Trả lương tại V.League: Denilson, Công Vinh là số 1!

Chủ Nhật, 15/11/2020, 10:39
Bên cạnh những thương vụ lót tay lên tới chục tỷ, lương của cầu thủ V.League cũng là chuyện ly kì mà cũng đầy tế nhị mà không phải ai cũng dám công khai.

Nhưng đến hiện tại, qua những bản hợp đồng bom tấn, người ta cũng định hình được giá trị của cầu thủ trong cả một chặng đường 20 năm bóng đá bước lên chuyên nghiệp.

Geovane số 1 mà không phải là… số 1

Cả ngày hôm nay, V.League chỉ còn biết choáng với số tiền được cho là mức lương mà Hà Nội FC sẵn sàng chi ra để có cái gật đầu của Geovane Magno, một trong những ngoại binh hay nhất V.League ở thời điểm hiện tại. Con số lên đến 20.000 USD/tháng. 

Trong thời điểm mà giá trị đồng đô la Mỹ cứ ngày một tăng tại Việt Nam thì con số quy đổ lên tới gần nửa tỷ đồng trong một tháng mà Geovane nhận được tại Hà Nội FC không thể không khiến đại đa số cổ động viên Việt Nam – những người có thu nhập trung bình từ 10-20 triệu đồng/tháng không khỏi giật mình.

Kể cả với những cầu thủ ngoại đang chinh chiến tại V.League, 20.000 USD/tháng cũng là một con số quá đỗi trong mơ. Đa phần, những cầu thủ ngoại thi đấu cho các CLB ở Việt Nam chỉ nhận ngưỡng từ 5-12.000 USD/tháng. Thế mới có chuyện Victor Mansaray thất vọng rời Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, chỉ vì đội bóng này chỉ trả lương vỏn vẹn 5.000 USD/tháng, trong khi cầu thủ này muốn con số lên đến 7.000 USD.

Cứ cho là Geovane nhận 20.000 USD/tháng thật – bởi theo một nguồn tin khác, cầu thủ này chỉ nhận có 15.000 USD/tháng mà thôi thì cầu thủ này đơn thuần là đang nhận một mức lương cao nhất ở V.League hiện tại, chứ không phải là cái tên khiến V.League quay cuồng vì lương cao trong lịch sử 20 năm của giải đấu.

10 năm về trước, khi những ông bầu vẫn còn rủng rỉnh hầu bao để đổ không ngớt vào bóng đá, Denilson – nhà vô địch World Cup 2002 thậm chí đã được Hải Phòng trả tới 35.000 USD/tháng. 

Chỉ đáng tiếc rằng, thương vụ này nhanh chóng thất bại. Khi Hải Phòng quá háo cái danh Denilson mà bỏ qua tiền sử chấn thương dày đặc của chân sút người Brazil. Huỳnh Kesley Alves, Gustavo của B.Bình Dương hay Vissai Ninh Bình cũng từng được chi trả lương tháng từ 20-30.000 USD.

Một trường hợp đặc biệt khác chính là Kiakitsak Senamuang. Theo báo chí đưa tin, ở thời điểm năm 2003, bầu Đức đã trả cho Kiatisak mức lương 7.000 USD/tháng. Bây giờ 7.000 USD là con số không lớn nhưng 17 năm về trước lại là con số cực lớn, chưa cầu thủ nào ở Đông Nam Á đạt được. Con số 7.000 USD này được một người từng làm việc cho CLB HAGL thời đó tiết lộ.

Mức lương 7.000 USD/tháng của Kiatisak của 19 năm trước nếu tính theo mức độ trượt giá phải tương đương hơn 600 triệu (30.000 USD)/tháng vào thời điểm hiện nay. Quy đổi ra vàng, Kiatisak khiến bầu Đức tiêu tốn tới 20 cây vàng/tháng. Bầu Đức thậm chí còn gây sốc hơn nữa khi chuyển thẳng trước… 2 năm tiền lương vào tài khoản Kiatisak lúc sang Thái Lan thuyết phục danh thủ này về Pleiku. Vậy là Kiatisak “gục” hoàn toàn!

