Miên man giữa dòng sông Hậu

Thứ Bảy, 27/07/2024, 08:28

Tôi bước xuống chiếc ghe nhỏ chòng chành đậu bên bờ sông Hậu phía Long Xuyên, An Giang. Chị lái ghe hỏi chú muốn đi đâu. Tôi bảo cần qua cồn Phó Ba. Qua bên đó làm gì? Đi tìm cá hô huyền thoại. 

Chị lái ghe như không tin vào những điều vừa nghe, hất vành nón lá cao lên, mở to mắt hỏi lại tôi một lần nữa. Tôi lặp lại câu trả lời. Chị vừa cho nổ máy vừa nói: “Cá hô bây giờ làm gì còn mà đi kiếm chú ơi”.

Chiếc ghe chồm qua vài đợt sóng rồi ra giữa dòng. Sau lưng tôi, thành phố Long Xuyên với những dãy nhà cao đang minh chứng cho sự phát triển năng động. Xa xa trước mũi ghe là một cồn đất “mọc” trơ trọi giữa dòng sông Hậu – cồn Phó Ba.

Miên man giữa dòng -0
Kéo chài trên sông Hậu.

1. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng. Dòng chính chảy hướng Đông – Nam về phía chợ Khánh An, gọi là sông Bassac, hay sông Bát-Sắc, Ba-Thắc. Dòng phụ chảy theo hướng Tây – Nam, gọi là sông Bình Di, men theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Khi tới ngã ba Bắc Đai, sông Bình Di được người dân gọi là sông Phú Hội. Xuôi về đến vàm Vĩnh Hội Đông, sông Phú Hội hòa với một dòng khác từ phía Campuchia chảy qua, đổi tên thành sông Châu Đốc. Nhánh sông này hợp lưu lại với sông Bassac cũng tại Châu Đốc, từ đây thống nhất tên gọi sông Hậu cho đến khi đổ về biển cả.

Từ Châu Đốc xuôi về tới hạ nguồn, thủy trình Hậu giang ít biến động, chỉ thi thoảng tách dòng khi có những cồn đất lớn nổi lên rồi sau đó nhập dòng trở lại. Lưu vực sông tách dòng đầu tiên là cồn Phó Ba và cồn Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên), sau đó đến cồn Tân Lộc rồi cồn Sơn, cồn Ấu (thuộc Cần Thơ), cồn Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước và cuối cùng là Cù Lao Dung (thuộc Sóc Trăng).

2. Khi tôi còn đang miên man thả ý nghĩ dọc thủy trình sông Hậu thì chiếc ghe nhỏ đã cập bến cồn Phó Ba. Hình ảnh trông thấy đầu tiên là cái cổng làm bằng hai cây sắt nhỏ, treo bảng ghi mấy chữ “ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên”. Đó là những địa danh hành chính, chớ dân miệt này chỉ quen gọi ấp Mỹ Thạnh là cồn Phó Ba thôi. Có người còn thấy khó hiểu khi nghe ai đó bảo cồn Phó Ba thuộc thành phố Long Xuyên, bởi so với nhiều khu vực nông thôn khác xứ này, Phó Ba còn chưa phát triển bằng, nói chi thành phố. Phó Ba là cồn đất tự nhiên, có diện tích khoảng 29ha với hơn ba trăm hộ dân định cư, đời sống kinh tế khó khăn.

Miên man giữa dòng -0
Ông Lâm Minh Tân.

“Trước đây, khi cá tôm trên sông Hậu còn nhiều, bà con cũng sống tương đối sung túc, nhưng bây giờ cực lắm chú ơi”, ông Lâm Minh Tân thở dài nói với tôi như vậy, ánh mắt ông vời vợi nhìn về phía dòng sông.

Năm nay 77 tuổi, ông đã ngụp lặn trên dòng Hậu giang gần bảy chục năm trời mà chưa bao giờ thấy khó kiếm con tôm con cá như bây giờ. Thuở trước, chỉ cần quăng chài một cái, kéo lên là được cả thùng thiếc cá, chài một buổi mấy chục ký. Khổ nỗi khi ấy cá rẻ rề, bán một lần cả ghe cá mà chỉ đủ tiền đong gạo ăn hàng ngày - ông Tân hồi tưởng.

