Kìa những ngón tay đang đan vào nhau…

Thứ Ba, 03/05/2022, 15:06

Có lẽ cả hai chẳng nhìn được mái đầu đã bạc trắng, những nếp nhăn hằn dấu nên họ cứ trẻ mãi trong lòng nhau, vẫn cảm nhận về nhau như ngày mới yêu. Nhiều khi ngồi bó chổi, hai ông bà cùng cười và bảo, chả bao giờ biết mặt nhau nhưng lại hiểu lòng nhau, gắn với nhau, chẳng phải là lạ lùng sao…

"Khi ấy, mẹ tôi xót tôi nên bảo, con đã mù lòa, lấy người nào sáng mắt, người ta là đôi mắt cho con. Đằng này cả hai cùng mù thì sao biết lối mà đi. Tôi hứa với mẹ rằng nhất định tôi sẽ hạnh phúc, dù tôi không nhìn thấy mặt chồng tôi. Giọng nói trầm ấm, cái nắm tay thật chặt của anh ấy khiến tôi tin mình lựa chọn đúng. Khi đã bước chân đi, sướng khổ gì tôi cũng chịu. Vậy là năm 1983, từ thị xã Hà Đông, tôi dò dẫm về xóm bãi An Dương làm dâu", bà Trịnh Thị Mai dí dủm kể chuyện,  giọng nhỏ và nhẹ, xen lẫn vẻ khấp khởi, nhẫn nhịn của hơn 40 năm về trước. Ông Bùi Doãn Thụ chồng bà ngồi cạnh, tay đan vào tay vợ, đôi mắt mờ đục hướng về phía bà, chêm xen những chuyện xa xưa…

Là đôi mắt của nhau

Quãng 3 giờ chiều, bà Mai rờ rẫm rót nước vối vào chai rồi giục giã: "Anh đi chợ đi, hễ mưa thì về sớm nhé". Ông lão Thụ chầm chậm lấy xâu chổi đót ở góc nhà đeo lên vai, khẽ ừ một tiếng, rồi khua chiếc gậy ra khỏi nhà. Tiếng chuông leng keng vang lên trong con ngõ hẹp và sâu hút. Rồi ông tiến ra con phố An Dương tấp nập.

Năm nay, ông đã 72 tuổi, bà kém ông hai tuổi. 40 năm về sống chung một nhà, ông bà vẫn nhỏ nhẹ, vẫn xưng hô "anh - em" đầy tình cảm và lịch thiệp. Có lẽ cả hai chẳng nhìn được mái đầu đã bạc trắng, những nếp nhăn hằn dấu nên họ cứ trẻ mãi trong lòng nhau, vẫn cảm nhận về nhau như ngày mới yêu. Nhiều khi ngồi bó chổi, hai ông bà cùng cười và bảo, chả bao giờ biết mặt nhau nhưng lại hiểu lòng nhau, gắn với nhau, chẳng phải là lạ lùng sao…

Bà Mai khi 22 tuổi làm công nhân trong xí nghiệp dệt ở thị xã Hà Đông. Một buổi đi làm về, trời nóng bức nên bà gội đầu. Tóc chưa kịp khô nhưng vì mệt quá nên bà nằm ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, thấy người sốt, mở mắt ra đã không nhìn thấy gì nữa. Đi khám, bác sĩ bảo dây thần kinh thị giác bị ảnh hưởng nặng nề, vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của cô gái trẻ. Còn ông Thụ, sau một trận lên sởi lúc 3 tuổi thì mắt mờ đi nhanh chóng. Cả hai đã vật vã vượt qua những tháng ngày bế tắc, chán nản để chấp nhận sự thật phũ phàng.

Kìa những ngón tay đang đan vào nhau… -0
Đôi vợ chồng mù đã 30 năm làm nghề bó chổi

Đến năm 1980, hai người cùng tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù Hà Nội. Hội đông người, vậy mà ông bà vẫn tìm được nhau để bắt quen, có lẽ là duyên số. Những lần chuyện trò, hỏi thăm về gia cảnh, họ thấy hợp nhau, rồi tình thương yêu nảy nở tự lúc nào. Năm có vài lần họp hội, đôi trẻ mong ngóng từng ngày, không được nghe tiếng nhau thì thấy nhớ vô cùng. Ngày đó, ông bà thường dắt nhau ra bờ hồ Hoàn Kiếm hàn huyên. Ông dẫn bà đi chơi, họ hình dung ra nhau qua lời nhận xét, trêu đùa của bạn bè. Chả nói với nhau nhiều, nhưng cả hai đều hiểu, họ là đôi mắt của nhau.