Denilson là ngoại binh hưởng lương cao nhất lịch sử V.League.

Công Vinh và cú bẻ cua với bầu Hiển!

Mức lương dành cho nội binh đương nhiên là thấp hơn nhiều so với ngoại binh. Đến thời điểm này, mặt bằng lương của các nội binh tại V.League thường dao động cao nhất từ 30-45 triệu đồng/tháng. Duy chỉ có trường hợp của Công Phượng là khác thường. Bởi do vẫn còn vướng mắc hợp đồng với Sint-Truidense khi đầu quân cho TP Hồ Chí Minh theo dạng cho mượn, Công Phượng được đội bóng tại V.League trả tới 70 triệu đồng/tháng.

Nhưng con số ấy vẫn chẳng thấp tháp vào đâu so với những đàn anh đi trước. Cách đây gần 10 năm về trước, các ông bầu đã không tiếc tiền chi trả đậm như thế nào cho những ngôi sao nội. Đặc biệt trong đó phải kể đến trường hợp của Lê Công Vinh.

Năm 2011, hợp đồng giữa Công Vinh và CLB Hà Nội hết hạn. Tất nhiên, bầu Hiển muốn giữ tiền đạo con cưng ở lại Hàng Đẫy. Đúng là Công Vinh vẫn ở lại Hàng Đẫy thật. Nhưng chỉ có điều, anh không còn là người của bầu Hiển nữa. Đúng vào thời điểm đội Hà Nội T&T quyết định tái ký hợp đồng với Công Vinh, chân sút này quyết định đầu quân cho một đội bóng khác. Đó cũng là cú “bẻ kèo” gây xôn xao dư luận và khiến bầu Hiển vừa giận vừa thương.

Số là trước đó, bầu Hiểu đã cho mời Công Vinh đến nhà để thảo luận về việc gia hạn. Với bản tính phóng khoáng, ông không ngần ngại chi 10 tỷ đồng tiền lót tay và 60 triệu đồng tiền lương/tháng. Công Vinh vẫn chưa hài lòng. Anh muốn nhận mức lương cao 80 triệu đồng/tháng! Bầu Hiển chốt. Công Vinh gật đầu đồng ý.

Vậy nhưng sau đó, khi những thiệp mời họp báo về việc Công Vinh gia hạn hợp đồng với Hà Nội T&T của bầu Hiển vẫn được phát ra, tiền đạo của Việt Nam đã được bầu Kiên nhanh chóng “đi đêm và liên hệ”. 14 tỷ đồng lót tay/3 năm, mức lương trên 80 triệu đồng/tháng đã biến Công Vinh không chỉ là cầu thủ Việt Nam được trả lương cao nhất V.League mà còn là ngôi sao được cưng chiều bậc nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Bùi Tiến Dũng vỡ mộng ở Hà Nội FC vì đòi lương cao

Trở lại với câu chuyện cách đây 1 năm về trước, Hà Nội FC đã tiến hành thương thảo hợp đồng mới với thủ môn Bùi Tiến Dũng. Thủ thành này đòi lương lên đến 40 triệu đồng/tháng, tức là gần ngang ngửa đội trưởng Nguyễn Văn Quyết và cao hơn cả thủ môn số 1 là Nguyễn Văn Công. Hà Nội FC lập tức từ chối. Bởi khi đó, Tiến Dũng chỉ là thủ môn số 2, thậm chí có thể xem là số 3 của đội. Vậy là thương vụ kể trên đổ bể. Bùi Tiến Dũng vào TP Hồ Chí Minh đầu quân với bản hợp đồng kèm khoản tiền lót tay lên đến 7 tỷ đồng/3 năm cùng mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng.

PV
.
.
.