Ngồi bên cạnh, ông Lâm Văn Hải, em ruột ông Tân phụ họa thêm bằng những tiếng thở dài não ruột. Ông Hải nói gia đình ông có bảy anh em, ba má đều mất sớm nhưng anh em ông vẫn sống được nhờ làm nghề hạ bạc trên sông Hậu. Mà không chỉ riêng gia đình ông, cả cái cồn Phó Ba này từ khi khai hoang mở đất đến nay, lưu dân khắp nơi đổ về đều sống bằng nghề câu lưới. Giàu thì không có nhưng chẳng ai đến nỗi phải đói kém, bởi cá mắm miệt này quanh năm lúc nào cũng nhiều vô số kể.

Ông Hải chỉ tay xuống bến sông gần nhà ông bảo rằng 20 năm trước, chỗ đó cá đớp mồi như cơm sôi, ngày cũng như đêm. Vậy mà bây giờ, đợi cả buổi mới thấy một hai con lên ăn mống. Bấy nhiêu đó đủ biết lượng cá giảm cỡ nào rồi, không bằng một phần trăm hồi đó, ông nói bằng giọng trầm buồn rồi chậm rãi châm thuốc hút. Sau làn khói mỏng, tôi thấy đôi mắt của “lão ngư” ngân ngấn nước, gương mặt các ông phủ đầy dấu vết thời gian.

Tôi chợt ái ngại vì nghĩ mình đã khơi dậy những ký ức “vang bóng một thời” của họ. Tưởng đâu cuộc chuyện chùng xuống theo cảm xúc những người một thời ngang dọc cùng sông nước, không ngờ khi tôi hỏi về cá hô, ánh mắt họ bỗng nhiên sáng rực. Ông Tân nói khúc sông này trước đây cá hô nhiều lắm, vì khi dòng chảy sông Hậu gặp cồn đất chắn ở giữa đã tạo ra nhiều xoáy nước sâu, phù hợp để cá hô và những loài cá lớn khác trú ngụ. Ông Tân và ông Hải hồ hởi khoe từng đánh bắt được những con cá hô nặng trên một trăm kí lô, đem bán xong mua được mấy chỉ vàng. Cá tra dầu, cá vồ cờ cũng thỉnh thoảng bắt được, mỗi con từ năm chục kí tới hai trăm kí.

Cá hô là loài cá nước ngọt, phổ biến nhất là lưu vực hạ nguồn sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia. Cá hô thuộc họ cá chép, hình dạng cũng giống cá chép nhưng kích thước lớn hơn rất nhiều. Trước đây ở An Giang, người dân từng đánh bắt được những con cá hô khoảng hai, ba trăm ký đem xẻ thịt bán. Mấy năm nay giống cá này bị đánh bắt nhiều quá nên cạn kiệt dần, thỉnh thoảng người ta mới đánh lưới được một con nhưng chỉ chừng ba chục kí trở lại.

Miên man giữa dòng -1
Ông Lâm Văn Hải kể chuyện đánh cá thời trước.

Nhà văn Lê Văn Thảo có truyện ngắn rất độc đáo tên là “Ông Cá hô”, được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Truyện kể về anh kép hát Hoàng Dương, vì mê cô đào Hồng Điệp nên bôn ba theo gánh hát. Khi đến cồn Phó Ba, gánh hát giải tán, đào kép trôi dạt tứ phương. Riêng cô đào Hồng Điệp đi ở đợ bên chợ Long Xuyên, còn chú Sáu Dương (kép Hoàng Dương) thì cất cái chòi ở đầu cồn, đêm ngày đánh lưới bắt cá hô với hi vọng có thể chuộc cô đào Hồng Điệp. Ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng chú Sáu Dương cũng đánh được những con cá hô cỡ hai trăm kí. Chú chở cá qua Long Xuyên để chuộc đào Hồng Điệp nhưng cô không đồng ý.

