Chờ ngày tái thiết

Thứ Hai, 18/10/2021, 12:22

Quỹ Hạt vừng của chúng tôi khép lại chiến dịch kêu gọi máy thở với con số tổng kết là hơn 18 tỷ đồng. Chúng tôi vừa nói lời chào tạm biệt với chiến dịch nhưng Quỹ Hạt vừng của chúng tôi đã bắt tay vào chiến dịch mới: Ngày tái thiết. Là trong nội bộ chúng tôi bắt tay vào thôi. Chúng tôi chưa công bố ra ngoài. Chúng tôi đang chuẩn bị. Chúng ta sẽ cần một Ngày tái thiết, chắc không quá xa đâu.

Ngổn ngang chờ ngày tái thiết

Ngày tái thiết là ngày để chúng ta chữa lành vết thương mà chúng ta đã phải chịu trong suốt làn sóng dịch thứ 4 này. Hơn 800.000 ca nhiễm, gần 20.000 người tử vong, 62/63 tỉnh thành đã có ca nhiễm, trừ Cao Bằng. Chúng ta đã trải qua những năm tháng đầy mất mát như thế. Thiệt hại về kinh tế, con người chắc chắn sẽ là con số đau đớn. Nhưng, thiệt hại về tinh thần mới thực sự là thứ mà không có con số nào đo được. Là những gia đình mất đi người thân. Hơn 1.500 đứa trẻ mất đi cha, mẹ hoặc cả hai. Là những lao động mất đi công việc, thu nhập, ùn ùn bỏ về quê ngay sau khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gỡ bỏ giãn cách. Là những lòng tin đổ vỡ chỉ vì đâu đó có những sự vô cảm, xấu xí đã diễn ra. Là một tương lai mù mịt của nhiều người mất việc khi doanh nghiệp phá sản, nhiều công ty toàn cầu đóng cửa nhà máy, di dời sản xuất sang đất nước khác. Là cả sự thay đổi tâm tính trong nhiều thân phận yếu thế khi họ không thể vượt qua được khủng hoảng tâm lý trong đại dịch. Và cả những đứa trẻ đã lâu rồi không được đến trường, học online ngày 8 tiếng như người lớn. Cả những đứa trẻ bơ vơ khi chính cha mẹ chúng cũng đang bất lực trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền.

Ngày tái thiết là ngày nào chúng ta chưa biết nhưng tôi cũng như hàng triệu người đều tin rằng có ngày đó, không xa đâu, khi Chính phủ đã thay đổi trạng thái từ không COVID sang thích ứng an toàn với COVID, bằng rất nhiều nỗ lực của chính phủ, của các doanh nghiệp và của cả chính chúng ta sau những đợt giãn cách kéo dài. Bằng cả số lượng vaccine đang liên tục được chuyển về, ngày chúng ta cán mốc 150 triệu liều vaccine được tiêm chắc sẽ không còn xa nữa.

Chờ ngày tái thiết -0
Ngày tái thiết, hy vọng những hình ảnh này sẽ không trở lại (đường Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: S.t

Ngày tái thiết, đó không phải là ngày chúng ta cởi bỏ khẩu trang hay tổ chức những đại nhạc hội hàng chục ngàn người tham dự. Đó càng không phải là ngày mà chúng ta đua nhau lượn phố, hẹn hò tâm sự cho thỏa nỗi nhớ mong. Bởi chừng nào chúng ta còn chưa tiêm xong vaccine cho đa số người dân, chừng nào các nhà khoa học chưa tìm ra cách để tận diệt COVID thì chừng đó chúng ta vẫn phải nâng cao cảnh giác tối đa. Chúng ta vẫn cứ phải canh giữ “vùng xanh” bằng ý thức của mỗi người dân. Vùng xanh khi đó không chỉ là vùng không có người nhiễm COVID mà còn là vùng để chúng ta gieo xuống những mầm tái thiết.

Ngày tái thiết ở đó có hàng trăm ngàn người nhiễm COVID cần được phục hồi di chứng sau COVID. Theo nhiều nghiên cứu ở Mỹ, 30% bệnh nhân mắc COVID-19 có các di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh. Mắc COVID-19 thể càng nặng, các rối loạn tâm thần càng tăng. Một số trường hợp mắc COVID-19 có biểu hiện giảm trí nhớ, một số như sa sút trí tuệ, mức độ không nặng nhưng nhiều bất lợi. Các tác động trực tiếp của bệnh lý này đối với cơ thể là gây tổn thương phổi, đường hô hấp, các cơ quan khác trong đó não cũng bị tổn thương.

Chưa hết, với hàng triệu người chưa mắc thì COVID cũng đã khiến họ khủng hoảng tâm lý, stress và nhiều hệ lụy khác. Như tỷ lệ bạo hành gia đình gia tăng trong thời gian giãn cách, như lũ trẻ phải học online trong quãng thời gian quá dài, không có tiếp xúc bên ngoài. Rồi, chưa kể những hệ lụy về nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến nhiều người sang chấn tâm lý.

Chúng ta sẽ làm gì trong Ngày tái thiết?

Có vô số những điều chúng ta cần làm, với mỗi người, danh sách việc cần làm để tái thiết lại cuộc đời mình chắc chắn sẽ rất dài.

