Hàng tiền vệ ĐTVN: Phải thay đổi nếu muốn tiến xa

Thứ Tư, 21/11/2018, 16:08

3 trận, 7 điểm, trong đó có 2 trận sân khách. Đó không phải là một kết quả tồi chút nào. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế, bảng A của ĐTVN là bảng dễ. Và trước mắt, bán kết sẽ vô cùng khắc nghiệt mà nếu không cải thiện, Việt Nam sẽ cực kỳ vất vả nếu không nói là có nguy cơ lỡ nhịp chuyến tàu đợi chờ đã 10 năm…


Hãy nhìn lại hai tình huống ở trận Myanmar liên quan đến Quang Hải, rồi chúng ta cùng nhận định lại về thực lực của ĐTVN. Tình huống thứ nhất, ở hiệp 1, từ pha phạt góc của Xuân Trường. Đó là cú đá phạt góc “khác thường”. Không phải đường treo bóng bổng như thường lệ, mà là bóng sệt, được đưa ra gần mép vòng cấm địa Myanmar. Quang Hải là người đón bóng, đi qua hai hậu vệ đội bạn và dứt điểm. Pha bóng ấy, chắc chắn hàng thủ của Myanmar đã vô cùng ngỡ ngàng.

Tình huống thứ hai, ở hiệp 2, là tình huống mà lưới Myanmar đã rung lên nhưng trọng tài bắt lỗi việt vị Văn Toàn (xin tạm không xét đúng-sai). Quang Hải đón bóng ở ngoài vòng cấm, ngay rìa vòng cung 9m15. Bóng cận chân, Quang Hải vẫn tung cú sút bóng sống 1 nhịp căng, và hiểm. Giả sử trọng tài không bắt lỗi việt vị Văn Toàn đi nữa, thủ thành Myanmar cũng không phải ân hận vì anh ta đã làm hết sức mình. Ngăn cản một pha dứt điểm như thế không dễ dàng chút nào. Trước đẳng cấp, đòi hỏi phải có đẳng cấp.

Cú dứt điểm của Quang Hải hiệp 2 trận gặp Myanmar - Ảnh: LT

Nhắc lại hai tình huống kia chỉ để dẫn đến một nhận định: Quang Hải chơi tốt nhất khi được tung hoành ở gần cầu môn đối phương. Đơn giản, anh có mọi tố chất của một cầu thủ hộ công xuất sắc là nhanh, khéo, có khả năng phối hợp tốc độ cao, phối hợp ít chạm, chuyền bóng sắc bén và là mối đe dọa lớn đối với khung thành đối phương nhờ vào kỹ năng dứt điểm rất tốt ở các không gian hẹp.

Vậy thì tại sao ông Park Hang-Seo vẫn không trả Quang Hải về với tuyến tấn công trong khi trong tay ông đang có 1 Hùng Dũng chơi tiền vệ trung tâm chắc chắn, tranh chấp tốt? Không dễ gì để trả lời câu hỏi đó. Đưa Quang Hải lên hàng công của sơ đồ 3-4-3, chắc chắn giữa Văn Quyết và Công Phượng, ông Park Hang-Seo sẽ phải hi sinh một người. Ở hiệp 1 trận gặp Malaysia, ông đã hi sinh Văn Quyết nhưng vẫn không đưa Quang Hải lên hàng công mà thay vào đó, ông Dùng Văn Đức. Văn Đức chơi quá tốt, nên câu hỏi về Quang Hải ở trận Malaysia không còn là vấn đề lớn nữa. Nhưng rõ ràng, khi Hùng Dũng vào sân (cũng như ở trận Myanmar vừa rồi), Quang Hải chơi sáng nước hơn hẳn.

Công Phượng - Ảnh: LT 

Park Hang-Seo là một HLV giỏi, tính ra là cho đến lúc này, với những gì các đội bóng của ông (tính từ U23 Việt Nam tới ĐTVN) đang thể hiện. Nhưng tại sao một HLV giỏi lại sử dụng cầu thủ giỏi của mình ở vị trí chưa hoàn toàn phù hợp với anh ta? Rõ ràng, để Quang Hải chơi ở trung tâm bên cạnh Xuân Trường sẽ làm giảm khả năng kiểm soát của tuyến tiền vệ trong khi đó lại làm hàng công suy yếu hơn. Bỏ sở trường, chọn sở đoản, phải chăng lý do của ông Park Hang-Seo vẫn nằm ở vướng mắc với phía HAGL, nơi có một bầu Đức được coi là người có công đưa ông Park sang Việt Nam và một lứa cầu thủ được yêu mến bởi đại chúng, điển hình nhất là “cầu thủ quốc dân” Công Phượng?

