở phố kia kìa, mới mang ra cho dăm cân. Tôi nhận mà cũng chẳng xem mới cũ thế nào, vì nghĩ họ đã cho mình nuôi chim thì chắc cũng phải ngon. Đến khi vãi ra thấy chim không ăn, tôi mới xem thì hóa ra gạo mốc, thóc đã có mùi khỏ khỏ, chắc là bị ế lâu ngày. Đấy, đừng tưởng nuôi chim là cứ đồ thừa đồ bỏ thế nào quẳng ra cho nó cũng được đâu. Mình đã nuôi con vật gì thì đừng có mà tính toán. Ai lại đi tính toán với mấy con chim bé con con thế kia bao giờ! Mà ở nhà tôi, con gái tôi còn nuôi gần hai chục con mèo nữa". Ồ, tôi kinh ngạc. Bà bảo, "Thì cứ con mẹ đẻ ra lũ con, rồi cứ thế lũ con lại đẻ ra lũ cháu. Ai yêu con nào, xin thì nhà tôi cho chứ không bao giờ bán, chúng cứ quấn quít với mấy mẹ con tôi, tôi thương tất". Bà cười thật hiền. Thêm một lần nữa, bà khiến tôi cảm thấy, với tình yêu loài vật, tôi có phần kém cỏi!

Bà lại kể, có một thầy sư từ miền Nam ra, không hiểu sao biết chuyện bà nuôi chim sẻ. Thầy đến quán bà, gặp con gái bà, gửi biếu bà 200.000 đồng để ăn quà và 300.000 thì gửi bà mua thóc cho đàn chim. Lần khác thầy lại đến và biếu bà một triệu. Thầy nói, nay ra Hà Nội đi làm từ thiện, nên biếu để bà mua thóc gạo nuôi chim. Bà từ chối mãi, nhưng thầy bảo, thầy coi như bà đang thay thầy chăm sóc lũ chim, bà hãy nhận để thầy vui lòng.

Câu chuyện bà cụ nuôi chim sẻ giữa Hà Nội ồn ào khiến tôi nhớ chuyện một chị nhà báo cũng nuôi chim trời trên sân thượng ngôi nhà của chị. Mỗi ngày chị rắc gạo rắc thóc ra để dụ chim về. Và rồi chim về thật. Chị nuôi chúng để tìm niềm vui, lòng thư thái cho mình.

Cuộc sống đô thị quả thật mỗi ngày lại thêm chật hẹp, áp lực, kéo theo là sự co lại, khô lạnh dần đi của ý thức, tâm hồn. Có lẽ, rất ít người còn thời gian và tâm trí mà để ý đến một tiếng sẻ li ri lẫn trong ồn ào đâu đó. Cái tiếng li ri, lích chích có thể rất gần, trên một chòm cây trước nhà, hay trên mái ngói, góc hiên. Chim sẻ hót cho con người hay cho chính nó? Như hoa có nắng thì sẽ nở, là loài chim, nó còn biết cất vào đâu tiếng hót của mình, nếu không phải là gửi vào chính cái không gian mà nó đang sống. Tiếng hót ấy, để gọi nắng, gọi bầy, để muốn lay thức tâm hồn con người trong một ban mai tinh khôi. Hay đơn giản, chỉ là đang sống rất gần ngay trên mái nhà, vòm cây của con người, nó cũng muốn cất tiếng để con người biết đến một sự tồn tại, muốn gửi đến con người một thông điệp nào đó về sự cộng sinh. Nhưng cuộc sống đô thị bây giờ đã quá hiếm hoi những phút giây thư thả. Tiếng chim thành thử cứ thừa ra, lạc điệu.

Đã từ rất lâu tôi mơ ước có một ngôi nhà trong khu vườn nhỏ, tôi sẽ nuôi chim trời, nhất là lũ sẻ, theo một cách tự do nhất cho chúng. Tôi yêu loài chim sẻ đến nỗi coi chúng như thể hóa thân của chính mình, khi tôi viết: "Nàng là con sẻ nâu không biết hót/ ăn thóc gạo của mẹ trên đồng/ khoác trên mình bộ lông vũ màu của đất đai". Đấy là khoảng tâm thức mỏng manh, khi tôi là cô gái nhà quê, sớm  chiều lặng thầm trò chuyện cùng lũ sẻ sống trong khu vườn nhỏ, trên những tàu cau, hốc rạ mái tranh. Cho đến khi rời xa khu vườn, sống nơi phố thị, mỗi khi lòng chênh chao trống vắng, bầy sẻ vẫn là hình ảnh thân thương để tâm thức tựa vào: "Lúc bấy giờ sen vào độ mùa thu/ mảnh sân rêu những hàng cây vẫn cũ/ chúng mình nói với nhau về lũ sẻ lạc bầy trong thành phố…".

Đấy, với một loài chim rất đỗi nhỏ bé, bình thường, mà lắm lúc tôi như người lẩn thẩn. Ở nhà cao tầng, như sống trong cái hộp, một khoảng vườn chung có mấy chú chim nhảy lễnh tễnh tìm ăn cũng khiến lòng chộn rộn: "Hương mùa cũ dậy men/ sân rêu nhỏ/ tường gạch nghiêng nghiêng/ chú chim ri nghe ngóng điều gì/ sáng mùa thu xao xuyến". Tôi thường mang theo dúm gạo mỗi khi đi thể dục để rắc mời chim ăn. Đi đâu, làm gì, cứ nhác thấy bóng một con chim sẻ là tôi lại dừng bước. Một khắc lắng lại lòng mình, tôi như thể sợ con chim nhỏ bé giật mình bay khuất tầm mắt, sâu xa hơn là bay mất khỏi tâm trí…

Vậy nên, thật dễ hiểu, tôi không thể rời mắt mỗi lần đi qua cái góc phố nơi bà cụ ngồi bán trà đá say ngắm lũ chim ăn. Không phải chỉ bởi yên bình hình ảnh một đàn chim, một bà cụ hiền từ, trìu mến, mà tôi có phần bắt gặp chính mình. Từ thuở nào còn là một cô bé, coi lũ sẻ như bầu bạn, đến bây giờ, thật may, vẫn chưa bị cuộc sống đầy lo toan áp đảo nốt cái không gian tâm tưởng nhỏ bé cuối cùng.

Mà ở đó, chỉ một tiếng liu chiu thật mỏng, ánh nhìn trong veo ngơ ngác, của một loài chim bình dị hiền lành như thể đất đai, cây lá trong vườn, cũng đủ dâng lên đầy đặn và khỏa đi cho vợi bớt những vướng víu, âu lo, toan tính, của đời thường còn đang dặm dài mệt nhọc.

Trang Thanh
.
.
.