Cất đó người, người cất thời ta
Với tục ngữ, thành ngữ, chúng ta đọc và nghe bằng tiếng Việt ắt hiểu rõ nội dung, tất nhiên rồi, nhưng lại lắm lúc lại bí rị, không phải ai cũng cảm nhận giống nhau. Do đó, muốn hiểu cặn kẽ lời ăn tiếng nói của người Việt, chính bản thân người Việt cũng phải học. Thí dụ, tục ngữ có câu: "Cất đó người, người cất thời ta", hiểu thế nào cho đúng?
Trước hết, ta cần tìm hiểu về nghĩa của từ cất. Đặt từ "cất" vào trong ngữ cảnh cụ thể ắt rõ nghĩa hơn, mà, trong chừng mực nào đó cũng như "giấu" nên mới có từ đôi "cất giấu". Chẳng hạn, đi làm đồng về, người mẹ đặt tạm cái nón ngoài sân, bước vào nhà, lát sau quay ra không nhìn thấy nữa, bèn hỏi: "Ủa, thằng Tèo cất nón của mẹ đâu?" - là dời, đem đi đặt để vào chỗ nào khác. Nhưng nếu người mẹ bảo: "Hôm nay cất nhà, trời nắng nóng sao con lại cất nón?" - thì cất/ cất nhà lại là dựng nhà, làm nhà.
Khó nhất của việc cất nhà còn là "cất nóc": Đưa thanh gỗ hoặc cây tre lên đặt vào đường giữa giáp với hai đầu kèo giao liền nhau, người ta thường gọi là đường 'thượng ốc'.
"Cất nóc" là một thí dụ.
Nếu ngoài Bắc dùng từ "thượng ốc", miền Trung lại gọi "thượng lương". “Từ điển phương ngữ Huế” của Trần Bảo Ngọc cho biết: "Khi phần mộc và các vật liệu khác đã chuẩn bị đầy đủ, gia chủ phải chọn ngày tốt để làm lễ 'thượng lương', tức là lễ dựng đòn đôn hay đòn nóc. Trong các lễ vật ấy có một lá cờ vẽ bùa bát quái trấn trạch, trên đó có ghi tuổi của gia chủ và ngày làm lễ. Phần trên lá cờ có gắn hai lá thiên tuế để cầu cho nhà được bền vững lâu dài. Bên dưới lá cờ còn gắn 4 hay 6 đồng tiền để cầu cho tài lộc hanh thông. Lá cờ này sẽ treo lên đòn đôn. Lễ vật còn có hoa, trà, gạo, muối, hột nổ, giấy tiền, giấy vàng bạc. Người thợ cả đặt trên đĩa gạo chiếc khăn màu đỏ mà khi lễ xong ông ta sẽ chít lên đầu khi dựng đòn đôn. Khi hành lễ có một bài khấn 'thượng lương' mà gia chủ hay người chủ lễ phải đọc để phụng thỉnh các thần đất đai, tổ nghề liên quan đến nhà cửa, chẳng hạn Lỗ Ban, là tổ nghề mộc và bà Cửu Thiên Huyền Nữ, thần của các loại cây cối, vật liệu làm nhà cũng như bảo hộ gia đình".
Các chi tiết này, không chỉ nói lên nghi lễ cất nhà, mà còn giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu "Con có cha như nhà có nóc" - cái nóc ấy quan trọng đến độ khi làm cái nhà mà ai ai cũng phải tiến hành lễ "cất nóc". Vì tầm quan trọng bậc nhất ấy, nên khi con trai cất nhà, cụ Tam nguyên Yên Đổ mới bảo:
Con có cha như nhà có nóc,
Bao giờ cất nóc tớ lên cho.
Trở lại với cái nón đã bị con đem cất, không thấy con đưa ra, người mẹ liền giục: "Lấy nón, mẹ sắp đi cất vó" là nhấc cái vó bắt tôm cá ngoài sông rạch; còn nếu bà nói: "Lấy nón, mẹ đi liền đây, ngựa sắp cất vó" lại là ngựa sắp phi bon bon; nếu trên đường dài, con ngựa ấy hay nhảy chồm, nhảy vổng lên khiến người ngồi dễ té gọi là "ngựa cất".