Bạn bè thì vun vén, nhưng rào cản chỉ thực sự hiện hữu khi họ dắt nhau về ra mắt hai gia đình. Bố mẹ hai bên đều phản đối, lo lắng khi hai người khiếm thị lấy nhau không biết sẽ sống ra sao. Càng bị cấm cản, cả hai càng ra sức thuyết phục người thân. "Thôi thì đã trót mến nhau, bố mẹ cũng đành chịu. Con vượt qua được thì con đi. Không thì con ở lại với bố mẹ và các em", bà Mai nhớ mãi lời mẹ dặn. Còn ông Thụ thì khăng khăng: "Con mù loà, lấy người tinh tường, khác cảnh, liệu họ có thương con cả đời không. Con tin chúng con sẽ hạnh phúc".

Cuối cùng các bậc phụ huynh cũng đồng ý cho họ về một nhà. Ấy là năm 1983, vợ 28 tuổi, chồng 30. Ngày cưới, không áo dài, không ôm hoa, không trang điểm, cô dâu mặc áo sơ mi trắng, chiếc quần đen. Không chụp ảnh, không xe đạp, đoàn nhà trai khoảng 10 người từ vùng bãi An Dương đi tàu điện xuôi về Hà Đông rước dâu. "Người bình thường đi làm dâu đã vất vả, huống chi người kém mắt như tôi. Nhà chồng tôi giữa vùng đất bãi mênh mông, hun hút, đi mãi mới tới nhà. Tôi thường đợi mọi người đi ngủ để tập đi ra đi vào cho quen đường đi lối lại. 2-3 giờ sáng tôi đã dậy tìm đường ra chỗ máy nước công cộng để hứng nước. Sau bữa cơm, chồng tôi bê mâm bát ra sân giếng cho tôi rửa, rồi lại giúp tôi bê vào. Mất vài tháng tôi mới quen được "địa hình" nhà chồng", bà Mai nhắc lại kỷ niệm một thời.

Người phụ nữ mù lòa bé nhỏ cùng chồng tần tảo làm bờ làm bãi, cơm nước lợn gà, cũng bao phen chạy lụt, cũng làm tăm, làm chổi kiếm tiền. Chính sự thuận hòa, gắn bó bền bỉ của họ khiến bố mẹ hai bên chuyển từ lo lắng sang mừng rỡ, yên tâm. Vậy mà bà cũng làm dâu tròn 30 năm.

Năm 1983, ông bà mừng vui đón con gái chào đời. Chả biết có phải đẻ con đúng đợt lụt trắng bãi đất ven sông Hồng mà họ đặt tên con là Thủy. Bà Mai về nhà đẻ ở Hà Đông ở cữ, dù xa xôi, đi lại chậm chạp nhưng ông Thụ cứ 1-2 tuần lại dò dẫm đi tàu điện xuống thăm vợ con. Những bỡ ngỡ khi quấy bột, bón cháo, tắm táp cho con cũng qua đi, họ cứ tưởng tượng ra mà chăm con. Giọt nước mắt bất lực khi không nhìn thấy hình hài của con cũng khô dần, họ thường tự hình dung ra cô con gái xinh xắn đáng yêu mà tiến về phía trước.

"Chúng tôi hay va vào nhau"

"Tôi khi đó là bé con học lớp một đang kêu khóc vì đau bụng dữ dội. Bố tôi cõng tôi trên lưng, một tay chống gậy. Mẹ tôi bám vào bố tôi, dò dẫm đưa tôi đi bệnh viện. Dù cuống quýt và lo lắng tột độ thì họ cũng chẳng thể đi nhanh hơn được. Từ nhà ra cửa khẩu An Dương có một đoạn ngắn, mà bố mẹ tôi đi mãi mới đến nơi rồi bắt xích lô đưa tôi đi Bệnh viện Xanh Pôn. Đến viện, bác sĩ nói tôi bị đau ruột thừa sắp vỡ, phải mổ gấp. Số tiền ít ỏi bố mẹ mang theo chẳng thể đủ cho ca mổ, may mà bệnh viện tạo điều kiện mổ cho tôi trước khi đóng viện phí. Mẹ ở lại với tôi, bố tấp tểnh đi tìm họ hàng nhờ giúp đỡ". Đó là kỉ niệm tuổi thơ dữ dội mà chị Thủy - con gái ông Thụ chẳng thể nào quên.

