Hoa báo Đông

Thứ Năm, 23/12/2021, 10:01

Mỗi lần thấy những chiếc xe đạp chở bán hoa cúc Mi là lại nghĩ ngay đến cái rét đầu Đông của Hà Nội. Nhiều người còn ví đây là một loài hoa biểu tượng của khoảnh khắc giao mùa này.

Chị hàng hoa nhoẻn cười mời mua cúc. Gương mặt lam lũ nhưng ánh mắt thì ấm áp, hoa đợt này đẹp lắm! Mùa này ít mưa, nông dân tưới bằng nước sông Hồng nên hoa không bị úng nước. Cánh hoa e ấp nở, dướn cong lên như hàng mi thiếu nữ.

Các cụ xưa thường ví hoa cúc với người quân tử. Người làm bạn với hoa, vẽ hoa cúc trong đáy chén. Mỗi lần độc ẩm, đưa chén lên là lại thấy mặt hoa. Theo người xưa, hoa cúc tượng trưng cho tiết tháo của người quân tử. Nhưng với vẻ đẹp vừa tinh khiết vừa mong manh như những tà áo dài nữ sinh ấy thì cúc Mi Hà Nội là biểu tượng cho vẻ đẹp nữ tính. Chẳng thế mà thuở Tây học, các chàng trường Bưởi, trường Albert Sarraut… lại mang những bó cúc Mi đứng trước cổng trường nữ sinh Trưng Vương, “run rẩy những tâm hồn bằng ngọc” như ý thơ Xuân Diệu mà chờ, mà tụng ca những ngọc nữ Hà thành.

Hoa báo Đông -0

Nhiều người cứ gọi là cúc Họa mi, nhưng riêng tôi thích gọi bằng cái tên dân dã của mấy chị hàng hoa Ngọc Hà, Quảng Bá ngày xửa xưa là cúc Mi, cũng như cúc Chi, cúc Đóa, cúc Chùm, cúc Thúy… thôi ấy. Tên tiếng Anh của hoa cúc Mi là Saxon Daisy hay Ox-eye daisies. Daisy bắt nguồn từ cụm từ đồng âm “days eye” có nghĩa là “mắt của ban ngày”. Chắc có lẽ vì cúc Mi nở cùng với ánh sáng ban mai rồi khép lại những cánh mi trắng khi hoàng hôn xuống. Thật đáng ngả mũ thán phục với người xưa đã đặt tên tiếng Việt cho loài hoa phương Tây ấy là cúc Mi. Hẳn phải là người có tài, có tình lắm. Nếu chưa bao giờ từng ngắm hoa cúc Mi đang từ từ khép bờ cánh cong mảnh khi chiều muộn thì thôi chịu, sẽ không thể cảm mà hiểu được cái tên rất gợi và tinh, nhã ấy.

Người Pháp thì gọi chung cúc Mi cũng như những loài cúc khác là Marguerite và mang theo những giống hoa mĩ miều từ châu Âu đến Việt Nam cùng rất nhiều loài thực vật khác nữa. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, giới quý tộc Việt Nam còn mang đậm thẩm mỹ Nho giáo, Phật giáo phương Đông nên chưa mặn mà gì với vẻ đẹp của những giống cúc ngoại lai này. Phải đến khi dân Tây học hình thành một tầng lớp trí thức, tư sản mới thì người Hà Nội dần chấp nhận những vẻ đẹp mới như cúc Mi.