Nếu vì lý do đó, tại sao ông Park không hi sinh Văn Quyết? Câu hỏi này có thể dễ trả lời hơn. Chúng ta nhận ra rất rõ, ĐTVN khi không có bóng thường chơi thu hẹp cự ly lại, với khoảng cách giữa các tuyến và giữa các cầu thủ nội tuyến nằm dao động ở khoảng từ khoảng cách phân tuyến tối thiểu (9m15) cho tới khoảng 12m. Đó là khoảng cách an toàn để khi một cầu thủ áp sát đoạt bóng bất thành, anh ta có ngay đồng đội bọc lót ở sau lưng hoặc bên cạnh. 

Và đội hình thu gọn của ĐTVN khi mất bóng thường là 5-4-1 hoặc 5-3-2 với vai trò của Văn Quyết thu lại như một tiền vệ tăng cường. Công Phượng rất có ý thức lui về hỗ trợ phòng ngự, thậm chí Công Phượng ở giải này còn chơi “nhiệt” hơn hẳn so với chính mình trước đây nhưng về độ quái trong tranh chấp khi đội không có bóng, Phượng không già giơ hơn Quyết. Vả lại, ông Park cần Phượng ở trên cao hơn Văn Quyết để khi phản công, khả năng cầm bóng đột phá của Phượng có thể là chìa khóa mở ra tình huống ăn bàn.

Văn Quyết vẫn chưa để lại dấu ấn nào đáng kể - Ảnh: LT 

Đó chính là nguyên nhân tạm thời có thể lý giải vì sao Park Hang-Seo vẫn tin dùng Văn Quyết và Công Phượng chơi trên hàng công bên cạnh 1 trung phong cắm. Nhưng lựa chọn ấy của Park Hang-Seo chắc chắn sẽ hiệu quả nếu Văn Quyết là mũi nhọn sắc bén khi ĐTVN cầm bóng và tổ chức tấn công. 

Rất tiếc, thực tế lại khác. Văn Quyết đang không có được phong độ tốt nhất và thực sự, từ đầu giải đến nay, chưa một lần Văn Quyết cho thấy anh là một mũi tấn công tiềm tàng nhiều nguy hiểm cho đối phương. Đó là còn chưa kể nhiều lần Quyết chuyền bóng bị lỗi. Vậy thì, nên chăng, đã đến lúc Park Hang-Seo phải để Văn Quyết lui lại, và lựa chọn Quang Hải là người thay thế trên hàng công, để phát huy tốt nhất khả năng của Quang Hải?

Sẽ rất khó để chúng ta kết luận thay HLV bởi chúng ta chỉ xem cầu thủ đá trên sân chứ không chứng kiến họ thực hiện các bài tập như thế nào. Bóng đá là tích lũy, và HLV nhìn vào tích lũy của cầu thủ để chọn lựa đội hình tối ưu cho mình. Nhưng cũng nên tạo ra một sức ép cạnh tranh lành mạnh để các cầu thủ hiểu rằng, nếu anh không thể đáp ứng đòi hỏi, anh sẽ phải nhường chỗ cho người đáp ứng được nó.

Ngoài ra, trả Quang Hải về với hàng công, một vấn đề cũng phải được nhìn nhận rõ là chuyện phân nhiệm giữa Hải và Phượng. Họ đều là cầu thủ sáng tạo, có khả năng dứt điểm và kiến tạo. Bởi thế, sắp xếp họ thế nào là một chuyện, chuyện họ phối hợp với nhau ra sao, nhìn nhau mà chơi kiểu gì mới là chuyện quan trọng hơn. Mà điều đó, ông Park chỉ có thể truyền đạt mà thôi. Còn thực thi nó thì phải nằm ở ý thức và nhãn quan của chính Công Phượng và Quang Hải.

ĐTVN đang chơi rất chắc chắn, và có kết quả khả quan khi ghi được 5 bàn mà chưa thủng lưới lần nào. Nhưng vẫn có những chờ đợi họ bùng nổ hơn, với những pha dàn xếp mãn nhãn hơn. Và vì thế, chuyện thay đổi hàng tiền vệ để đôn Quang Hải lên chơi gần cầu môn hơn là rất cần thiết. Đặc biệt, trước các đối thủ mạnh hơn ở bán kết (và chung kết nếu ta đi tới đó), việc tạo ra một hiệu quả thực sự ở tuyến tấn công và cùng cố chắc hàng tiền vệ để kiểm soát bóng và kiểm soát trung tuyến tốt hơn cũng là đòi hỏi bức bách. Nên nhớ, trước những đội bóng chơi nhanh như Thailand, nếu để mất trung tuyến, rất có thể chúng ta sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Hà Quang Minh
.
.
.