Xin dừng lại đây một chút để thấy dù hiện nay cũng dùng từ "cất vó" nhưng cách thao tác đã khác. Nhà báo Hoàng Giáp có kể lại câu chuyện hết sức thú vị đã tận mắt nhìn thấy tại khu vực bờ hồ Dầu Tiếng:
"Chở chúng tôi trên chiếc vỏ lãi, ông Võ Hoàng Bon 42 tuổi, ngụ xã thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, Bình Phước - người có thâm niên khoảng 20 năm bám nghề ở khu vực này, chia sẻ: "Những chiếc vó ngày trước không to như bây giờ nhưng phải mất 2 đến 3 người mới kéo lên, hạ xuống mặt hồ. Còn bây giờ, ngư dân ở đây đã biết nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4.0 để cất vó, không mất sức như ngày trước. Đến chiếc vó xa nhất của mình, ông Bon ra hiệu cho vợ trên chòi (cách nơi đặt vó khoảng 200 m) bấm máy. Khoảng 2 phút, chiếc vó được kéo lên nhẹ nhàng khỏi mặt nước. Ở vị trí sát với chiếc vó, chúng tôi mới cảm nhận được nó "khủng" như thế nào. Chiếc vó được kéo lên, 4 cây cột tre to từ 4 góc như oằn mình cất lên khỏi mặt nước nặng hàng trăm ký".
Khi nhà văn Đặng Thanh đặt tên "Cất vó" cho cuốn tiểu thuyết, vậy, tác giả viết về công việc vừa kể trên? Không. Đây lại là từ chỉ về nghiệp vụ của ngành công an: "Tạo ra những tình huống nhất định, mưu trí chủ động hướng địch hành động theo kế hoạch bố trí sẵn của ta, để bắt gọn cùng một lúc các đối tượng cần bắt của vụ án" - “Từ điển nghiệp vụ phổ thông” (1977) của Bộ Nội vụ giải thích. Ngoài ra, còn có những có những từ liên quan như "giăng lưới", "câu", "câu dầm"…
Dù cũng dùng từ "cất" nhưng lúc nàng Kiều bị Hoạn Thư cho ra "Quan âm các" chép kinh, nàng đã lẻn trốn đi bằng cách: "Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo bóng trăng tà về tây" - thì "cất" ở đây là tự nhấc mình lên một cách nặng nề; khác với: "Mấy lời ký chú đinh ninh/ Ghi lòng tạc dạ cất mình ra đi" là dứt ra mà đi, đi dứt khoát, lẹ làng. Với Hoạn Thư, trước lúc quyết tâm bắt nàng Kiều về trị tội vì dám léng phéng tình ý với Thúc Sinh, tự nhủ: "Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên" - thì cất đầu là ngẩng đầu/ ngóc đầu. Thế nhưng với trường hợp chị Dậu khi bị bọn đàn anh trong làng ức hiếp, đè nén đến độ "cất đầu không lên" lại ngụ ý bị đè nén, chèn ép, hiếp đáp đẩy vào hoàn cảnh ngặt nghèo thái quá, không thể kháng cự. Tuy nhiên. tục ngữ có câu: "Tức nước bờ" là dù bị "đè đầu cưỡi cổ", người ta vẫn tìm cách trỗi đầu dậy. Ta còn nhớ lúc Kiều và Thúc Sinh làm đám cưới:
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng ruỗi sao
"Cất gió" là ngụ ý cái kiệu ấy được nhắc lên, khiêng lên đi nhanh như gió. Dù cũng là từ "cất" nhưng hết sức độc đáo là ta lại liên tưởng qua từ khác, thí dụ: cất gánh/ gánh đi; cất nón/ dở nón; cất tiếng/ lên tiếng; cất chức/ cách chức; cất cẳng/ hất cẳng; cất nhắc/ nâng đỡ; cất xác/ cất đám/ kiêng quan tài đi chôn; cất mồm/ mở mồm v.v… Không những thế, một khi đun nấu cho nước bốc hơi rồi đọng lại thành chất lỏng cũng gọi là cất như cất rượu. Lại còn có vài câu tục ngữ liên quan đến từ cất như "Đòn dưới đất cất lên lưng" - tức là tự mình, tại mình làm cho mình bị đòn roi, tương tự "Xoa mỡ cho kiến cắn". Còn "Ngồi thúng khôn bề cất thúng" là chỉ sự lúng túng, khó xoay xở.
