Luận bàn về chuyện “đấu đá” ở VFF

Thứ Ba, 29/05/2018, 17:20

Ngày 29-5, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Xuân Gụ đã nộp đơn xin từ chức sau “sự cố” tại một khách sạn ở TP. HCM cùng một cô gái 24 tuổi.



Ông Gụ là cái tên mới nhất sau một loạt quan chức bóng đá Việt Nam phải từ chức và dừng “cuộc đua” vào các ghế “chóp bu” trước thềm Đại hội VFF khóa VIII. Trước và sau ông Gụ, dư luận cho rằng đang có một "cuộc chiến" quyết liệt nhằm loại bỏ các đối thủ ở VFF.

VFF là tổ chức trực tiếp quản lý và điều hành cả nền bóng đá Việt Nam, được cho là một tổ chức rất có quyền lực và thế mạnh tài chính. Vì vậy không có gì lạ khi cuộc đua vào các vị trí chủ chốt của VFF trong thời gian qua lại căng thẳng đến như vậy. Tuy nhiên, điều khiến cho dư luận choáng là không ngờ cuộc đua ấy lại khốc liệt đến như vậy. Hàng loạt quan chức “ngã ngựa” một cách rất “đúng bài” nhưng đầy cay đắng.

Đầu tiên phải kể đến ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực của VFF. Ông Tuấn trưởng thành từ vị trí Tổng Thư ký VFF, sau đó nắm chức danh Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Trong suốt khóa VII của VFF, khi ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF gần như vắng mặt để điều trị bệnh tật, ông Tuấn được cho là người toàn quyền điều hành VFF.

Đến kỳ đại hội khóa VIII lần này, ông Tuấn ứng cử vào vị trí Chủ tịch VFF. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Đại hội VFF bị hoãn nhiều lần và vẫn chưa thể diễn ra, trong đó có nguyên nhân quan trọng là ông Tuấn đang bị nhiều đơn kiện nộp về Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ VH-TT&DL. Bị kiện có nghĩa là ông Tuấn phải giải trình và chờ kết luận. Bị kiện đồng nghĩa với việc Bộ VH-TT&DL chưa thể làm thủ tục giới thiệu ông Tuấn ra đại hội VFF khóa VIII, một yêu cầu bắt buộc trong quy trình hoàn thiện hồ sơ.

Ông Tuấn, ông Đức, ông Gụ và ông Hùng

Sau ông Tuấn, nhân vật tiếp theo bị “đánh” đó chính là ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, đương kim Phó Chủ tịch VFF. Ông Đức bị “đánh” theo cách rất “giời ơi”. Ở kỳ đại hội lần VIII này, ông Đức tiếp tục được giới thiệu vào chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF.

Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội VFF, người ta soạn và đưa vào qui chế bắt buộc phải có bằng đại học đối với các ứng viên chủ chốt của VFF. Và như vậy, đương nhiên ông Đức bị loại vì không có bằng đại học. Tuy sự việc sau đó kéo theo nhiều lùm xùm kèm nhượng bộ, nhưng ông Đức đã thôi không nhận lời ứng cử vì sự việc đã được đẩy đi quá xa.

Kéo theo cuộc chơi, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) bị bầu Đức “đánh” cho tả tơi. Ông Tú từng than phiền với truyền thống rằng, ông không hiểu sao mình bị đánh. Ông Tú bị bầu Đức công khai đấu tranh khi cho rằng, ông Tú nắm quá nhiều chức vụ chủ chốt và thao túng VPF.

Ông Tú vừa là Chủ tịch, vừa là Giám đốc VPF và kiêm nhiệm thêm một vài chức danh quan trọng khác tại VPF. Thêm vào đó, ở kỳ đại hội VIII, ông Tú còn ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF. Trước những công kích như vũ bão của bầu Đức, nhiều cuộc họp, thậm chí là với cả lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, ông Tú buộc phải xin rút lui khỏi cuộc đua.

“Nạn nhân” tiếp theo của “cuộc chơi” là ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT VPF. Trong cuộc họp giữa lãnh đạo VPF và ban trọng tài VFF, ông Hùng đã có nhiều lời lẽ văng tục với trọng tài Dương Văn Hiền. Ngay sau đó, đoạn băng ghi âm toàn bộ cuộc họp này đã được tung lên mạng. Không thể biện minh, ông Hùng đành từ chức Phó Chủ tịch VPF. Đồng thời, đương nhiên ông Hùng phải tuyên bố dừng cuộc đua vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF khóa tới.

Đại hội VFF chưa bao giờ nóng bỏng và khốc liệt như lần này (ảnh: Hải Anh).

Tiếp đến, “nạn nhân” gần nhất của cuộc “đấu đá” là ông Nguyễn Xuân Gụ - đương kim Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF. Ngày 29-5, ông Gụ đã chính thức gửi đơn xin từ chức. Cách đây ít ngày, ông Gụ bị cơ quan chức năng kiểm tra hành chính tại một khách sạn ở TP. HCM khi ông đang ở chung phòng với một cô gái 24 tuổi. Ông Gụ sau đó thanh mình là do mình sơ xuất không đăng ký danh tính cô gái này với lễ tân khách sạn, và rằng đó không phải là chuyện mua dâm.

VFF ra công văn khẳng định không cử ông Gụ vào TP. HCM công tác và yêu cầu ông Gụ giải trình. Mọi việc đã chấm dứt với ông Gụ khi áp lực của dư luận đặt ra quá lớn và buộc ông phải từ chức. Ở đại hội VFF khóa tới, ông Gụ ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF, 1 trong 3 vị trí quan trọng nhất.

Bóng đá Việt Nam chưa một lần vô địch SeaGames và mới 1 lần duy nhất vô địch Đông Nam Á nhưng lần duy nhất ấy đã cách đây 10 năm. 7 kỳ đại hội với 35 năm hoạt động, VFF đã làm được những gì cho bóng đá Việt Nam với sự kỳ vọng rất lớn từ người hâm mộ?

Hơn lúc nào hết, dư luận cho rằng VFF hãy đoàn kết vì cái chung, có lẽ bộ mặt bóng đá của chúng ta đã rất khác thay vì cứ ngụp lặn mãi trong “ao làng” Đông Nam Á với giấc mơ vượt qua Thái Lan. AFF Cup 2018, ASIAD 2018 và Asian Cup 2019 sắp đến trước mắt với đội tuyển Việt Nam, thiết nghĩ đó mới là điều quan trọng nhất các quan chức VFF cần tận tâm thay vì “đá” những việc ngoài “bóng”.

Vũ Cảnh
.
.
.