Hơn một thế kỷ có mặt ở Việt Nam, loài hoa đó chỉ có tên Việt là cúc Mi thôi. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, dân trồng hoa Ngọc Hà, Quảng Bá tự nhiên lại gọi là cúc Kim. Dần dần một số người cũng gọi theo, thành quen. Không hiểu sao hơn chục năm gần đây người ta lại véo von gọi, cúc họa mi, cúc họa mi… Rồi báo chí truyền thông lại giật những cái tít, kiểu: “Có một loài họa mi không biết hót”, “Tiếng hót trắng long lanh phố cổ” hay “Mùa thu sương đọng trên môi họa mi trắng”… Người sẵn ở đây đọc thì chỉ phì cười, vừa ngao ngán vừa tức anh ách vì bị cướp đi một cái tên ý nhị lại giàu mỹ cảm của một loài hoa gắn bó với hình ảnh đất này. Thôi kệ, người Hà Nội cũ vẫn gọi là cúc Mi mà. Chỉ tiếc cho những ai không hiểu được ý của một cái tên đẹp. Người bạn cũ thì hóm hỉnh, chậc lưỡi, bọn họ giáng họa cho mi.

Theo thần thoại La Mã, loài hoa nhỏ bé này có nguồn gốc từ nàng Belides, một vùng huyền thoại của các nữ thần chăm sóc cai quản các khu rừng. Một hôm, khi Belides đang nhảy múa với người yêu của mình là Ephigeus, nàng đã lỡ để lọt hình ảnh của mình vào mắt xanh Vertumrus, vị thần cai quản các vườn cây. Thương cảm và muốn chở che, để bảo vệ nàng khỏi sự săn đuổi này, Flora, nữ chúa các loài hoa, đã biến nàng thành một đóa hoa cúc trắng… Kể chuyện nguồn gốc loài hoa ấy cho cô con gái đang tuổi chớm má hồng nghe, rồi bảo, đấy là cúc Mi, cúc Mi con gái ạ. Loài hoa mang vẻ đẹp lứa tuổi của các con. Con bé chớp mắt mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, gương mặt trong veo như cúc Mi. Tự nhiên lòng mình lại thoáng lo âu...

Hồi 2005, tôi có một cái tài khoản Blog 360 của Yahoo và thỉnh thoảng đăng vài hình ảnh về Hà Nội. Vài góc phố cổ phố cũ, vài cảnh chợ, vài hình ảnh ngày Tết, và cũng có những xe đạp hàng hoa… Một hôm chắc là cuối Thu, một nick lạ nhảy vào bình luận hỏi, hoa gì ngoài Hà Nội mà trắng muốt như áo dài nữ sinh vậy chủ thớt ơi? Và chúng tôi quen nhau trên mạng. Cô bé lúc ấy chắc hơn tuổi con gái tôi bây giờ một chút. Chúng tôi thống nhất xưng hô với nhau là chú - cháu.

Cô bé Sài Gòn có một đam mê vô hạn về cúc Mi cũng như những khoảng đậm tâm hồn Hà Nội. Những phố cổ… những tường rêu… những mùa lá… những mùa hoa… Chú ơi cúc Mi ở ngoài nhìn ra sao hả chú?

Hoa báo Đông -0

Cúc Mi mảnh khảnh, mỏng manh yếu đuối nhưng lại tràn đầy sức sống và dẻo dai. Cúc Mi đẹp thanh thoát, trong sáng. Thân cúc vươn cao, phân nhiều cành nhánh, đầu cành tỏa ra những chùm nụ hoa nhỏ nhìn rất dễ thương, cháu gái ạ! Lá cúc Mi có hình dáng như những loại hoa cúc khác thôi. Lá mọc cách nhau mang những chồi cành, chồi hoa được mọc từ ở nách lá. Lá cúc Mi cũng có phiến xẻ thùy và nhọn ở đầu. Mặt lá nham nhám và nhạt màu ở mặt dưới. Tuy nhiên, lá hoa lại có kích thước nhỏ hơn rất nhiều và cũng mềm hơn các loại cúc khác. Cúc Mi đẹp nhất là cắm trong một bình gốm mộc và thật nhiều hoa…

Tôi đã huyên thuyên rất nhiều về một loài hoa, về Hà Nội cho một cô bé mới quen, mới lớn ở một nơi rất xa nghe. Một ngày, tôi mệt và chán, bảo, cháu yêu Hà Nội thì phải ra đây. Cô bé quả quyết trả lời, hẹn chú và Hà Nội năm nào đó, nhất định phải vào mùa cúc Mi! Tôi hihi cười, bảo, cố học hành thi đỗ đại học rồi đi làm kiếm tiền, ra đây, chú sẽ đón cháu bằng cả một mùa trắng phố cúc Mi, mùa hoa báo Đông… Chuyện mạng, vu vơ, chỉ thế thôi.