Với tôi, là gần 20.000 người đã ra đi, chúng ta cần một đại lễ cầu siêu cho họ. Cần có một ngày để tưởng niệm họ, tưởng niệm sự ra đi của họ. Là để nhắc nhở người đang sống trân quý cuộc đời mình hơn. Để có thể giúp những người ở lại một cuộc sống tốt hơn, sống thêm cho những người đã ra đi vĩnh viễn vì bệnh dịch. Là hơn 1.500 đứa trẻ mồ côi sẽ không đau hơn nữa, không phải chịu di chứng kéo dài của cuộc đời mồ côi.

Tôi nghĩ đến những hội chợ việc làm không phải cho người tìm việc mà là việc tìm người. Mang việc làm đến cho nhiều người nhất có thể, tạo ra hàng triệu việc làm mới nhanh nhất để ai cũng có thể bắt tay ngay vào công việc. Giống như chúng ta đã và đang làm rất tốt công việc ngoại giao vaccine, tôi mong Ngày tái thiết, khi chúng ta có thể ngoại giao việc làm không chỉ trong nước mà cả quốc tế, khi nối lại những dự án FDI đã mất, đã phải tạm dừng, bị chuyển đi trong những ngày Việt Nam chiến đấu với dịch. Những Apple, Google đã chuyển dịch sản xuất sang quốc gia khác sẽ quay về Việt Nam sớm hơn. Những ngành xuất khẩu sẽ được nối lại nhanh nhất.

Tôi nghĩ đến những ngôi trường ngày trở lại, lũ học trò đến trường sẽ có thêm những môn học được xây dựng sau những gì chúng ta đã trải qua. Về kỹ năng sống mới, về những bài học tình người mùa dịch, về những thay đổi của thế giới chúng ta đang sống và cả những việc chữa lành tâm lý cho trẻ khi mà nhiều đứa trẻ đã gặp những vấn đề tâm lý vì giãn cách. Nó đòi hỏi thầy cô thay vì chạy theo việc dạy bù, đốc thúc bù đắp kiến thức rơi rụng, căng lên để hoàn thành chương trình thì hãy chậm lại một chút, lắng nghe những thay đổi trong tâm lý mỗi học trò. Học tập là việc cả đời chứ không phải số tiết, số bài giảng theo kế hoạch học tập được giao.

Tôi nghĩ đến một hệ thống y tế đã được nâng cấp sau cuộc chiến chống dịch, nơi mà chúng ta đã được bổ sung thêm bao máy móc, kiến thức, kinh nghiệm và cả những đau thương mất mát. Một chương mới cho một hệ thống y tế sẵn sàng. Nhiều sinh viên y khoa, điều dưỡng đã được học rất nhiều từ đại dịch, họ sẽ trưởng thành hơn và làm được nhiều điều lớn hơn trong tương lai. Đừng để dịch qua đi như một tai nạn đáng quên.

Tôi cũng nghĩ đến hàng chục ngàn sinh viên y khoa đã tham gia các chiến dịch suốt thời gian qua, các em đã được học bài học hay nhất, giá trị nhất: Sự đồng cảm với bệnh nhân. Đó mới là thứ mà mỗi bác sĩ, y tá sau này cần có nhất bên cạnh kiến thức y khoa.

Ngày tái thiết, Quỹ Hạt vừng của chúng tôi đang khẩn trương với những nguồn tài trợ từ các Mạnh Thường Quân để có thể làm được nhiều hơn nữa cho Ngày tái thiết. Tôi mong những quỹ khác cũng vậy. Chúng ta sẽ không dừng lại chỉ vì dịch đã qua đi, những lòng hảo tâm và trắc ẩn sẽ được duy trì và biến nó thành hoạt động thiện nguyện thường trực. Tôi mơ mộng quá không khi nghĩ đến việc thiện nguyện trở thành hoạt động tự nhiên trong đời sống mỗi người Việt. Một dòng chảy mát lành không bao giờ cạn. Không cần đến những xót xa, đau thương mới phải kêu gọi, mà trong tái thiết, dòng chảy đó sẽ không dừng. Nó được dùng để cùng tiến lên và không ai bị bỏ lại phía sau.

Đó là với tôi, còn bạn, bạn sẽ làm những gì để tái thiết lập lại cuộc đời mình sau dịch?

Khép lại, chờ ngày tái thiết

Ngày tái thiết, tôi không nghĩ nó quá lớn lao và xa vời. Bởi nó không phải là ngày thế giới hay Việt Nam kết thúc COVID. Nó chỉ là ngày mà chúng ta có thể cùng nhau đứng lên sau những ngày đớn đau. Là ngày mà chúng ta sẽ học cách trân quý những sự bình thường, trân trọng mỗi ngày được sống.

Tái thiết lại cuộc đời mình là cách để chính con virus nCoV kia không còn kiểm soát được cuộc đời chúng ta nữa. Để chính chúng ta mới có thể chọn cách sống cho riêng mình. Để sân si trước đó sẽ không còn kéo ta cư xử xộc xệch với cuộc đời này. Và cả những niềm tin, sẽ tái thiết trở lại.

Hoàng Anh Tú
.
.
.