Từ các nghĩa về từ "cất" vừa nêu, ta lại hỏi "cất đó người" là cất cái gì của người ta? Như đã biết "cất" còn có nghĩa là nhấc/ nhấc cái gì đó ra khỏi vị trí đó; suy ra, "đó" trong trường hợp này phải là một vật dụng cụ thể, chứ không thể hiểu theo nghĩa đã hoặc chưa xác định như ai đó, người đó, chỗ đó, đâu đó… Và cũng không thể là từ phản ánh sắc thái tình cảm như: "Đó với đây như cây bén rễ/ Anh không thương mình há dễ thương ai?". Ca dao Nam Bộ có câu hay thiệt hay, ghi lại kẻo quên:
Sách có chữ họa bì nan họa cốt, cho hay tri diện bất tri tâm
Mảng tin lòng đó, đây lầm
Bây giờ anh rõ thiệt, vàng mười cầm cũng buông
"Đó" là ngôi nhân xưng thứ hai, "đây" là ngôi nhân xưng thứ nhất. Còn "đó" - cái vật dụng cụ thể đó, ta có thể tìm thấy trong ca dao, tục ngữ như "Đơm đó ngọn tre" là cười chê ai đó làm việc tréo ngoe, ngốc nghếch còn tệ hại hơn cả "Mặc áo tơi chữa lửa", "Lấy thúng úp voi", "Chỉ buộc chân voi","Giấu voi trong đụn"…
Trách ai tham đó bỏ đăng
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn.
“Việt Nam tự điển” (1931) giải thích: "Đó: Đồ đan bằng tre, miệng có hom, cá chui vào trong mà không ra được". Xét về cấu trúc đối xứng quen thuộc trong câu tục ngữ, ta hoàn toàn xác định được một khi "đó" là vật dụng cụ thể ắt "thời" cũng phải vậy. Dấu vết của "thời" có thể tìm thấy trong ca dao:
Cá chui vô thời chỉ biết kêu trời than thở
Biết bao giờ mới thoát khỏi miệng hom
…
Khổ công tôi cuốc trổ, đơm thời
Cày, bừa, trục rạ chẳng một lời than van
Cũng không lọt được mắt nàng
Phải chăng tôi nghèo mạt, thiếu vàng nàng chê?
Vậy, "thời" là cái gì vậy? "Thời: Đồ đan bằng tre để nhốt cua cá, ếch nhái. Đan thời để nhốt ếch. Đeo một thời cá" - theo “Việt Nam tự điển” (1931). Cái thời này, “Nông ngư cụ Nam Bộ với ca dao, tục ngữ” (NXB Văn hóa, Văn nghệ - 2010) của Phan Văn Phấn cho biết ở Long An còn gọi "xà ngôn", nếu dùng bắt tép thì gọi "xà ngôn tép"; “Nông, ngư cụ cổ truyền Nam Bộ nhìn từ Đồng Tháp Mười” (NXB Đồng Nai -2019) do Hội Sử học Đồng Tháp biên soạn cho biết "thời" còn có tên gọi là "đụt".
Trở lại câu tục ngữ "Cất đó người, người cất thời ta", ta rõ nghĩa đây là lời căn dặn chớ tham, chớ lấy gì của người khác, như thế, người khác ắt lấy lại của ta. Mà, người ta lấy lại nhiều hơn ta lấy của họ, bởi cái thời to hơn cái đó. Từ câu này, trong tập “Thơ ngụ ngôn” (Nhất Phương ấn quán -1928) nhà thơ Đồ Nam Tử có viết thành câu chuyện của hai tên Ất, Giáp. Khi Giáp cất "đó" của Ất, lúc quay về thấy "thời" của mình: "… ai đã rốc rồi còn chi/ Dậm chân cầm rổ vất đi/ Rằng tham con chõn mất xề cá to". Xin giải thích, "rốc" là ráo trơn, hết sạch; "chõn" còn là tên gọi của cá chuối nhỏ; "xề" là cái rổ to, cũng gọi rổ xề.
Xét ra, hoàn toàn có thể lấy chất liệu từ tục ngữ để viết nên những bài thơ ngụ ngôn theo cách nói, cách nghĩ của người Việt. Ngoài Đồ Nam Tử, còn có Nguyễn Văn Ngọc, Bùi Huy Cường…. đã thể hiện thành công. Khi khảo sát về thơ Việt Nam, các nhà nghiên cứu xưa nay hầu như không quan tâm đến thể loại thơ ngụ ngôn này, kể ra cũng là điều đáng tiếc.