Kìa những ngón tay đang đan vào nhau… -0
Tình nghĩa vợ chồng 40 năm bền chặt

Ngay từ lúc 4-5 tuổi, cô bé Thủy đã hiểu được hoàn cảnh đặc biệt của mình. Chẳng được bố mẹ đèo đi chơi bằng xe máy xe đạp mà chính cô bé dắt cha mẹ đi khắp chốn. Từ bé, bố Thụ đã nói con gái sẽ là đôi mắt sáng lấp lánh của bố mẹ suốt cuộc đời. Từ rất sớm, Thủy đã biết quán xuyến việc nhà, lo lắng cho bố mẹ. Giờ đây, khi đã trưởng thành, chị luôn tự hào vì được bố mẹ yêu thương, nuôi nấng, được ăn học nên người. "Mình đi lấy chồng, nhưng không theo chồng như người ta. Chồng mình hiểu và thương mình nên về ở rể để cùng chăm sóc bố mẹ", chị giãi bày. 

Thấm thoắt đã 30 năm ông bà Thụ làm nghề bó chổi đót. Ông Thụ bảo còn sức khỏe thì còn làm việc, đỡ làm phiền đến con cháu mà cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chổi ông làm vừa đẹp vừa bền, nổi tiếng ở phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Có thời kì bà theo ông rong ruổi xuống tận chợ Đồng Xuân, Hàng Lược, Bờ Hồ bán chổi.

Quãng đường ấy, với người sáng mắt thì chẳng bao xa, nhưng với ông bà là cả một đoạn đường dài. Đôi chân đã quen nhịp bước, đoạn nào rẽ trái, rẽ phải bao năm nay ông đã thuộc nằm lòng. Một lần, khi ông đang dắt bà băng qua đường thì bị ô tô va phải, bà ngã và bị gãy tay. Từ dạo đó sức khỏe bà yếu đi nhiều, chỉ còn mình ông đi bán. Nhiều lần, chị Thủy bảo ông nghỉ bán, nhưng ông bảo có đi ra ngoài mới nghe được âm thanh cuộc sống. Đã chìm trong bóng tối rồi, giờ lại thiếu cả âm thanh thì cuộc sống đâu còn ý nghĩa.

Hai năm nay dịch bệnh, không đi bán chổi được, ông buồn hẳn, đôi mắt càng mờ đi. Giờ vãn dịch ông lại đi nhưng chỉ ra ngã ba phố An Dương đứng bán. Người dân ở phố đã quen lắm hình ảnh ông lão mù đi bán chổi, ai cũng tránh đường cho ông đi, dù là trái đường. Hễ có cơn mưa, họ lại giục giã ông về sớm. Khách mua chổi cũng đã quen, thường trả đúng số tiền để ông không phải trả lại. Có người tìm đến tận nhà ông ở số 20D, ngõ 35, phố An Dương mua chổi.

Căn phòng nhỏ hẹp của ông bà trên tầng hai, mọi thứ giản tiện, vừa tầm với. Chiếc tivi cũ kĩ có tiếng nhưng lại hỏng màn hình thành ra hợp lý, bởi họ có nhìn thấy đâu mà xem. Ấn tượng nhất trong căn phòng ấy là tấm ảnh cưới được phóng to treo trên tường. Ông diện vest lịch sự, bà mặc váy cô dâu cười mủm mỉm, tay đan vào tay ông.

Tháng 11-2020, ông bà được tham gia lễ cưới tập thể dành cho các cặp đôi khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhắc lại ngày vui, bà giấu mặt sau lưng ông cười thẹn thùng. "Lễ cưới của chúng tôi linh đình, lịch sự lắm, có cả họ hàng đôi bên đến dự. Tôi được cắt bánh gato, cảm giác hồi hộp, lâng lâng khó tả. Ai cũng bảo vợ chồng tôi đẹp đôi, nên tôi cứ hay hình dung về bức ảnh cưới", bà Mai vừa xoay xoay chiếc nhẫn cưới do ban tổ chức tặng vừa tâm sự. Lấy chồng 40 năm, nhưng bà mới chỉ được đeo nhẫn cưới ba năm nay.

"Số phận đã khiến chúng tôi va vào nhau và gắn bó cả cuộc đời. Giờ thì cũng vẫn va vào nhau. Ông nhà tôi đi lại chẳng bao giờ đánh tiếng, còn tôi có tật đi nhanh. Nhà hẹp nên tôi đâm sầm vào chồng tôi, va cả vào túm chổi của ông ấy. Cả hai cùng cười, trách mắng nhau vài câu. Ông ấy là giám đốc chổi, còn tôi là nhân viên", bà Mai tếu táo.

Đến giờ, đôi bàn tay chai sần, thô ráp cả đời vót tăm, vặn chổi của ông vẫn dắt tay bà đi khắp chốn. Đi xe bus thăm bạn bè, đi về Hà Đông thăm họ hàng bên ngoại, đi họp Hội người mù, lúc nào cũng có đôi. Những ngón tay vẫn âm thầm đan vào nhau như thế, để bao người sáng mắt nhìn vào đều quý trọng, xuýt xoa.

Khánh Huyền
.
.
.