Cô vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ cùng ánh đèn sân khấu với các gánh hát mới nổi ở Long Xuyên, bỏ mặc chú Sáu Dương trở thành “ông Cá hô” đơn độc bên cồn vắng. Chú Sáu không hề oán hận mà bền lòng chặt dạ với tình yêu đơn phương và những chuyến “săn” cá hô huyền thoại. Hoàn cảnh đẩy đưa chú Sáu trôi dạt khắp nơi, cuối đời chú lại trở về cồn Phó Ba, ngồi trong căn chòi rách ở đầu cồn, rung rung mái đầu điểm bạc, bới chén cơm trắng ăn với canh chua cá hô mà mắt thì cứ dõi trông về phía chợ Long Xuyên, nơi có cô đào Hồng Điệp…

Tôi đã nhiều lần đến cồn Phó Ba, chỉ hi vọng có thể chứng kiến cảnh tượng những lão ngư vật lộn với cá hô giữa sóng nước cuộn trào như trong trang sách tôi từng đọc, nhưng chỉ trở về với niềm tiếc nuối xa xôi. Cá hô bây giờ hầu như không còn nữa, và những giống cá lớn khác cũng ngày càng thưa vắng trên khắp miệt Cửu Long. Mấy đứa con của ông Tân, ông Hải đều trên hai mươi tuổi, chẳng đứa nào thiết tha với nghề bà cậu. Họ rời cồn, bôn ba lên các thành phố lớn làm công nhân, giống như lớp lớp người dân xứ này mấy mươi năm qua cứ rời đi như thế. Cho dù trên hành trình đến đất khách quê người, họ thấy luyến tiếc sông nước quê nhà, nhưng họ phải ra đi bởi những con sông không còn cưu mang nổi họ.

3. Tôi xuống bến sông, thấy có vài chiếc ghe đậu. Ông Tân nói kêu bán mấy năm nay mà không được, cứ đậu đó hoài chắc mai mốt bị mục, giờ ít ai theo nghề câu lưới, mua ghe làm gì. Theo hướng ông Tân chỉ, tôi lên đầu cồn vì nghe nói có nhà ông Điệp còn đi đánh cá mỗi ngày.

Khi tôi đến, ông Điệp cũng đang dọn lưới dọn chài chuẩn bị ra sông. Tôi xin theo một chuyến, ông vui vẻ chấp nhận. Chiếc ghe chạy ra giữa dòng sông Hậu, ông Điệp tắt máy, nhìn hướng con nước chảy rồi bắt đầu thả lưới. Tay lưới dài năm trăm thước, sâu ba thước, có gắn phao nổi được thả căng ngang sông. Ông Điệp giữ lấy một đầu phao, cho ghe trôi dần dần cùng dòng nước để đợi cá mắc lưới. Ông kể, hồi trước thả lưới kiểu này cá nhiều đến mức gỡ không nổi, phải gom lưới về nhà treo lên cho bà con gỡ tiếp. Bây giờ cá ít, mỗi lần cuốn lưới được chừng một kí là mừng.

Miên man giữa dòng -2
Ông Nguyễn Văn Điệp chuẩn bị lặn gỡ chài dính vào cây dưới đáy sông.

Quả như lời ông nói, những lần cuốn lưới chỉ được vài con cá nhỏ, rong rêu và rác rưởi bám vào lưới thì nhiều. Chán quá, ông xếp tay lưới lại, lấy chài ra quăng. Hết lần này đến lần khác, những mẻ chài trống không. Lâu lâu mới có vài con cá nhỏ, ông Điệp gỡ ra rồi thả lại xuống dòng sông. Quần quật cả buổi hết chài rồi lưới, hết lưới rồi chài mà chỉ được chừng ba kí cá. Bán hết số cá này được chừng 200.000 đồng, nhà bốn nhân khẩu ăn một ngày là hết sạch, ông Điệp vừa cho ghe chạy về vừa nói với tôi như thế. Ông còn bảo, con trai ông cũng đòi theo nghề này nhưng ông nhất quyết ngăn cản. Hơn năm mươi năm trong nghề ông nếm trải đủ mùi vị khổ đau rồi, giờ cá mắm cạn kiệt, không thể sống nổi đâu. Bởi vậy, giống như con ông Tân, ông Hải, hai thằng con trai của ông Điệp giờ đây cũng đang làm mướn ở Bình Dương.

Ôi, con sông Hậu vẫn xanh mát một dòng, vẫn đêm ngày vỗ về những bến bờ, cồn bãi. Nhưng sản vật của dòng sông không còn dồi dào như trước, nên người dân đã lần lượt rời quê xa xứ tìm kế sinh nhai. Như mấy lần trước, chuyến đi tìm “ông Cá hô” của tôi lần này cũng bất thành. Chẳng những vậy, hành trang tôi lại nặng trĩu ưu tư, như bao ngấn mắt rưng rưng của những lão ngư giữa mênh mông sông Hậu.

Trương Chí Hùng
.
.
.