Hà Nội lóng lánh gương hồ

Chủ Nhật, 02/01/2022, 15:56

Đã có những người xưa từng cắt nghĩa cái tên Hà Nội là trong sông, đô thị trong sông. Hẳn là như vậy vì những con sông ấy vẫn còn để lại vết tích trong lòng thành phố là cả trăm những hồ nước lớn nhỏ không đếm xuể. Và mỗi hồ nước lại mang một vẻ đẹp với những đặc điểm riêng biệt. Là cảnh quan, là kiến trúc, là những di tích lịch sử, là những câu chuyện, giai thoại, là những kỷ niệm không thể nào quên...

"Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…" những cái tên hồ nước Hà Nội in đậm trong các nhạc phẩm, thi phẩm bất hủ. Cho người phương xa dù chưa đến mà đã biết, đã nhớ, đã yêu thương những cái hồ và Hà Nội tự khi nào. Người thầm hẹn một dịp nào được về Hà Nội mà dạo chơi ngắm những mặt hồ.

"Khen ai khéo họa dư đồ. Trước sông Nhị Thủy sau hồ Hoàn Gươm". Hà Nội trong ca dao xưa như vậy đấy. Thăng Long qua các triều Lý, Trần, Lê có rất nhiều hồ như: Thanh Giám, Thái Cực, Tú Uyên, Kim U, Chu Tước, Huy Văn... Nhưng lớn nhất là hồ Lục Thủy (tức hồ Gươm ngày nay). Hồ Gươm, nơi đặt cột mốc số 0 Hà Nội.

Hà Nội lóng lánh gương hồ -0

Hồ Gươm của những tháp Rùa, tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Hồ Gươm với tượng vua Lê, vua Lý. Hồ Gươm với dáng hình đồng hồ bưu điện soi bóng thời gian. Hồ Gươm của thơ,  của họa, của những tác phẩm nhiếp ảnh. Có lẽ nơi này cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp hay sao mà triệu triệu bức ảnh đã chụp nơi này. Liễu rủ mặt hồ như tóc thanh xuân. Lộc vừng vàng ruộm, rực rỡ nắng Thu. Hồ Gươm với những đêm giao thừa tưng bừng pháo hoa. Những đêm pháo hoa lễ Tết hội hè, những người trẻ nườm nượp tay trong tay.

Cha mẹ đưa trẻ con đi xem pháo hoa và ăn kem. Có ai còn nhớ nơi đây khi xưa Vua Lê Lợi đã trả gươm báu cho rùa thần mà có tên hồ Hoàn Kiếm. Không gian thơ mộng lãng mạn của hồ Gươm làm rung động chúa Trịnh Giang. Vốn yêu cái đẹp và thi ca, Chúa đã cho xây Tả Vọng đình trên Gò Rùa làm nơi hóng mát, ngâm thơ về mùa hè. Và có ai còn nhớ ngày cờ đỏ bay trên đỉnh tháp Rùa. Người Hà Nội đứng quanh hồ hoan hô, mong ngày kháng chiến chống Pháp thành công.

Hồ Tây là hồ đặc biệt nhất trong các hồ ở đất Thăng Long - Hà Nội. Hồ Tây là hồ rộng nhất, sâu nhất và nhiều truyền thuyết nhất. Hồ tạo thành chủ yếu do tác dụng xâm thực của sông Hồng. Tuy nhiên, sự hình thành của hồ là câu hỏi không dễ trả lời. Liệu hồ có phải là một khúc sông Hồng, sau khi đê bị vỡ, người ta đã đắp đê mới phía ngoài hồ?

Theo cuốn “Hà Nội nghìn xưa” của Vũ Tuân Sán và Trần Quốc Vượng, xưa khu vực hồ Tây có một bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Đỗ (Hà Nội ngày nay). Xung quanh bến Lâm Ấp là rừng lim rậm rạp có nhiều hang động. Hai Bà Trưng chọn nơi đây làm chiến địa chống quân xâm lược nhà Đông Hán vì địa hình hiểm trở, xung quanh khu vực này là bãi lầy có cửa thông với sông Hồng. Đến thế kỷ thứ VI, khi Lý Nam Đế chống quân xâm lược nhà Lương thì hồ Tây đã có rồi.