Rồi Blog 360 sập. Bạn bè Yahoo tan tác hết. Tôi bỏ chơi mạng, chỉ giữ lại hộp thư cho công việc.

Hà Nội đã cuối Thu. Trời chỉ dát bạc phơn phớt thứ nắng mỏng nhè nhẹ lên mây và vòm lá phố. Phố mùa dịch đã qua giãn cách. Ban sớm đã thấy những dòng xe máy, xe đạp từ Quảng Bá, Quảng An chở hoa trôi vào nội đô. Và nắng sớm cũng dát bạc lên những vầng mây cúc Mi còn ngái ngủ, chúm chím nhụy xanh mờ trên những dòng xe ấy. Ông cụ nhà bên kia đường trồng hai chậu cúc Mi rủ rất sai hoa. Hoa nở trắng như thác bạc. Hết mùa hoa là lại thấy ông cụ rũ rễ, cắt cành. Mỗi chậu tách ra làm ba làm bốn, chia cho bạn bè. Cây mới trồng vào đất, mùa Xuân sẽ nảy mầm mới. Nhưng cúc Mi ngủ Hè. Suốt mùa nắng nóng, cây không lớn để chờ mùa Thu. Tháng 9 tháng 10 cúc Mi vụt lên như thổi. Và chớm Đông nào cũng đổ thác hoa thế kia.

Ngồi ban công uống trà sáng mà ngắm phố hồi sinh trong một sớm Hà Nội chớm lạnh mới khoan khoái làm sao! Tự nhiên Zalo có tin nhắn, bác ơi ngày mai đi chơi với bọn cháu đi, cháu xin phép bác! À thì ra cái thằng cu C. con trai vợ chồng người bạn. Nó chơi thân với con gái tôi từ lúc bé, dễ đã đến hơn mười năm. Nghe chừng cậu chàng đã trống choai và kiểu nói này là do con gái tôi mớm cung đây mà. Ầy da!

Thế là chiều cuối tuần, ba đứa bọn tôi, bao gồm bố con tôi và thằng cu C. như đã biết, đi chơi ruộng hoa ngoài bãi sông Hồng. Những vùng trồng hoa cũ sát nội đô Hà Nội từ bao giờ đã trở thành điểm check-in cho bọn trẻ và khách du lịch.

Cúc Mi lưa thưa mong manh của Hà Nội tôi xưa giờ trồng thành luống, thành thảm, nở trắng muốt như mây. Ngồi ngẫm ngợi vu vơ ngắm hai đứa trẻ kia hấp háy cười nói chụp ảnh cho nhau thôi là đủ cho một ngày đẹp. Xa xa là mấy chị sồn sồn áo dài là lượt sắc màu…

Tự nhiên nghe thấy một giọng con gái Sài Gòn giữa một đoàn người có vẻ là khách du lịch. Đây nè, đây là cúc Mi nè, nhất quyết hổng phải cúc họa mi đâu nghen mấy đứa, ngày xưa tau quen một chú Hà Nội trên Blog 360, kể rồi nhớ hơm?...

Vô thức, chúng tôi bất chợt quay sang và gặp ánh mắt nhau qua voan mờ sương chiều Hà Nội đang xuống. Không biết, không chắc, có đúng là nhau không, nhưng xung quanh là vây ngập hoa báo Đông. Sương đã lạnh rồi!

Nguyễn Anh Vũ
.
.
.