Và nơi đây sinh ra nhiều truyền thuyết gắn với những tên gọi. Hồ Kim Ngưu xuất phát từ truyền thuyết trâu vàng đi tìm trâu mẹ (bằng đồng đen), mất phương hướng đã lồng lên giẫm nát cả một khu rừng, còn đất thì lún xuống thành hồ. Trong “Lĩnh Nam chích quái” còn chép rằng Lạc Long Quân đã giết chết con cáo chín đuôi ở hồ này, giải thoát cho những người bị bắt giam trong hang sâu. Và cái tên đầm Xác Cáo có từ đó. Làng Cáo Đỉnh (nay thuộc phường Xuân Đỉnh) được cho là dấu tích của truyền thuyết. Hồ Tây còn nhiều tên gọi khác gắn với vẻ đặc trưng. Hồ Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Vua Lý Công Uẩn đổi tên thành hồ Dâm Đàm vì thấy hồ nhiều sương mù huyền ảo. Rồi tên hồ đôi lần đổi do dính húy. Vua Lê Thế Tông lên ngôi, tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ. Đến đời chúa Trịnh Tạc, vì kiêng chữ Tây nên Tây Hồ bị đổi thành Đoài Hồ (đoài nghĩa là phía tây).

Nằm ở mạn Đông Bắc quận Ba Đình, hồ Trúc Bạch vốn là một phần của hồ Tây. Thời xưa sóng lặng hơn nên cá hồ Tây thường tụ về đây. Dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đã đắp đê ngăn góc này lại để đánh cá và sau là nuôi cá. Sau, chúa Trịnh cho đắp con đê rộng ra, gọi là đê Cố Ngự (nghĩa là giữ vững). Con đê này cũng là đường giao thông. Sau này đường Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư. Giờ đó đường Thanh Niên, con đường thơ mộng nổi tiếng Hà Nội ngày nay. Vào thế kỉ 18, Chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện để nghỉ mát cạnh hồ và gọi là Trúc Lâm. Sau đó Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội, họ tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Lụa của họ rất đẹp và bóng bẩy, gọi là lụa Trúc (chữ Hán là Trúc Bạch). Từ đó có một làng chuyên dệt lụa tên gọi là làng Trúc Bạch, và hồ cũng được gọi là hồ Trúc Bạch. Quanh hồ là một vùng đất có nền văn vật phong phú, quy tụ nhiều di tích cổ xưa như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Ngũ Xã, chùa Châu Long, đền Thủy Trung Tiên... Phía Đông hồ có bán đảo nhô ra, dân năm làng đúc đồng ở Bắc Ninh tụ ở đây, hình thành làng đúc đồng Ngũ Xã danh tiếng.

Nổi tiếng nhất thuở Thăng Long xưa có 5 hồ, gọi là "ngũ hồ", ứng với ngũ hành, gồm hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Ngọc Khánh (xưa liền với hồ Thủ Lệ) và hồ Đồng Nhân.

Hồi nhỏ tôi hay được theo bà đi lễ và thích nhất được đi lễ đền Voi Phục bên vườn bách thú, thể nào cũng được bà cho ghé chơi một lúc. Ở đó có hồ Thủ Lệ trải một dải cong mềm bên đường Kim Mã. Cách đây vài thế kỷ, hồ Thủ Lệ và hồ Ngọc Khánh liền làm một. Ở chỗ hồ thắt lại, người xưa bắc một cây cầu nối liền về phía Cầu Giấy. Sau người ta làm đường chia đôi hồ. Đền Voi Phục có hai hàng muỗm cổ thụ cao chót vót, tán lá sẫm tối đầy huyền bí. Trong đền thờ vị thần chủ là Hoàng tử Linh Lang. Người được đời sau phong là Đại vương và là một vị thánh trong tâm linh người Việt. Với người Việt, thần Linh Lang là một trong các đại linh thần và được thờ ở rất nhiều nơi. Mỗi nơi thờ phụng thì thần lại có một lai lịch, thần tích rất khác nhau. Ngay Hà Nội thôi cũng có hơn chục nơi thờ Ngài. Và gần như nơi nào cũng gần cũng gắn với một mặt nước hồ nào đó. Ví như ở Thủ Lệ, Yên Phụ, Thụy Khuê.  Linh Lang được coi là một trong những vị thần bảo vệ cho kinh thành Thăng Long. Đền Voi Phục là một trong "Thăng Long tứ trấn" cùng với đền Bạch Mã, đền Quán Thánh và đền Kim Liên. Hồ Thủ Lệ - Ngọc Khánh xưa kia còn là nơi luyện tập của thủy quân từ thời Lý, Trần.

Hồ Đồng Nhân gắn với Đền thờ Hai Bà Trưng, còn gọi là Đền Đồng Nhân vốn dựng từ năm 1160 đời Vua Lý Anh Tông ở phường Bố Cái, tức là bãi Đồng Nhân, bên bờ sông Hồng. Năm 1819, vì bãi bị lở, dân dời đền vào khu vực trường Giảng Võ cũ của thời Lê, thuộc đất thôn Hương Viên, tổng Thanh Nhàn huyện Thọ Xương, tức địa điểm hiện nay.

Còn hồ Bảy Mẫu rộng mênh mông, nằm trong công viên Thống Nhất. Hồ này vốn rất lớn, đến đầu thế kỷ 20 làm đường mới cắt làm ba, sinh ra thêm hai hồ Thiền Quang (hồ Hale) và hồ Ba Mẫu. Hồ Thiền Quang gắn với cụm di tích gồm ba ngôi chùa Quan Hoa, Thiền Quang và Pháp Hoa trên bán đảo nhỏ ở phía Tây. Nơi đây được biết đến như một chốn cửa Phật linh thiêng, một quần thể kiến trúc tôn giáo đẹp và độc đáo.

Hồ Văn thì như nghiên mực trời cho ngàn đời người Việt Nam chấm mực viết nên ngàn áng thi, sử, viết nên văn hiến Thăng Long. Nằm trong không gian chung của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Văn cùng vườn Giám và khu nội tự tạo thành tổng thể kiến trúc hài hòa, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Giữa hồ là gò Kim Châu. Trước kia, trên gò có Phán Thủy đình - nơi các nho sĩ thường lui tới để bình văn chương thơ phú. Ngày nay, Phán Thủy đình tuy không còn, nhưng trên gò vẫn còn hai tấm bia đá ghi lại vẻ đẹp của hồ Văn và quá trình trả lại hồ Văn cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cứ dịp Ngày Thơ Việt Nam rằm tháng Giêng, Văn Miếu - Quốc tử giám lại nhộn nhịp thi bá, thi hữu. Không khí thi ca chảy tràn sang hồ Văn. Xung quanh hồ là những gian trưng bày thơ của các câu lạc bộ thơ phong trào. Nét đẹp đáng tự hào của một dân tộc yêu thi ca và giàu truyền thống.

Rồi còn những hồ Giảng Võ, Bách Thảo, Thành Công, Đống Đa, Kim Liên, Xã Đàn, Thanh Nhàn, Hai Bà, Quỳnh Đôi, Linh Quang, Văn Chương, Láng, Hào Nam, Nam Đồng, Bảy Gian, Đầm Tròn, Ngọc Hà, B52, Hố Mẻ, Không Lực, Đầm Sòi, Đầm Hồng, Đầm Bông, Đầm Chuối, Định Công, Dọc Ngang, Nghĩa Tân, Mễ Trì, Lĩnh Nam, Đền Lừ, Vĩnh Hưng, Vĩnh Tuy, Linh Đàm, chuỗi hồ Yên Sở... nữa. Mặt gương hồ nào cũng gắn với một vài di tích lịch sử và những huyền tích. Ngoài những giá trị lịch sử, hệ thông hồ ở Hà Nội thực sự là những lá phổi xanh, đầy chim chóc và những loài thú nhỏ. Nhớ năm nào, cò, le le và sâm cầm vẫn về trên hồ Tây, hồ Bảy Mẫu... Sâm Cầm hồ Tây không phải là hư cấu dân gian hay trong nhạc Trịnh.

Nhìn từ trên cao xuống, hẳn là Hà Nội lóng lánh những mặt gương hồ. Xung quanh những mặt nước ấy, hẳn đã gắn với nhiều câu chuyện đời, và chuyện tình. Trải qua bao năm tháng với bao biến đổi của địa chất, thay đổi về cấu trúc đô thị thì Hà Nội vẫn còn đó những mặt hồ. Dâu bể buồn vui phận người thì người Việt mình vẫn đón Tết. Xuân về, hoa lại nở rực rỡ quanh những mặt hồ Hà Nội. Hoa nở từ tay người. Và trên những mặt người cũng thấy nở hoa.

Tiếng ai đó hát "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô…".

Nguyễn Anh Vũ
.
.
.